Cũng chẳng hiểu vì sao mà hai hàng nước mắt cứ tuôn ra khi mẹ quay lưng trở về để lại mình chơ vơ giữa sân trường không biết cơ man nào là người, toàn người lạ hoắc. Thu mình vào một góc rồi tự hỏi sao trường to quá? Cây phượng kia ai đã trồng từ bao giờ mà đã cổ thụ tỏa bóng xanh rì…
Sau hồi trống vang lên dội cả lồng ngực, từng đoàn người khắp nơi túa ra tề tựu ngay ngắn dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng vàng mùa thu. Kéo vạt áo lau khô nước mắt, tôi thẽ thọt bước lại xếp hàng sau những đồng môn chưa một lần gặp. Thi thoảng cô giáo lại đi ngang nhắc nhở "trật tự nào các em…!"
Lớp một và ngày đầu tiên đến trường của tôi chỉ có chừng ấy. Những ngày sau đó dần quen trường, quen lớp, quen bạn và khám phá thêm những con đường đến trường cùng đám bạn trong xóm. Mấy năm tiểu học trôi qua chẳng nhớ được gì nhiều, chỉ hằn in trong tâm trí cô giáo dạy môn Tập đọc có giọng nói trong veo, thầy hiệu trưởng nét mặt nghiêm nghị hay nhắc nhở, uốn nắn đủ thứ chuyện trong mỗi buổi chào cờ thứ hai.
Cấp tiểu học không ngắn, cũng chẳng gọi là dài, buổi đầu ngơ ngác như chú gà con mới bóc ra khỏi vỏ trứng; rồi biết viết, biết đánh vần, biết cộng trừ nhân chia, biết chào thưa người lớn tuổi, biết vâng lời, biết đạo đức...Nó như những tế bào đầu tiên cấu thành phần "người" của chúng ta. Những thầy cô thời ấy bây giờ người còn, người mất nhưng công ơn dìu dắt vẫn mãi thấm đẫm trong lòng biết bao thế hệ học trò.
Rồi lên cấp hai, lớn hơn, biết hơn, khôn hơn tí xíu. Đã biết đầy đủ tên họ của thầy cô, thậm chí biết nhà. Ngày kỷ niệm 20/11 hồi đó cũng không rình rang như bây giờ. Dăm ba đứa hùn lại với nhau mấy nghìn đồng mua cuốn sổ, cây bút thế là trở thành món quà tặng cô giáo. Đến nhà được cô giáo đãi nước ngọt, bánh kẹo, mà có khi tụi chúng tôi thản nhiên làm "hao" hơn cả phần quà tặng cô.
Cuối cấp hai, tuổi mười lăm, mười sáu chớm nở. Tụi con gái bắt đầu biết e thẹn, con trai cũng biết chải tóc bổ luống, biết đỏ mặt khi thằng bạn bên cạnh trêu cái mụn mọc trên mặt. Có đứa đã có "cảm giác" với bạn khác giới. Độ tuổi chớm dậy thì đã làm khổ biết bao thầy cô; đánh nhau, bỏ học, quậy phá trong lớp…mà nếu không có ánh mắt nghiêm khắc từ thầy hiệu trưởng, không có sự nhẹ nhàng của cô chủ nhiệm thì giờ đây số phận nhiều đứa không biết về đâu.
Thời gian không buông tha ai cả, cây phượng vĩ vẫn rực hoa mỗi mùa hè duy chỉ có những thế hệ thầy cô nối tiếp nhau đưa con đò tương lai cho các em đến với chân trời tri thức. Cô giáo dạy Văn đã về hưu, thầy hiệu trưởng cũng chẳng còn…những gì còn lại là lớp lớp những học trò tỏa đi muôn phương mang theo hành trang ký ức về trường xưa, lớp cũ và công ơn những người thầy, người cô sống mãi trong lòng.
