Sống trong nhung lụa vẫn quyết thi đỗ đại khoa

GD&TĐ - Có ông nội là Thượng tướng quân, bố làm Thừa chính sứ đều được phong tước hầu, nhưng Phạm Đình Kính không cậy gia thế, nuôi chí trở thành đại khoa.

Đền Vĩnh Lại – nơi thờ phúc thần Phạm Đình Kính.
Đền Vĩnh Lại – nơi thờ phúc thần Phạm Đình Kính.

Chí hướng con nhà quan

Phạm Đình Kính (tên khai sinh là Phạm Kim Kính) sinh năm 1669 trong một gia đình nho học tại làng Si, xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, nay là thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản – Nam Định).

Tuy nhiên trong sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” do Khiếu Năng Tĩnh – vị đại khoa thời Nguyễn soạn thì ông sinh năm Qúy Hợi (1683) và kèm theo giai thoại như sau: “Ông là người xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, trước khi ra đời thân phụ, thân mẫu mơ thấy có ông già cho một cái gương; đến giờ Tý ngày 16 tháng 1 năm Quý Hợi (1683) La phu nhân sinh ra ông, thân phụ bèn đặt tên cho là Kim Kính (gương sáng)”.

Ông nội Phạm Đình Kính là Thượng tướng quân Cẩm Phú hầu, trấn giữ vùng Tân Bình (Quảng Bình, Quảng Trị), người đã có công đưa dân 5 họ Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần làng Si vào Tân Bình thành lập Ma Thành cự ấp.

Bố của Phạm Đình Kính là Phạm Thuần Hậu làm Thừa chính sứ Lạng Sơn sau thăng Hộ bộ Tả thị lang, tước Trình Nghĩa hầu. Khi về trí sĩ tại làng, ông cho người lên học nghề cót ở Lạng Sơn về dạy cho dân làng. Ông còn mở trường, đón thầy có danh tiếng về dạy học cho con cháu.

Lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc nhưng Phạm Đình Kính rất chăm chỉ học hành, biết nhiều chuyện truyền kỳ trong dân gian, thích làm thơ, giao du rộng rãi với bạn bè, có chí hướng tiến thân bằng đường khoa cử, ngoài 20 tuổi đã đỗ Hương cống.

Năm Quý Mùi (1703), triều đình mở kỳ thi Sĩ vọng để tuyển chọn những người có danh vọng trong giới sĩ phu. Ông dự thi và là một trong 20 người trúng tuyển, sau đó được bổ làm Tri phủ Nghĩa Hưng.

Ông vừa giúp dân khai phá miền ven biển Nghĩa Hưng, vừa huy động dân đào đắp uốn nắn dòng sông Cửu Khúc, mở rộng lòng sông Vĩnh lấy nước tưới tiêu đồng ruộng thuyền bè đi lại thuận tiện. Ông cũng tiếp tục sự nghiệp của cha mình khuyến khích nghề đan cót ở làng Si.

Năm Canh Dần (1710), Phạm Đình Kính tiếp tục dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Văn bia đề danh khoa thi này có đoạn: “…năm Canh Dần xuống chiếu mở khoa lớn thi Hội sĩ nhân trong nước.

Quan hữu ty tâu lên số người trúng cách 21 người. Tiếp đó vào thi Đình trả lời văn sách… Đến khi nâng quyển lên đọc, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho Phạm Khiêm Ích đỗ Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh, Nguyễn Công Khuê đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đương 19 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Loa truyền xướng tên người thi đỗ. Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban cấp cân đai áo mũ, cho dự yến Quỳnh Lâm, thứ lớp ban ơn đúng theo phép cũ. Sĩ tử và dân chúng kinh đô hân hoan reo mừng, đều ca ngợi khoa Tiến sĩ này được nhiều nhân tài.

Sau đó tùy tài năng, những người thi đỗ đều được bổ dụng các chức vụ, có người vào toà Trung thư soạn thảo giấy tờ, có người đội mũ dải trãi coi giữ pháp luật, có người làm quan trải qua các chức cả trong triều ngoài phường, ai cũng được giao giữ các chức việc. Tài năng và kinh lịch của họ cũng đã thấy được đại khái”.

Phạm Đình Kính làm quan trải nhiều chức vụ, sau lên đến chức Lễ bộ Thượng thư, Tham tụng, rồi Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Nhập thị kinh diên.

