Một tay đổi thay số phận

Một tay đổi thay số phận

(GD&TĐ) - Khi những bóng đèn đường soi rõ đại lộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), cũng là lúc nữ họa sĩ trẻ dọn đồ nghề của mình ra chào mời khách. Chỉ với một tay, nhưng cô đã say mê phóng tác những bức chân dung đầy nghệ thuật. 

Số phận không may

Phải bươn chải để kiếm sống, bỏ học giữa chừng, rồi một tai nạn khủng khiếp xảy ra. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, biết mình bị mất đi một phần cơ thể, cô gần như suy sụp. Nhưng rồi với ý chí và tâm hồn sống mạnh mẽ, Lê Thụy Ngọc Giao đã vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục sống và lao động như một chuyện cổ tích giữa đời thường.

Gần một năm nay, ở vỉa hè trên đường Nguyễn Huệ, khách đi đường thường chú ý và thích thú mỗi khi được cô gái chỉ với một tay trái vẽ cho mình những bức chân dung giá rẻ. Cô hoạ sĩ ấy đã bị mất bàn tay phải. Mỗi tối, khi cơm nước xong, cô lại cọc cạch đạp xe cùng với bộ đồ nghề đơn giản ra đường Nguyễn Huệ. Dựng chiếc xe đạp cũ kỹ ngay ngắn, cô ngồi nép mình bên hông khách sạn Kim Đô kiếm sống với bút chì, giấy trắng và tấm biển viết tay “Draw Portrait” (vẽ chân dung). Dưới ánh sáng vàng vọt của bóng đèn đường, Ngọc Giao miệt mài phóng tác, khắc họa những bức chân dung rất có hồn bằng nét bút chì mềm mại, sắc nét trước sự chứng kiến của khách vẽ và người xem. Một bức tranh được cô hoàn tất chỉ từ 12 – 17 phút, tùy theo yêu cầu chỉnh sửa của khách.

Khi trời đã về khuya, khách đi đường cũng thưa dần, nữ họa sĩ nhẹ nhàng tháo chiếc kính cận ngồi nghỉ ngơi và ngắm đường phố. Lau nhẹ những giọt mồ hôi còn ướt đẫm trên trán, giọng chùng xuống, cô tâm sự với tôi về gia cảnh của mình, cũng như lý do khiến cô bị mất đi bàn tay phải cách đây 2 năm.

Ngọc Giao đang thể hiện tác phẩm ở góc đường Nguyễn Huệ
Ngọc Giao đang thể hiện tác phẩm ở góc đường Nguyễn Huệ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Ninh Bình, gia đình quá khó khăn nên cả nhà chuyển vào Bình Hưng Hòa (Quận Tân Phú, TP.HCM) lập nghiệp. Dù là con út nhưng từ nhỏ cô đã phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, phụ ba mẹ làm đủ mọi nghề. Tuy vậy, cô cũng được gia đình cho học hành đàng hoàng.

Vốn đam mê vẽ tranh từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Giao thi vào khoa Thiết kế thời trang của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Gia đình khó khăn nên một buổi lên giảng đường, một buổi cô phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau để có tiền đóng học phí, mua sách vở dụng cụ. Từ việc phụ bàn, bán rau đến đi phát tờ rơi, cô đều không ngại. Thế nhưng cô sinh viên ngành thiết kế thời trang cũng chỉ trụ ở giảng đường được 2 năm. Mùa hè năm 2009, Giao nghỉ học để đi xin làm công nhân ép lồng quạt tại một xí nghiệp chuyên sản xuất quạt máy. Trong lúc làm mệt mỏi, lại hơi bất cẩn, cô sinh viên đang ở độ xuân thì bị cỗ máy khổng lồ nghiến nát bàn tay phải.

Vậy là, khi cô bắt đầu cảm nhận được niềm vui của cuộc đời với nội tâm tràn đầy sức sống của tuổi xuân và mối tình đầu ngọt ngào thì sự nghiệt ngã của cuộc sống lại vây lấy cô. Hằng ngày, chứng kiến cảnh ba mẹ phải giặt giũ, chăm sóc cho mình, bạn bè trong xóm tung tăng đến trường, dạo phố trong khi mình phải nằm ở nhà gặm nhấm nỗi buồn, cô không khỏi tủi thân và chạnh lòng. Phải mất gần một năm, Giao mới bình tĩnh trở lại và tiếp xúc với mọi người, trước sự động viên của cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người yêu, cuối cùng Giao cũng dần tìm lại được niềm vui và nghị lực sống. 

