Một mùa trăng nữa lại về, và những người thuộc thế hệ 7X, 8X hay 9X đời đầu hẳn sẽ vẫn còn nhớ như in cái cảm giác háo hức chờ đợi được mẹ chia cho góc phần tư nho nhỏ trong chiếc bánh Trung thu hiếm hoi của cả nhà để rồi sau đó người thì chun mũi nhăn nhó với mùi bánh thập cẩm nhưng cũng có kẻ hảo ngọt chén hết bay. Đấy, Trung thu của những ngày xưa cũ dù thiếu thốn thật nhưng sao thấy vui và ấm áp đến như vậy chứ.
Còn ngày nay thì sao, mọi thứ đã đủ đầy hơn, bọn trẻ con cũng nhờ đó mà được thưởng thức biết bao nhiêu thức quà ngon vật lạ trên đời. Trong số đó, riêng chiếc bánh Trung thu xưa đã được biến tấu theo nhiều phong cách khác nhau để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật theo kiểu "ăn ngon mặc đẹp" chứ không chỉ là những nguyên liệu để "ăn no mặc ấm" như xưa nữa. Những người làm bánh đã thổi hồn, khoác những chiếc áo mới cho bánh Trung thu truyền thống để chúng thực sự tỏa sáng theo cách riêng của mình.
Nguyễn Bích Thủy (1986, Hà Nội) là một người phụ nữ tự mang "sứ mệnh" biến tấu bánh Trung thu như vậy. Dù xuất phát điểm không phải là con nhà nghề, lại càng chưa từng bao giờ nghĩ có thể tự tay làm ra chiếc bánh Trung thu nhưng nữ kiến trúc sư này vẫn quyết tâm "tầm sư học đạo" để tạo ra đế chế bánh của riêng mình. Sản phẩm của cô vẫn mang cái cốt của bánh Trung thu truyền thống nhưng được thổi thêm lớp vỏ thời đại khiến ai nhìn cũng chỉ muốn mang về trưng diện cho mâm cỗ Tết Đoàn viên của gia đình. Và sau hơn nửa thập kỷ tự mày mò với bánh, đến nay Thủy đã gần như trở thành thần tượng của rất nhiều bà nội trợ mê đồ homemade với mức thu nhập đáng ngưỡng mộ.
Từng là một kiến trúc sư nhưng nay Bích Thủy lại được biết tới như người thợ làm bánh mẫn cán.
Những chiếc bánh Trung thu đầy nghệ thuật do chính tay cô làm ra.
Nữ kiến trúc sư nghỉ việc ở nhà vì trót đam mê bánh Trung thu
Từng học về ngành kiến trúc và làm kiến trúc sư nhưng Thủy lại bén duyên với việc nhào nặn bột bánh cũng đã 6 năm nay. Bích Thủy kể rằng nghề bánh đến với cô như cái duyên, ban đầu chỉ làm vì tò mò nhưng đến khi tìm hiểu sâu thì lại như chất gây nghiện không thể thoát ra được. Thủy biết làm và làm chủ được nhiều loại bánh từ hoa kem bơ, numbercake… nhưng mê nhất vẫn là bánh Trung thu, bởi nó gợi nhớ đến ký ức một thời và cũng là mảnh đất màu mỡ để cô thể hiện hết khả năng sáng tạo cũng như tâm huyết của bản thân.
Cái duyên không còn thì mình đành tạm gác nó lại thôi, Thủy đã nghĩ như vậy khi quyết định nghỉ việc.
"Khi đã bén duyên với bánh rồi thì mình không còn phiêu được với nghề kiến trúc nữa nên quyết định nghỉ việc ở nhà. Đây là một quyết định khá khó khăn và mạo hiểm của mình bởi công việc đó mình đã theo đuổi suốt từ những năm tháng còn rất trẻ, lúc 15 - 16 tuổi đến khi mình nộp đơn xin nghỉ việc ở cơ quan cũ là lúc mình bước sang tuổi 30. Cả một chặng đường dài cố gắng không ngừng nghỉ cho nên lúc thôi việc mình cũng có chút tiếc nuối. Tuy nhiên nếu không bắt đầu thì mình sẽ chẳng thể nào có cái đỉnh cao của riêng mình, nên mình không do dự nữa.