Ông có công mở chợ, đào sông, khơi ngòi, bắc cầu, sửa chùa, dạy nghề đan cót cho dân làng, phát triển kinh tế quê hương. Khi về trí sĩ, ông được phong tước Lại quận công. Ông nổi tiếng giỏi thơ văn, là người có danh vọng, được các sĩ phu đương thời kính trọng.

Một vị quan có tiếng trong triều là Phạm Khiêm Ích và cũng là người bạn đỗ cùng khoa với Phạm Đình Kính có bài bằng chữ Nôm ca ngợi ông: Mấy người quan cách lại như ông/Biết cảnh dân cùng nỗi khổ chung/Lương thiện lấy đâu cơm áo đủ/Thấp hèn nào được sử kinh thông/ Bào đỏ xênh xang người thẹn bóng/Lầu cao chót vót bước xem ngông/Tâu vua chẳng xét than đời loạn/Về với quê hương chốn ruộng đồng.

Dù sinh ra trong gia đình quan tướng nhưng Phạm Đình Kính luôn nuôi ý chí tiến thân bằng đường khoa cử. Ảnh minh họa: INT.

Dù sinh ra trong gia đình quan tướng nhưng Phạm Đình Kính luôn nuôi ý chí tiến thân bằng đường khoa cử. Ảnh minh họa: INT.

Đi sứ làm vẻ vang quốc thể

Năm 1723 Phạm Đình Kính được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ sang phương Bắc mừng vua Thanh Thế Tông (tức Ung Chính) lên ngôi. Sách “Đại Việt sử ký tục biên” chép: “Sai sứ sang nhà Thanh. Chính sứ là Phạm Khiêm Ích, sang mừng vua Thanh mới lên ngôi, Phó sứ là bọn Nguyễn Huy Nhuận, Phạm Đình Kính”.

Chuyến đi sứ này kéo dài trong 3 năm, trong thời gian ở phương Bắc, đoàn sứ thần đã làm rất tốt việc bang giao, làm vẻ vang cho đất nước. Đầu năm 1726 đoàn sứ thần về nước, được vua Thanh trọng đãi ban thưởng, cấp thuyền để đi, lại gửi tặng vua Lê 4 chữ ngự đề do tự tay Ung Chính viết: “Nhật Nam tế độ” (Đời đời nối ngôi vua ở nước Nam) và 3 bộ sách quý: Bội văn vận phủ, Uyên giám loại hàm, Cổ văn uyên giám.

Các Chánh sứ và Phó sứ cũng được ban biển vàng, tấm biển của Phạm Đình Kính có khắc 4 chữ: “Vạn thế vĩnh lại” (Muôn đời được nhờ), khi về nước ông đã lấy 2 chữ Vĩnh Lại để làm tên mới cho quê mình, thay cho tên cũ là Cổ Sư.

Sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” chép: “Ông làm quan Lễ bộ Thượng thư, đi sứ nước Thanh đưa lễ chúc mừng vua Thanh Thế Tông lên ngôi. Ông ứng đối trôi chảy, từng có bạn thân ở Thanh triều, được vua Thanh ban biển vàng có chữ: “Vạn thế vĩnh lại”. Nhân thế ông bèn đổi Cổ Sư ra Vĩnh Lại rồi mở chợ dạy nghề đan cót, bắc cầu sửa chùa giúp dân nghèo khó, khuyên đào giếng lấy nước ăn”.

Sách “Nam Định tỉnh địa dư chí” thì viết: “Sinh thời, ông có danh vọng lớn đối với các sĩ phu, đi sứ Trung Quốc đối đáp thông minh, được Thiên triều khen thưởng. Vua Thanh ban cho ông biển vàng đề 4 chữ: “Vạn thế vĩnh lại” và một câu đối như sau: Mưu đồ tư tựu, sứ hồ sứ hồ kiêm ngũ phủ/Dực vi minh thính, thần tai thần tai khâm tứ lân (Mưu tính hỏi bàn, sứ kia sứ kia gồm năm phủ/ Giúp làm tai mắt, tôi ấy tôi ấy kính bốn phương). Vua Thanh lại ban cho ông áo hoa hột vàng để khi về thêm tôn vinh”.

Tháng 4/1726, sứ bộ về đến Thăng Long, vua Lê đã ban chức phong thưởng cho những người đứng đầu.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho biết: “Trước đây, bọn Khiêm Ích sang sứ bộ sang nhà Thanh, khi đến Yên Kinh, vua nhà Thanh cho triệu vào yết kiến ở điện Kiền Thanh, yên ủi thăm hỏi, rồi chính tay vua viết bốn chữ “Nhật nam thế tộ” đặc ân ban cho.