Vào cấp 3, tuổi đẹp nhất của đời người, bâng khuâng đứng giữa nhiều chọn lựa con đường tương lai, những rung động đầu đời vì khuôn mặt tròn xoe, mái tóc dài đen óng của cô bạn cùng lớp. Trong muôn vàn sự xáo trộn về tâm sinh lý như những cung đàn lúc trầm lúc bổng của tuổi mười tám, thầy cô đã trở thành những người bạn, người anh, người chị, người mẹ, những người "quản trị trái tim" tuổi học trò chứ không còn xa lạ như lúc còn thơ bé.
Có lần "ngựa non háu đá" thể hiện ta đây, cả nhóm bạn thi nhau uống rượu đến say bí tỉ, dọc đường về thằng bạn ghé vào nhà cô giáo chủ nhiệm do trời tối đường xa. Vừa gặp cô đã sợ đến quên say, tưởng cô sẽ mắng cho một trận té tát nhưng không ngờ cô nhẹ nhàng lấy khăn lau mặt, pha nước chanh. Bụng bảo dạ buổi sinh hoạt lớp sẽ bị mang ra làm bài học cho các bạn. Nhưng không phải, cô đã gặp riêng và cho một bài học đến bây giờ vẫn nhớ nguyên xi.
Ngoảnh đi ngoảnh lại cái ngày thi môn cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cũng đến, chúng tôi nhìn nhau bịn rịn, bọn con gái mắt lưng tròng. Phượng nở, ve kêu râm ran bên cửa lớp, từng cơn gió mùa hạ cứ xào xạc hanh nóng mà sao không lau được dòng nước mắt cứ tuôn ra. Thầy hiệu trưởng, cô chủ nhiệm, bác bảo vệ và cái chỗ ngồi mà chúng tôi thường chán ghét cúp tiết sao bây giờ quyến luyến lạ lùng!
Một mùa thi gay cấn đang chờ đợi phía trước. Thế rồi đứa đỗ, đứa trượt, thằng ở nhà làm kinh tế, có đứa theo chồng bỏ cuộc chơi. Vào đại học chúng tôi thật sự trưởng thành, nhưng cũng không thể thiếu bàn tay, khối óc của những người thầy dũa đá thành ngọc, khơi gợi những tiềm năng để mai này phục vụ cho xã hội.
Môi trường mới, con người mới bạn bè tứ phương, cô thầy cũng không còn gần gũi như thời phổ thông. Nhưng lại cho chúng ta những kỹ năng nghề nghiệp, kiến thiết chiếc "cần câu cơm" sau bốn năm học. Thầy không còn biết tên từng bạn nhưng hàng ngàn, hàng vạn học trò ai cũng nhớ mái đầu bạc, cách giảng bài ngẫu hứng phiêu diêu hay cặp kính cận dày cộp treo trên khuôn mặt đầy uyên bác.
Thầy thời đại học tuy xa mà cũng gần, thầy và trò cũng có thể ngồi quây quần quanh ly cà phê vỉa hè, hút chung gói thuốc, hay đôi lúc còn "đối ẩm" hỏi đáp chuyện đời, chúng tôi kính cẩn gọi thầy là "sư phụ". Những lúc như thế cũng là một buổi học thật sự, học kiến thức, học kỹ năng sống, học cách ăn nói, diễn đạt. Mãi sau này ra đời, có đứa làm giảng viên đại học lớn, học đến Tiến sĩ, làm lãnh đạo, quản lý mà hễ gặp vấn đề khó vẫn gọi điện tham vấn thầy.
Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi, tháng 11 lại về mang theo miền ký ức về những người thầy dưới mái trường ngói đỏ. Người thầy năm nào tóc đã bạc phơ, học trò có người trở thành ông thành bà, có người làm lãnh đạo, có bạn vui kiếp ruộng đồng cũng có mấy đứa về đất buông xuôi.
Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Lặng lẽ đưa những con đò sang sông rồi một mình trở về bến cũ, như con tằm nhả tơ dệt thành tấm lụa mịn màng, như bức tượng thời gian vẫn mãi để lại cho đời muôn điều tốt đẹp.