Một ngày học ở Harvard

GD&TĐ - Harvard  - trường đại học danh tiếng, là mơ ước của hầu hết các sinh viên trên toàn thế giới. Nhưng mơ ước ấy không phải ai cũng cố gắng, vượt trội để có thể biến thành hiện thực. Thế mà tôi lại có may mắn một ngày đến Đại học Harvard, không chỉ tham quan, ngắm nhìn bức tượng của mục sư John Harvard - người hiến tặng tài sản để rồi trường mang tên ông; mà còn được học với 2 giáo sư nổi tiếng…

Một ngày học ở Harvard

Tham gia khóa học với chủ đề “Đào tạo quốc tế về kỹ năng lãnh đạo, quản lý” tại Hoa Kỳ trong 2 tuần (từ 24/11 - 10/12/2018), chúng tôi may mắn được đến tham quan, học tập, trao đổi tại Trường Đại học Harvard.

Đó thực sự là niềm mong chờ, sự háo hức, nhất là khi chủ đề các bài giảng của 2 giáo sư hàng đầu của trường, của thế giới lại khá hấp dẫn, có liên quan mật thiết, gắn bó với mỗi người, cũng như đất nước Việt Nam.

1. Giáo sư Gary Orren đã dạy ở Harvard được nửa thế kỷ. Ông là một người vui tính, với bài giảng về “Khoa học và nghệ thuật của ảnh hưởng có hiệu quả” một cách đầy năng lượng, truyền cảm hứng.

Ông kể nhiều về chuyện gia đình mình. Những câu chuyện, đôi khi ông “sáng tác” ra, để người nghe thấy gần gũi, dễ nhớ. Và đó cũng là một nội dung trong bài giảng của ông, rằng hãy sử dụng những câu chuyện để thuyết phục người khác.

John Harvard (26/11/1607 - 14/9/1638) là mục sư người Anh sinh sống ở Mỹ. Trước khi qua đời, ông để lại di chúc sẽ hiến tặng tài sản (780 bảng Anh -một nửa tài sản của ông), cùng thư viện có 320 đầu sách cho “trường học hoặc trường đại học” mới được thành lập tại khu định cư 
Massachusetts Bay. Để tôn vinh ông, khu định cư quyết định: “Trường Đại học tại Cambridge sẽ được gọi là Đại học Harvard”.

Chuyện thứ nhất, ông kể rằng, khi người vợ tuyệt vời của ông mất đi, ông có kết hôn với người vợ thứ hai, cũng không kém tuyệt vời.

Rồi ông đưa bản đồ thế giới cho người vợ mới và hỏi rằng, thích đi tuần trăng mật ở đâu?. “Cô ấy nhìn bản đồ một lát rồi chỉ vào điểm đến. Đó là Việt Nam. Và chúng tôi đến đất nước các bạn trong 5 ngày. Khi đến Vịnh Hạ Long thấy rất đẹp, vợ tôi rất thích và muốn ở thêm vài ngày, nhưng chúng tôi không có thời gian, vì còn phải đi một số nước khác...

Trước khi các bạn sang Harvard, tôi có nói chuyện rằng sẽ gặp đoàn, vợ tôi nói muốn trở lại Việt Nam! Tôi đã sang Việt Nam 3 lần, sang năm sẽ trở lại cùng vợ. Đất nước các bạn thật đẹp, ấm áp, thức ăn rất ngon” - Giáo sư Gary Orren kể.

Câu chuyện ấy, thật dễ gây ấn tượng với những “sinh viên” người Việt chúng tôi. Nhưng bài học của ông cũng rất hấp dẫn, thuyết phục, dễ ứng dụng. Và trong mỗi phần, mỗi ý lớn, ông đều đưa những câu chuyện phù hợp có thể. Ví như trong 10 nguyên tắc thuyết phục người khác để khiến họ thay đổi cách ứng xử, thái độ một cách tự động.