Năm ấy, viên quan thế sử tâu lên vua nhà Thanh là Mặt trời Mặt trăng hợp bích, năm vì sao liên châu. Nhân đấy, bọn Khiêm Ích dâng thơ chúc mừng; vua nhà Thanh ngợi khen và dụ bảo, lấy cớ rằng quốc vương yêu chuộng văn học, tôn trọng đạo Nho, nên thưởng cho ba bộ sách.

Sau này bàn luận công trạng phụng mạng đi sứ, thăng Khiêm Ích chức Tả thị lang bộ Hộ, tước Thuật quận công; Nguyễn Huy Nhuận chức Tả thị lang bộ Hình, tước Triệu quận công; Phạm Đình Kính chức Hữu thị lang bộ Binh, tước Lại khê hầu”.

Hai lần đi sứ nhà Thanh, Phạm Đình Kính đã làm vẻ vang quốc thể. Ảnh minh họa: INT.

Hai lần đi sứ nhà Thanh, Phạm Đình Kính đã làm vẻ vang quốc thể. Ảnh minh họa: INT.

Thương dân, dân lập đền thờ

Đến cuối năm Kỷ Dậu (1729) triều đình lại cử sứ bộ sang nhà Thanh, một lần nữa Phạm Đình Kính được cử làm thành viên, tuy không giữ vai trò chính nhưng ông đã có nhiều ý kiến giúp cho chuyến đi sứ lần này đạt kết quả.

Khi trở về nước, ông cùng thành viên đoàn sứ bộ được ban thưởng, năm Qúy Sửu (1733) xét thấy Phạm Đình Kính có nhiều công trạng, triều đình đã thăng cho ông chức Binh bộ Thượng thư, Tham tụng kiêm Đông các đại học sĩ Nhập thị kinh diên, được gần gũi bàn việc cơ mật với vua chúa.

Nhân dịp này, nhiều lần ông dâng sớ tâu xin triều đình thực hiện nhiều chính sách ích quốc lợi dân, mở mang kinh tế, chỉnh đốn quân đội, mở rộng việc bang giao với nước ngoài. Nhưng vua Lê, chúa Trịnh không nghe. Chán nản, lấy cớ tuổi già sức yếu, ông xin về trí sĩ.

Trở về với dân, vui tuổi già, ông quan tâm mở mang nghề cót, mở rộng chợ Gôi thành chợ lớn ở huyện, tạo không khí buôn bán tấp nập, thúc đẩy các nghề thủ công phát triển. Trở về quê ông đã cùng các bậc văn thân đi thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh trong vùng đồng thời để lại nhiều tác phẩm thơ văn.

Cuối đời, Phạm Đình Kính rất quan tâm đến việc học hành của con cháu và dân làng. Ông duy trì trường học ngay tại dinh của mình. Dinh của ông chạy dọc theo sông Hạ Vạn, có nhà ở của ông và gia đình, có nhà học, có nơi để dân đến lấy nứa, giao cót, lấy tiền. Dưới sông thuyền bè nứa đậu san sát, tạo nên cảnh buôn bán, sản xuất sầm uất kéo dài sang mãi chợ Si qua cầu đá sang chợ Đại.

Lo việc học suốt đời, nên con cháu ông đều được học hành, nhiều người ra làm quan, nhiều người ở nhà tiếp tục dạy học. Từ đời của ông, dòng họ có nhiều người đỗ khoa danh với hàng chục người làm quan, trong đó có một Quận công, 4 tước Hầu, 2 tước Bá, 4 người được phong phúc thần.

Họ Phạm làng Si là một danh gia vọng tộc, nhiều đời vinh hiển nhưng ông luôn giáo huấn con cháu về lòng thương người, giúp đỡ kẻ hoạn nạn, vì vậy ông được nhân dân tôn kính gọi là Cụ Thượng Si.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Dần (1710), Phạm Đình Kính đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (ảnh trái).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Dần (1710), Phạm Đình Kính đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (ảnh trái).

Tiến sĩ Phạm Đình Kính qua đời ngày 22 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1737) ở tuổi 69. Vua Lê Ý Tông đã truy tặng ông hàm Thiếu bảo, phong làm phúc thần làng Vĩnh Lại.

Ông yên nghỉ tại lăng Vân Dương phía Tây làng. Ông được thờ tại đền Vĩnh Lại, phối thờ các vị phúc thần khác là ông nội, con và cháu trai ông. Theo thần tích, thần sắc làng Vĩnh Lại do Viện Viễn Đông bác cổ thu thập, dân làng được trừ tô thuế 50 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.