Một nhà ba vị đại khoa, hai con vinh quy một ngày

GD&TĐ - Là trường hợp hiếm có, một gia đình cả ba cha con đều là đại khoa, trong đó hai người con cùng đỗ tiến sĩ trong một khoa thi.

Núi Voi – nơi các tư liệu lịch sử đánh giá cao về phong thủy ở huyện An Lão.
Núi Voi – nơi các tư liệu lịch sử đánh giá cao về phong thủy ở huyện An Lão.

Hải Phòng có hơn 90 nhà khoa bảng nhưng đặc biệt có một gia đình ở làng Thạch Lựu, tổng Đại Phương Lang, huyện An Lão, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là làng Thạch Lựu, xã An Thái, An Lão - Hải Phòng) có ba bố con đều đỗ đại khoa vào hai kỳ thi lệch nhau 12 năm (1502 và 1514) là một điều chưa từng thấy.

Người bố làm quan tới chức Tả thị lang, còn hai người con làm quan tới chức Thượng thư và cả hai đều được ban tước Văn Đẩu hầu và Mỹ Thọ hầu.

Cả nhà Tiến sĩ

Theo các tư liệu lịch sử và địa chí, An Lão là một miền đất cổ có lịch sử lâu đời, xuất hiện nhiều hiền tài trong sự nghiệp giáo dục cũng như bảo vệ quê hương đất nước.

Là huyện ở vùng châu thổ nhưng An Lão có nhiều đồi núi, tạo nên cảnh trí thiên nhiên kỳ thú, được nhiều nhà nghiên cứu địa lý xưa chú ý, tiêu biểu là khu núi Voi được sách “Đại Nam nhất thống chí” mô tả tỉ mỉ, sách “Hải Dương toàn hạt dư địa chí” còn mô tả nơi ấy “giếng đục và giếng trong, sâu không thấy đáy, múc nước không cạn ở hang Họng Voi”.

Theo tư liệu Hán Nôm, văn thần xưa có cụ Đoàn Mậu tại khoa thi năm Ất Mùi (1475) niên hiệu Hồng Đức thứ 6, đời Lê Thánh Tông, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, tri Chiêu Văn quán, cục Tú Lâm, tước Cẩn lễ Nam. Thêm phần rạng rỡ sự nghiệp học hành của người dân An Lão xưa còn có ba cha con nhà Nguyễn Kim.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở thôn Thạch Lựu, xã An Thái. Thủy tổ dòng họ là cụ Nguyễn Đốc Lượng, quê ở Ái Châu, Thanh Hóa ra An Lão làm nghề Đông y. Cụ đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho con gái gia đình họ Vũ nên được gia đình họ Vũ gả con gái cho.

Nguyễn Kim là con thứ của cụ Nguyễn Đốc Lượng, ông sinh năm 1470, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa thi Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, đời vua Lê Hiến Tông. Làm quan nhà Lê tới chức Hiến sát sứ, Tham chính, khi mất được truy tặng hàm Hữu thị lang.

Nguyễn Chuyên Mỹ là con trai của Nguyễn Kim, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Tuất (1514), niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 đời vua Lê Tương Dực. Làm quan nhà Mạc tới chức Thượng thư.

Sau đó vì bất đồng quan điểm với nhà Mạc, ông về trí sĩ tại quê nhà, mở trường dạy hơn 300 sĩ tử, có khá nhiều người thành đạt. Thơ ông có 5 bài chép trong “Toàn Việt thi lục”. Lúc mất, ông được phong phúc thần và được thờ ở miếu và đình làng Thạch Lựu, hóa ngày 5/12, yên nghỉ tại xứ Mả Ráng của làng.

Nguyễn Đốc Tín là con trai của Nguyễn Kim, em của Nguyễn Chuyên Mỹ, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Giáp Tuất (1514), niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 đời vua Lê Tương Dực (cùng khoa với anh trai). Làm quan nhà Mạc tới chức Thượng thư, tước Mỹ Thọ hầu.

Từ đường Tam Tiến sĩ tại làng Thạch Lựu, xã An Thái, An Lão - Hải Phòng.

Từ đường Tam Tiến sĩ tại làng Thạch Lựu, xã An Thái, An Lão - Hải Phòng.