Ông cho rằng, việc thuyết phục và bị thuyết phục là điều thú vị của con người, nhất là khả năng thuyết phục những người khác, đặc biệt khi họ không đồng ý, còn nghi ngờ… để họ nghe theo và chịu sự lãnh đạo, sẵn sàng làm những việc, những điều vốn trước đây không mong muốn. Đó thực sự là việc “quyến rũ” người khác sẵn sàng làm việc theo mình thông qua ý tưởng, lời nói, chứ không phải là dùng quyền lực, hay sự mặc cả, lôi kéo…

Hay như nguyên tắc “nụ hôn” trong thuyết phục, ngay cả khi tôi cũng từng đi giảng dạy nguyên tắc này trong việc hướng dẫn viết các thể loại báo chí, mà nghe qua giáo sư vẫn thấy hấp dẫn, vẫn ấn tượng. Đó chính là nguyên tắc KISS (Keep it short and simple), luôn cần sự ngắn gọn và đơn giản trong mỗi bài viết, hay các thông điệp, để có thể dễ dàng tìm ra “các viên ngọc quý” chứ không mất công “đãi cát tìm vàng” khi bạn viết quá dài và phức tạp, dù đúng.

Mà liên quan đến thông điệp, trong mỗi cuộc nói chuyện, trong mỗi bài báo, hay sự rao giảng, cũng cần hết sức ngắn gọn. Rồi ông đưa ra kết quả của các nghiên cứu thực chứng được triển khai trong nhiều năm, ở nhiều nơi trên thế giới, rằng nếu càng đưa ra nhiều thông điệp, người tiếp nhận sẽ càng khó nhớ, khó tiếp nhận.

“Nếu chỉ có 1 thông điệp sẽ nhớ nhiều nhất, và từ 4 thông điệp trở nên người nghe sẽ không nhớ gì. Nó sẽ biến mất. Đó là điều kỳ lạ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 4 thông điệp tiếp theo sẽ làm ô nhiễm 3 thông điệp đầu tiên”, Giáo sư Gary Orren nói.

Và rồi, ông kể chuyện gia đình, chuyện ông thuyết phục con trai ông “rất tệ, khi nói tới 7 thông điệp và chỉ sau 1 tuần nó đã quên hết”. Vấn đề khác, ông cũng thất bại với cậu con trai của mình, khi không tìm hiểu kỹ về ý muốn, sở thích, khả năng của con mình và cố ép buộc con theo ngành học của mình để rồi không đạt được kết quả.

Ông nói nhiều về những gì ông biết, những thế mạnh mà cả thế giới ghi nhận, nhưng ông vẫn thất bại, vì đó là những điều con ông không quan tâm, bởi đó không phải là sở thích, thế mạnh của nó. Tất nhiên, đó là những câu chuyện của ông, có thể là những câu chuyện ông lấy ví dụ chỉ để chúng tôi dễ nhớ, dễ thấm khi mỗi nguyên tắc thuyết phục được ông đưa ra.

Giáo sư Gary Orren lấy ví dụ từ câu nói của Tổng thống A. Lincoln rằng: “Để cắt một cái cây mất 9 tiếng, nên dùng 6 tiếng để mài cái rìu”, để chỉ ra rằng, việc hiểu người nghe là điều rất quan trọng, quyết định, trước khi thuyết phục họ. Phải biết họ nghĩ gì, nghĩ như thế nào. Phải cho họ nói nhiều, để hiểu hơn, chứ đừng tìm kiếm ý tưởng mình có để thuyết phục. Nghĩa là bạn đã dùng “cái rìu” quá sớm, thay vì cần “mài sắc” nó.

Tương tự, là việc chúng ta phải nói những điều công chúng thích nghe, quan trọng với họ, chứ không phải với mình… “Nếu tự chiều chuộng bản thân, chỉ nói về mình thôi, không phải người nghe thì họ sẽ không quan tâm. Đó là điều cần phải để ý, đó là cái bẫy. Cần phải tìm ra điểm chung, điểm giao thoa giữa cái người nói có và cái người nghe muốn để đạt hiệu quả. Và khi ấy, chỉ cần nói rõ ràng, nổi bật, đơn giản những thông điệp muốn truyền tải” - Giáo sư Gary Orren đúc kết.

Tất nhiên, gần một buổi sáng với Giáo sư Gary Orren, chúng tôi còn nghe, còn nhớ, còn thấm nhiều thông tin bổ ích, lý thú, giản dị, sâu sắc khác, trên nhiều lĩnh vực xung quanh chuyện thuyết phục công chúng nói chung, người khác nói riêng.