Bản thân mình rất thích những gì có hơi hướng cổ điển. Không biết có phải vì thế mà bánh Trung thu cuốn hút mình 1 cách đặc biệt. Thứ bánh này là loại bánh mang nhiều sắc thái, mộc mạc có, sang trọng có, cổ truyền có, hiện đại có… Cũng vì nó quá nhiều sắc thái khác nhau nên làm mình rất thích thú muốn khám phá nhiều hơn nữa. Người ta nói chiếc bánh của mùa trăng tròn này giống như một cô gái vậy, đủ đẹp về ngoại hình và đủ bí ẩn để tìm hiểu sâu bên trong".
Bích Thủy làm bánh như một quá trình khám phá chứ không phải là làm việc đơn thuần.
Vì không phải là con nhà nòi, lại càng không phải người được qua trường lớp đào tạo nên khi bắt tay làm bánh Thủy đã làm sai rất nhiều. Quá trình rút kinh nghiệm – sửa lỗi cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác với sự tổn hao nguyên liệu đến không tưởng. Chắc có lẽ ai làm bánh mà lên tay được tới mức đầu bếp thì đều không tránh khỏi sự tốn kém này. Và tất nhiên, những sản phẩm đầu tay của Thủy thật sự rất vụng dại nhưng may mắn là cô vẫn nhận được sự ủng hộ của bạn bè, người thân nên tinh thần cũng phấn chấn hơn.
Thời gian đầu cũng có nhiều gian nan nhưng sau đó mọi thứ đã ổn thỏa hơn bằng những tác phẩm cầu kỳ như thế này.
Thu nhập từ làm bánh có thể gấp 2, 3 lần người khác nhưng vất vả vô cùng
Thủy kể rằng ngay từ năm đầu tiên làm bánh đã nhận được 100 đơn hàng cho mùa Trung thu. Đây là con số quá sức tưởng tượng của cô bởi cô không thể nghĩ sản phẩm homemade của mình lại có thể gây ấn tượng được như vậy. Từ đó trở đi Thủy ngày càng cố gắng hơn để gắn bó với những chiếc bánh mỗi dịp tháng Tám về.
"Thời đó mình hầu như suốt ngày ở trong bếp với bột, nước đường, lò nướng. Những ngày cao điểm mình phải hoạt động liên tục từ 18 - 20 giờ mỗi ngày để có bánh trả khách. Mình đam mê đến nỗi phải gửi cả chồng con về quê để chuyên tâm làm bánh Trung thu. Đến bây giờ nhìn lại nhiều lúc mình cũng tự hỏi tại sao hồi ấy lại có đam mê và nhiệt huyết nhiều đến như vậy, sức khỏe cũng tốt nữa chứ nếu không là gục luôn rồi".
Thủy từng có thời gian chẳng biết đến ánh mặt trời vì chạy theo bánh.
Ban đầu Thủy chỉ làm bánh Trung thu có hình dạng như bánh truyền thống bao đời nhưng sau này cô đã bắt kịp xu hướng, cho ra lò những chiếc bánh hiện đại nhiều màu sắc hơn. Sản phẩm của Thủy khi đến tay khách hàng lúc này không đơn thuần chỉ là chiếc bánh nướng màu nâu cánh gián hay bánh dẻo trắng muốt mịn màng mà còn là những mảng màu sinh động cùng những hoa văn trang trí cầu kỳ, có cái còn được "dát vàng".
Và mùa Trung thu năm nay, Thủy đã từ chối hàng nghìn đơn đặt hàng bình thường để chuyên tâm làm loại bánh đặc biệt này. Cô cho biết những set bánh chính là cơ hội để phô diễn diễn kỹ thuật để tạo thành những bức tranh có tổng thể hài hòa với đường nét chính phụ chỉn chu, cẩn thận.
Với Thủy, việc làm bánh ở hiện tại còn là để phô diễn kỹ thuật và lối tư duy mà nghề kiến trúc lúc trước đã mang lại cho cô.