Ghi danh bia đá không mục

Từ cuối thời Lê sơ, bộ máy thống trị của triều đại phong kiến Việt Nam suy vi, Trần Cảo vì kiêng tên húy nên gọi là Trần Cao - người từng giữ chức quan coi điện Thuần Mỹ (Thuần Mỹ điện giám) đã tập hợp những người tha hương, rồi tự xưng là cháu năm đời của vua Trần Thái Tông để dấy binh khởi nghĩa.

Trần Cảo khi ra trận mình mặc áo đen, quân lính đều cạo đầu, để ba chỏm tóc nên còn gọi là lính tam đóa, tự xưng là Đế Thích giáng sinh, xưng làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Ứng.

Cả một vùng xứ Đông, quân triều đình không kháng cự nổi. Đầu hạ năm Hồng Thuận thứ 8 (1516) Trần Cảo đem quân đánh vào các huyện ngoại ô Thăng Long, rồi tiến thẳng vào bến Bồ Đề, uy hiếp kinh thành.

Triều đình nhà Lê sơ bấy giờ lục đục, Lê Tương Dực bị giết, vua mới là Chiêu Tông còn nhỏ tuổi phải về ở ẩn tại Thanh Hoa, Trần Cảo chiếm được Thăng Long. Lê Chiêu Tông ở Tây Đô tập hợp lực lượng quân tam phủ mưu khôi phục Thăng Long do Trịnh Duy Sản làm Thống lĩnh hợp sức các tướng cần vương tiến đánh kinh thành từ bốn phía. Cuối cùng các đạo quân nhà Lê hợp lại phá tan quân Trần Cảo.

Khoa thi Giáp Tuất (1514), hai anh em Nguyễn Chuyên Mỹ và Nguyễn Đốc Tín cùng đỗ Tiến sĩ.

Khoa thi Giáp Tuất (1514), hai anh em Nguyễn Chuyên Mỹ và Nguyễn Đốc Tín cùng đỗ Tiến sĩ.

Sau nhiều lần giao chiến bất phân thắng bại, quân triều đình và quân khởi nghĩa lấy sông Minh Nguyệt làm ranh giới. Trần Cảo truyền ngôi cho con là Trần Cung rồi cạo đầu làm sư, giấu tên ẩn tích.

Trần Cung nhân lúc các tướng nhà Lê sơ tranh giành quyền bính giết hại lẫn nhau, tiếp tục chiếm cứ phía Đông chống lại triều đình, cũng xưng vua đặt niên hiệu là Tuyên Hòa tới tận năm 1521 mới thất bại dưới tay Võ Trạng nguyên Mạc Đăng Dung.

Cùng xông pha chiến trận vào thời kỳ này có Nguyễn Chuyên Mỹ. Mạc Đăng Dung được triều đình ban tước công, còn Nguyễn Chuyên Mỹ được ban tước Văn Đẩu hầu.

Song song với việc ban tước hầu là kèm theo đất đai tại làng Văn Đẩu. Thời ấy làng này rất rộng, còn nhiều đất hoang hóa với 11 thôn. Tương truyền Nguyễn Chuyên Mỹ có nhiều tác phẩm thơ văn, song đến nay chỉ còn lưu giữ được 5 bài thơ của ông được ghi chép trong “Toàn Việt thi lục”.

Bia Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đặt tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám do Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo Lại bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Vũ Duệ vâng sắc soạn.

Trong đó có nội dung răn dạy người đỗ đạt: “Trước lo phận sự, sau mới tới tài năng; trước phải trau dồi khí tiết, sau mới tới tài nghệ; trước phải nên đức hạnh, sau mới tới văn chương.

Hãy làm mây lành sao tỏ nêu điềm tốt cho đời, làm ngọc sáng vàng ròng để làm của báu cho nước, làm giáo làm gươm để dẹp trừ tiếm loạn, làm bậc tiên giác như cây kỷ cây tử để vững chắc rường cột.

Hoặc làm lúa làm gạo, làm vải lụa để giúp dân nghèo, hoặc làm sâm linh kỳ truật để bồi bổ khí mạch quốc gia, khiến cho cuộc trị bình của nước nhà bước lên chốn vẻ vang tươi sáng, đặt thiên hạ vào thế yên như núi Thái Sơn, ngõ hầu trên không phụ thánh đức biểu dương, dưới không phụ với sở học ngày thường. Được thế thì công danh sự nghiệp này sẽ cùng bia đá kia không mục”.