Đó thực sự là những vấn đề không thật mới, thấp thoáng đâu đó ở Việt Nam, hàng ngày, hàng giờ trong nhiều vấn đề, câu chuyện, lĩnh vực, có điều là việc thực hiện đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có chính mỗi chúng ta.

2. Buổi chiều, buổi học của Giáo sư kinh tế David Dapice - người thầy của nhiều thủ tướng trên thế giới, người có 15 năm làm chuyên gia kinh tế tại châu Á, người từng đến Việt Nam - lại khiến chúng tôi hấp dẫn theo một cách khác, dù bài nói chuyện về chính sách năng lượng, việc sử dụng than đá và những lựa chọn của Việt Nam là vĩ mô, khô khan.

Tháng 9/2018, Giáo sư David Dapice đã sang Việt Nam để khảo sát, nghiên cứu về vấn đề than đá, năng lượng tái tạo và ông đang hoàn thiện bài nghiên cứu về chính sách năng lượng của Việt Nam. Với quan điểm, sự hiểu biết của mình (có thể chưa sát hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam), ông cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, thành công về chính sách năng lượng, nhưng việc lựa chọn than đá trong phát triển năng lượng là sai lầm.

Bên cạnh đó, là việc tiêu thụ điện năng còn lãng phí, là sự bất hợp lý khi đánh thuế năng lượng sạch (năng lượng Mặt trời, năng lượng gió) còn cao, trong khi không đánh thuế năng lượng “bẩn”, như nhiệt điện sử dụng than đá. Điều đó không khuyến khích sự phát triển năng lượng tái tạo.

Giáo sư David Dapice cho rằng, “phải có chính sách hợp lý để phát triển năng lượng sạch quy mô lớn nhằm giảm giá thành. Việc đầu tư đắt ở hiện tại để rẻ trong tương lai, chứ không nên đầu tư rẻ trước mắt để trong tương lai phải trả giá”. Giáo sư David Dapice cũng nói về cơ hội của Việt Nam khi chúng tôi có hỏi đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cho rằng, “chiến tranh thương mại không có bên nào thắng đâu. Trong ngắn hạn, Việt Nam có lợi phần nào khi sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng khác vào thị trường Mỹ thay thế Trung Quốc”.

Kết thúc một ngày học đầy bổ ích, lý thú với 2 giáo sư hàng đầu thế giới, chúng tôi đi dạo một vòng ở khu vực trung tâm ngôi trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, chụp ảnh kỷ niệm trước thư viện trung tâm của trường, bên cạnh bức tượng mục sư John Harvard vốn được nhiều người chạm vào phần chân nên sáng bóng loáng…

Tất nhiên, không thể không ra các cửa hàng lưu niệm ở quảng trường Harvard bé tẹo, nhộn nhịp, tấp nập khách để mua những món quà lưu niệm (khá đắt, vì là thương hiệu, dù đa số “made in China”) như: Quần áo, cốc, móc chìa khóa, khăn quàng, cuốn sổ, những chiếc bút…

Đó thực sự là những trải nghiệm tuyệt vời, không dễ quên. Thế nên, chúng tôi cũng nói vui lên rằng, một ngày học tại trường cũng đã là sinh viên Đại học Harvard.

Đại học Harvard được thành lập năm 1636, là viện đại học nghiên cứu tư thục, thành viên của Liên đoàn IVY (thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ). Đại học Harvard được tổ chức thành 11 đơn vị học thuật (10 phân khoa đại học và Viện Nghiên cứu cao cấp Radcliffe) với các khuôn viên nằm rải rác khắp vùng đô thị Boston. Khuôn viên chính rộng 85ha, nằm ở thành phố Cambridge. Harvard là trường đại học hàng đầu thế giới, đào tạo nhiều cá nhân kiệt xuất, trong đó có 8 Tổng thống Mỹ là: John F. Kennedy, George W. Bush, Barack Obama, John Adams; John Quincy Adams; Rutherford B.Hayes;  Theodore Roosevelt, Franklin D. Roosevelt; đã có 150 sinh viên, giảng viên và nhân viên Đại học Harvard được trao giải Nobel…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.