"Năm nay, mình đã từ chối 1.000 - 2.000 bánh loại thường để nhận 500 đơn hàng theo set. Mình cũng làm với số lượng nhất định, mỗi mẻ bánh mình chỉ làm 100 bánh, không ít không nhiều hơn. Một mẻ mình làm trong 5 ngày sau đó sẽ nghỉ một ngày để có đủ cảm xúc và sức khỏe làm tiếp. Nhiều người nói những họa tiết trên bánh của mình rất đặc biệt chắc có lẽ bởi mình thường làm theo cảm xúc. Nhưng cảm xúc đó không phải về mình mà lại là cảm xúc dành cho người khác. Ví dụ như chiếc bánh đen đỏ của nhà mình được làm chính là cảm hứng từ một chị bạn, người mang lại cho mình cảm giác mạnh mẽ, bí ẩn, quan tâm nhưng lại đầy chiều sâu. Hay nhiều hơn nữa mình thường dùng họa tiết hoa sen hoa cúc là tính chất cổ truyền những vẫn truyền thêm cho chúng màu sắc hiện đại và lấp lánh.
Mình thường thích gam màu trầm mặc, cổ điển chắc cũng bởi sở thích cá nhân nhưng phần nhiều nó cũng hợp với Trung thu là sự giản dị, ấm cúng và mộc mạc vô cùng. Tết Đoàn viên mà, chẳng cần điều gì quá xa hoa đâu, chỉ cần những người trong cùng một gia đình tụ hội bên nhau, cùng thắp lên ánh đèn vàng ấm áp, cùng nhau thưởng thức chút ngọt ngào từng miếng bánh nhỏ và nhấp trên môi chén trà nóng là đã thấy bao nhiêu thương yêu tràn cả vào trong tim rồi".
Thủy thích sự trầm mặc, đó cũng là màu của sự mộc mạc trong ngày Tết Đoàn viên.
Bánh Thủy làm cũng giống như con người của cô vậy, màu sắc trầm tự nhưng lại rất ấm áp.
Chắc cũng có nhiều người tự hỏi tại sao xu hướng các bà nội trợ bây giờ nhiều người dù có công việc tốt nhưng vẫn bỏ nghề về làm bánh, vui với những điều bình dị như vậy. Phần quan trọng nhất cần lý giải là vấn đề thu nhập. Với Thủy, sự đam mê với bánh trái của cô khi trước đã tốn kém không biết bao nhiêu mà kể với những chiếc bánh hỏng. Có những mẻ bánh nướng xong đành phải bỏ đi vì không đạt chất lượng. Nhưng qua thời gian cô đã đúc kết được kinh nghiệm quý báu và làm ra sản phẩm "chất", bán được giá để bù lại tổn thất trước kia.
Thủy cho biết thu nhập của cô thời gian gần đây, nhất là vào mùa bánh Trung thu thế này có tháng lên đến 100 triệu. Đây là con số đáng mơ ước so với thời cô đi làm trước kia nhưng bù lại thời gian mà cô bỏ ra thì cũng không phải là ít. Thêm vào đó, người thợ làm bánh mẫn cán này đôi khi cũng gặp phải khó khăn khi tiền bán bánh không đủ bù lỗ tiền nguyên liệu. Tuy nhiên vì bản thân đã quen với việc thu nhập thất thường của nghề kiến trúc nên Thủy cũng không quá ngã lòng khi làm không được và cũng không quá ảo tưởng hay choáng ngợp với những khoản thu nhập lớn.
Thu nhập từ việc làm bánh đủ giúp Thủy thỏa mãn một phần nhưng nỗi vất vả nó mang lại cũng không phải là nhỏ.
Đam mê như vậy cho nên dù thế nào Thủy cũng sẽ theo đuổi nghề này tới cùng. Và không chỉ làm cho riêng mình, Thủy còn mở nhiều lớp dạy làm bánh cho các bạn trẻ, các bà nội trợ khác có chung sở thích với mình. Thủy nhận dạy cả online cả ở những workshop để truyền đi kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần nhiều nhất có thể. Cô cho biết số lượng học viên của cô tính cho đến hiện tại đã là khoảng 1,5 nghìn người, riêng mùa Trung thu thì số người đăng ký học cô giáo Thủy thường sẽ rất đông và đa dạng về nghề nghiệp. Có người là doanh nhân, chính khách, chủ hiệu bánh, sinh viên cho đến bà nội trợ… Tất cả họ có mục đích khác nhau từ kinh doanh, xả stress hoặc đơn giản chỉ là đam mê bếp bánh nhưng lại đều yêu thích việc nhào nặn bột và chơi với màu sắc.
Học viên của Thủy có nhiều người nhưng họ cũng có chung đam mê như cô.
Chơi với bột và màu không hề dễ nhưng một khi đã thích thì họ vẫn muốn làm.