Đạo học thừa hưởng sáu bộ kinh thư

Văn bia cho biết khoa thi năm 1514 có tới 5.700 sĩ tử dự thi, qua bốn trường chọn được hạng trúng cách 43 người, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ có Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn, Thám hoa Hoàng Minh Tá. Nguyễn Đốc Tín xếp thứ 11 và Nguyễn Chuyên Mỹ xếp thứ 27.

Chính vì sự kiện hai anh em cùng đỗ Tiến sĩ trong một khoa thi nên tại đình làng Thạch Lựu vẫn lưu truyền câu đối: Đồng thế đồng triều tam tiến sĩ/ Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy (Nghĩa là: Cùng một đời, một triều đại có ba người đỗ tiến sĩ/ Cùng một nhà, cùng một ngày có hai người được vinh quy).

Trong bài “Văn Đẩu hầu gia” ở “Bạch Vân Am thi tập” Nguyễn Bỉnh Khiêm ca ngợi truyền thống học hành của cha con, anh em gia đình Nguyễn Kim nói chung và ca ngợi thơ của Nguyễn Chuyên Mỹ nói riêng: Một nhà có người cha và hai người con/ Đạo học được thừa hưởng sáu bộ kinh thư/ Từng chiếm bảng vàng các đợt thi cử/ Nghỉ hưu vẫn vui vẻ rộn rã cả sân hòe/ Lòng vô tư cửa nhà thanh bạch/ Bạn thơ ngâm vang, núi cũng vọng lời/ Trường thọ như núi, lòng thư thái/ Tấm lòng son, trên đầu như có Sao tử vi mãi mãi chiếu soi.

Tiến sĩ Nguyễn Chuyên Mỹ được thờ tại miếu và đình làng Thạch Lựu.

Tiến sĩ Nguyễn Chuyên Mỹ được thờ tại miếu và đình làng Thạch Lựu.

Từ đường Tam Tiến sĩ thực chất là Từ đường của dòng họ Nguyễn - là một công trình kiến trúc cổ thuộc làng Thạch Lựu. Từ đường được khởi dựng từ cuối thế kỷ 16 do học trò và sĩ phu địa phương cùng con cháu xây dựng.

Từ đường Tam Tiến sĩ có bố cục kiểu chữ Nhị gồm tòa tiền đường và nhà hậu cung. Giữa tiền đường và hậu cung là một sân nhỏ chạy dọc dài theo tòa nhà. Nhà bái đường xây theo kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài.

Hệ thống cửa nhà tiền đường gồm 3 gian theo kiểu cửa thùng, khung khách, riêng gian giữa được làm theo thúc thượng sọng, hạ bản. Tòa hậu cung gồm 3 gian được xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, trụ đấu.

Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, từ đường Tam Tiến sĩ được dòng họ cho Bệnh viện Kiến An mượn dùng đặt khoa ngoại và hậu phẫu. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, năm 2005 Hải Phòng đã có quyết định công nhận Từ đường Tam Tiến sĩ là di tích lịch sử - văn hóa.

Ngoài từ đường Tam Tiến sĩ, hiện phần mộ của Tiến sĩ Nguyễn Chuyên Mỹ ở xứ Mả Ráng thuộc cánh đồng làng Thạch Lựu vẫn được dòng họ chăm lo, hương khói. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, phần mộ của ông đã bị thu hẹp.

Tại từ đường Tam Tiến sĩ, các đồ thờ tự được bài trí kể cả nhà tiền đường và hậu cung đều là các di vật cổ có niên đại tạo tác cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Hàng năm, tại di tích đều tổ chức lễ hội vào ngày 5 tháng Chạp, dân làng cùng dòng họ tổ chức lễ dâng hương.

Khu tưởng niệm Tam Tiến sĩ được xây dựng sẽ cùng với Đền thờ song nguyên Hoàng giáp, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn ở xã An Thọ và đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, Tiến sĩ Trần Tảo ở xã Thái Sơn, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo), Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Kiến Thụy), Khu du lịch sinh thái Núi Thiên Văn (Kiến An) đã tạo thành một chuỗi du lịch khuyến học độc đáo cho Hải Phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.