Tìm lại niềm vui

Bằng sức sống mãnh liệt và tài năng của mình, cô gái ấy đã vượt qua số phận để hoàn thành một trong những ước mơ là được vẽ tranh, vẽ chân dung từng con người. Khi lấy lại được thăng bằng về tâm lý, Giao thường xuyên ghé các nhà mở, mái ấm để trò chuyện với các em nhỏ mồ côi khiếm thính, bại liệt. “Những lúc trò chuyện với các em, Giao hiểu thêm nhiều điều và cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều trẻ em khác. Mặc dù mình mất đi một phần cơ thể, đau đớn thật, nhưng vẫn còn cha mẹ, người thân luôn bên cạnh nâng đỡ. Còn nhiều em không có gia đình, người thân. Từ đó mình thấy trong cuộc sống có nhiều niềm vui hơn” - cô bộc bạch.

Tác phẩm của Ngọc Giao
Tác phẩm của Ngọc Giao

Bàn tay phải bị mất, Giao đành phải cắn răng luyện tập lại từ đầu mọi thứ bằng tay trái để có thể tự sinh hoạt hằng ngày. Từ bới cơm, giặt giũ, quét nhà… đến những sinh hoạt cá nhân tối thiểu. Và thương ba mẹ còn nghèo khó, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên Giao bắt đầu tập vẽ bằng tay trái với mục đích kiếm sống. Sau đó, được người thân giúp tìm một bàn tay giả bằng cao su, Giao tự tin lên rất nhiều và quyết tâm đi học vẽ chân dung bằng chì tại Gallery. Chỉ có mấy tháng, bàn tay trái của cô đã chịu sự điều khiển của chủ nhân rất tốt, thể hiện những đường nét mềm mại có hồn. Hết khóa học, cô gái trẻ quyết định xách đồ nghề ra công viên, vỉa hè ngồi. Buổi chiều, cô chọn ở góc đường Đồng Khởi, tối về phòng trọ ở đường Cô Giang nghỉ một chút, sau đó lại cột đồ nghề cũng mấy chiếc ghế nhựa ra đường Nguyễn Huệ. Hôm nào gặp may, cô có thể vẽ từ 5 - bức chân dung, nhưng cũng có đêm không có bức nào, nhất là những lúc trời mưa, Giao lại ngồi ngắm nhìn đường phố, du khách qua lại, chỉ đường cho du khách... Khách đến vẽ không chỉ khen ngợi cô vẽ rất giống, có hồn mà họ còn khâm phục khi cô thể hiện những nét bút mềm mại bằng bàn tay trái. Tiền vẽ được giúp cô trang trải tiền phòng trọ và sinh hoạt hằng ngày. Không chỉ vẽ trực tiếp, Giao còn nhận vẽ qua ảnh do khách hàng gửi bằng email. Có những đêm trở về phòng trọ, cô lại ngồi suy ngẫm, hý hoáy vẽ gương mặt của một cụ bà, cụ ông cô bắt gặp trên đoạn đường đi làm. Cũng có lúc cô thẫn thờ vẽ khuôn mặt mình qua gương.

Giao từng ví cuộc sống của mình như một khuông nhạc với những nốt lúc trầm, lúc bổng, lúc du dương, lúc réo rắt..., điều chị có được chính là sự tự tin, vượt qua những nốt nhạc trầm lắng để với đến những nốt nhạc du dương, hạnh phúc. Hiện Giao đang học thêm khóa vẽ phong cảnh trên gỗ và sơn dầu. Ngoài việc vẽ tranh kiếm sống, vẽ tranh cho thỏa đam mê, hiện cô còn đang tích cực tập luyện cùng đội tuyển khuyết tật của thành phố chuẩn bị cho cuộc thi đấu toàn quốc vào tháng 7 tới, với môn bơi lội. Kết thúc một tối làm việc thường là hơn 22 giờ, bóng cô lại xiêu vẹo dưới ánh đèn đường. Về đến phòng đúng 23 giờ, rồi lại suy tưởng nghĩ ngợi cũng với nét chì mềm mại trên giấy trắng.

Ngày qua ngày, nữ họa sĩ một tay vẫn lặng lẽ với công việc của mình giữa những con đường tráng lệ, tìm niềm vui cho cuộc sống của mình như một nốt nhạc trầm giữa bản hợp xướng xô bồ. 

“Ngồi làm ở đây ngắm mọi người qua lại, được nói chuyện với khách du lịch, nghe họ kể về phong tục tập quán đất nước họ, mình thấy vui lắm. Hiện mình cũng học thêm Anh văn và đọc thêm sách về danh lam thắng cảnh, cũng như văn hóa Việt Nam để giới thiệu với những người khách từ xa đến. Bây giờ mình cảm thấy rất vui với cuộc sống và công việc”- Ngọc Giao thổ lộ.


Thái Khuê

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.