Làm mẹ là phải tích cực vì còn làm gương cho con gái
Lấy chồng cũng khá lâu và hiện tại đã làm mẹ của 2 cô con gái, Thủy vẫn còn có một điều băn khoăn mỗi độ trăng về đó là thời gian dành cho các con. Việc làm bánh trả khách dường như đã choán quá nhiều thời gian của bà mẹ trẻ. Nhiều lúc cô cũng cảm thấy mình hơi có lỗi nên phải bù đắp ngay. "Nếu mình nói, mình bận lắm nhưng vẫn dành đủ thời gian cho các con là nói dối… Thực sự khi vào mùa giới làm bánh rất bận nên thời gian này mình không có nhiều thời gian dành cho con. Điều này mình luôn cố gắng giải thích cho con hiểu, rằng thời gian này không kéo dài và cố gắng duy trì 1 tháng vẫn đưa con đi chơi cuối tuần tối thiểu 2 lần.
Nhưng có một nguyên tắc là mình luôn kết thúc vụ Trung thu vào ngày 14 và nghỉ 1 đến 2 tuần sau đó để lấy lại năng lượng và đưa các con đi du lịch, đi chơi bù đắp thời gian mẹ bận của tháng trước đó".
Mùa Trung thu là mùa bận nhất trong năm của Thủy nên thời gian cho con rất ít.
Còn về gia đình, chồng của Thủy cũng luôn ủng hộ cô mọi việc cho nên Thủy rất yên tâm, thoải mái sáng tạo ra những tác phẩm của riêng mình. Lúc nào rảnh, cô sẽ cùng chồng đưa các con đi chơi bù và đó luôn là những khoảnh khắc thiêng liêng, đáng quý của gia đình.
Với bản thân mình, Thủy cũng luôn tự răn bằng những điều nghiêm khắc để không bị nhàm chán. Cô chia sẻ rằng xu thế thị trường thì luôn thay đổi cho nên chưa khi nào lặp lại mẫu mã bánh qua các năm. Đây là bí quyết giúp cô thu hút được lượng khách hàng lớn và cũng là để thử thách sự sáng tạo của chính bản thân mình, và hơn hết là để đem tới những giá trị thật sự ý nghĩa cho mùa trăng tròn.
"Mình chưa bao giờ nhận mình là chef, đơn giản chef là một danh xưng mà để nhận nó cần là những người qua trường lớp, có bằng cấp… mà cả 2 thứ đó mình đều không có. Bản thân mình cũng không quá coi trọng điều đó bởi nếu xem nó là thứ sống còn thì khi xưa đã không đủ dũng khí cất tấm bằng kiến trúc sư vào góc tủ để ở nhà làm bánh, làm shipper, làm lao công dọn dẹp cho bếp bánh nhỏ xinh của mình".
Thủy không tự nhân mình là chef vì với cô điều đó không quan trọng bằng việc sản phẩm của cô được đón nhận nhiệt tình.
Vậy đấy, một khi đã có đam mê và quyết tâm cháy hết mình với nó thì mọi thứ sẽ trở nên không còn khó khăn nữa. Với Bích Thủy, cô đã có nhiều quyết định để thay đổi trong cuộc đời mình và quyết định đến với bánh trái thực sự là điều khiến cô tâm đắc vô cùng. Là một người phụ nữ đảm, môt người mẹ yêu con, Thủy luôn biết lựa chọn điều gì là đúng đắn và phù hợp với mình nhất để không bao giờ phải hối hận vì bất cứ thứ gì.
"Mình đã từng ở nhà làm nội trợ 2 năm, đó là những năm tháng bình yên nhưng cũng đầy mâu thuẫn. Cái được lớn nhất đó là gia đình sinh hoạt ổn định, nề nếp, là được ở bên con cái nhưng cũng chính nó là mình mất đi con người mình. Không có đam mê mình như một con người chỉ thở chứ không tồn tại và mình tự hỏi con gái sẽ học được gì, ảnh hưởng tích cực gì khi mẹ nó chỉ biết đến ngày 2 bữa cơm, tối tối xem phim. Vậy nên, mình quyết định đi làm trở lại, để con được nhìn thấy mẹ sống hết mình với công việc, hết mình với cuộc sống".
Là phụ nữ, hơn nữa là người mẹ thì lại càng cần năng lượng tích cực để các con được thừa hưởng và sống hạnh phúc.