Tại Áo, số người chết sau khi tiêm vắc xin chống Covid-19 từ ngày 27/12 đến 2/4 đã lên tới 63 người – Văn phòng liên bang về an toàn trong chăm sóc y tế Áo cho biết. Trong số những ca tử vong này, 57 người tiêm BioNTech/Pfizer, 3 người tiêm Moderna và 3 người tiêm AstraZeneca. Tuy nhiên, nhà chức trách không tìm được liên hệ trực tiếp nào giữa vắc xin và các ca tử vong. Ngoài ra, văn phòng trên cho biết 18.063 trường hợp bị tác dụng phụ sau khi tiêm chủng.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Y tế cho biết ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới và số ca tử vong cao kỷ lục trong 24 giờ là 54.740 ca, trong đó 2.203 người phải nhập viện. Tổng số ca tử vong đã lên tới 32.943 ca và 2.604 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Ngày 29/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối thứ 6 đến 5 giờ sáng thứ 2 để kiềm chế dịch.
Tại Mỹ, nhà chức trách cho biết biến chủng dễ lây nhiễm B117 phát hiện lần đầu ở Anh đang trở thành chủng virus phổ biến nhất tại Mỹ khi số ca mắc tiếp tục tăng lên. Người dân ở đây đang được thúc giục tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để ngăn dịch lây lan. Mỹ cũng phát hiện các ca nhiễm các biến chủng Nam Phi được cho là kháng một số vắc xin Covid-19.
Tại Ấn Độ, nhà chức trách báo cáo số ca mới tăng kỷ lục trong ngày là 115.736 ca, tăng gấp 13 lần chỉ trong hơn 2 tháng, tạo áp lực cho chính phủ trong việc mở rộng chiến dịch tiêm vắc xin. Một số bang, bao gồm các bang bị ảnh hưởng nặng nhất như Maharashtra và Odisha than phiền về việc khan hiếm vắc xin trong làn sóng dịch thứ 2 đã buộc một số trung tâm phải từ chối người đến tiêm. Chỉ những người trên 45 tuổi được tiêm vắc xin ở Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.
Argentina cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ là 22.039, đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát. Hiện nước này có số ca mắc là 2.450.068, trong đó 56.832 ca tử vong.