Một loạt dự án 'đầu voi đuôi chuột' ở Thanh Hóa bị rút phép

GD&TĐ - Tỉnh Thanh Hóa có hơn 400 dự án được giao, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ, 164 dự án chậm quá 24 tháng. Trong số đó, 21 dự án bị thu hồi.

Dự án Khu Công nghiệp FLC nghìn tỉ sau 7 năm chỉ được mỗi cổng chào.
Dự án Khu Công nghiệp FLC nghìn tỉ sau 7 năm chỉ được mỗi cổng chào.

Dự án nghìn tỷ “treo” cả chục năm

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn (xây dựng tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư lên tới 1.430 tỉ đồng, công suất dự kiến 950.000 tấn/năm, do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (trụ sở tại TP Hà Nội) làm chủ đầu tư. Năm 2009, dự án được khởi công. Dự án này chỉ làm được tường bao, khoan đóng cọc móng... rồi dừng lại. Đến nay, dự án đã “trùm mền” 13 năm.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Ngọc Lặc nhiều lần có văn bản đề nghị cấp trên nhanh chóng thực hiện thu hồi dự án vì không còn phù hợp. Mục tiêu kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao khác nhằm bảo đảm môi trường xung quanh, phù hợp với quy hoạch đô thị huyện Ngọc Lặc.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dừng triển khai dự án xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn.

Tiếp đó, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư (thuộc địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi công tháng 9/2015.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.317,5 tỉ đồng, nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, được thiết kế là khu công nghiệp kiểu mẫu, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ đa ngành; khi đi vào hoạt động sẽ thu hút từ 60.000 - 80.000 lao động.

Thế nhưng, 7 năm trôi qua chủ đầu tư chỉ làm được một cái cổng chào. Đất đã được thu hồi để không, hoang hóa nhiều năm. Tháng 4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chấm dứt hoạt động của dự án này.

Ngoài ra, tại Thanh Hóa còn có rất nhiều dự án có tổng mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng chủ yếu chiếm đất để không hoặc xây dựng dang dở, “đắp chiếu” suốt nhiều năm như: Dự án Văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê của Công ty CP Tập đoàn Công Thanh (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa), dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; Dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn)…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hoá, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, trên địa bàn có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích gần 7.864 ha; trong đó, 1.195 dự án được cho thuê đất với diện tích trên 3.601 ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích gần 824 ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích gần 3.439 ha.

Ngoài những dự án đã đầu tư đúng tiến độ, hoạt động có hiệu quả, hiện trên địa bàn còn có 406 dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ, riêng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp có tới 110 dự án; trong đó, 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm Luật Đất đai.

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn (huyện Ngọc Lặc) sau khi xây dựng một số dãy nhà công nhân thì 'trùm mền' đến nay.

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn (huyện Ngọc Lặc) sau khi xây dựng một số dãy nhà công nhân thì 'trùm mền' đến nay.

Tiếp tục thu hồi, không nương tay

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất tại 21 dự án với tổng diện tích 89,88 ha. Đó là các dự án: Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam thành phố Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn).

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ. UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải rà soát các dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quyết định về việc thành lập tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn, qua đó nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhằm khắc phục tình trạng nhiều dự án “treo”. Tổ công tác do ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, làm tổ trưởng.

Kết quả rà soát sẽ làm căn cứ để UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thu hồi đất đối với các dự án đã được cho giao đất, cho thuê đất mà chậm tiến độ, vi phạm về sử dụng đất, quá hạn thời gian giao đất hoặc chủ đầu tư không có năng lực hay không có nhu cầu triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - Lê Đức Giang cho rằng, nguyên nhân các dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm trên địa bàn là do công tác thẩm định yếu kém, nhà đầu tư yếu kém, không có năng lực. Thậm chí, cá biệt có nhà đầu tư lấy dự án xong chuyển nhượng cho người khác để “kiếm lời”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết, hiện đã hoàn thành công tác rà soát và báo cáo kết quả sang Hội đồng nhân dân tỉnh. “Kiên quyết thu hồi nếu không đủ điều kiện để tránh lãng phí, từ đó có phương án quản lý đất đai tốt hơn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Lê Đức Giang khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