Một kỳ thi dự kiến tiết kiệm cả trăm tỷ đồng

GD&TĐ - Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ tại cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Vnexpress (ngày 23/12) khi trả lời câu hỏi về con số dự kiến từ tiết kiệm kinh phí tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Một kỳ thi dự kiến tiết kiệm cả trăm tỷ đồng

Hỗ trợ tối đa cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà giáo, học sinh, phụ huynh và xã hội để hoàn thiện quy chế thi, hướng tới tổ chức thành công kỳ thi quốc gia THPT 2015. 

Cụ thể: Bộ GD&ĐT đã trao đổi với nhiều giám đốc Sở GD&ĐT, trong đó có đại diện từ miền núi đến đồng bằng, Hà Nội, để kiểm tra khái quát tình hình, nhu cầu của thí sinh.

Trước đây, địa phương phải lo 100% cho thí sinh thi tốt nghiệp, nay chỉ lo một phần nhỏ, khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% so với trước.

Tính đến các thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ thi 4 môn - số lượng bài thi như những năm trước mà đi lại thì xa hơn (trước đây từ xã lên huyện thì nay phải lên tỉnh), Bộ GD&ĐT chủ trương những đối tượng này không phải nộp lệ phí thi. Ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ chi phí phát sinh về di chuyển. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi.

Vậy phải chăng địa phương lại gánh thêm chi phí hỗ trợ thí sinh chỉ thi tốt nghiệp? “Kỳ thi tốt nghiệp năm trước, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu. Chúng ta có khoảng 1 triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ đồng. 

Nay chỉ khoảng 20% có nhu cầu thi tốt nghiệp, sẽ giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sơ bộ tính toán tại nội dung cuộc giao lưu.

Như vậy, từ kịch bản chi tiết của kỳ thi THPT Quốc gia, có thể thấy học sinh và phụ huynh, kể cả thí sinh chỉ thi tốt nghiệp được nâng đỡ từng bước chân đến trường thi, yên tâm “sôi kinh nấu sử”. 

Những “mắt xích” khác của kỳ thi cũng sẽ có hỗ trợ như: Thanh niên tình nguyện, các hình thức xã hội hóa… - Mục đích cuối cùng là giúp thí sinh vượt qua bỡ ngỡ những năm đầu tiên. 

Trong khi đó, chi phí Nhà nước được tiết kiệm, chi phí của thí sinh phải bỏ ra không tăng, giảm áp lực cho xã hội.

Bài toán cộng trừ quãng đường, bài thi, môn thi…

Khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo phương án cụm thi, một số phụ huynh, học sinh và cả giáo viên bày tỏ sự lo lắng khi con em mình, nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp sẽ phải đi cả trăm cây số về thành phố dự thi. Đây chính là điều được những người lên phương án thi tính đến đầu tiên khi bắt tay xây dựng Dự thảo Quy chế. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phân tích: Khi thiết kế phương án thi THPT Quốc gia, đối tượng đầu tiên được quan tâm và ưu tiên là học sinh, bao gồm cả học sinh THPT, GDTX; cả đối tượng dự thi chỉ để công nhận tốt nghiệp hay có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Nhìn thấy ngay việc giảm một kỳ thi sẽ giảm được kinh phí rất lớn để tổ chức hội đồng ra đề, kinh phí in sao, vận chuyển, bảo mật, chi cho các lực lượng đảm bảo an toàn, bí mật, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của thí sinh và phụ huynh.

Trước đây, nếu có nhu cầu vào ĐH, CĐ, thí sinh phải thi ít nhất hai lần, đi xa nhà, đến các cụm thi tại các thành phố lớn... Bây giờ, các em chỉ đi một lần. Lần này có thể đi xa hơn kỳ thi tốt nghiệp truyền thống nhưng gần hơn, tiện lợi hơn nhiều lần so với việc “lều chõng” đi thi ĐH trước đây.

Trước đây, thí sinh phải làm 7 bài thi, gồm 4 bài tốt nghiệp và 3 bài của một khối thi; nếu thi 2 đợt phải thi 3 môn nữa; dự thi hết phải làm đến 13 bài.

Bây giờ thí sinh làm tối thiểu 4 bài, nếu đăng ký thêm có thể 5, 6 và tối đa là 8 bài thi. Số lượng bài thi ít cũng đồng nghĩa với thời gian lưu trú ngắn; không phải về các trung tâm thành phố thì chi phí đỡ đắt đỏ.

Bộ GD&ĐT mang các đơn vị khảo thí đến từng địa phương

Khi Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia được công bố, ngay lập tức, lãnh đạo các trường ĐH đã phản hồi rất tích cực. 

Điều đầu tiên được phân tích đó là chất lượng nguồn tuyển được đảm bảo, bởi chính các trường ĐH được tổ chức, tham gia trong các khâu của kỳ thi, giám sát quá trình thi và đánh giá kết quả thi của thí sinh. Nói một cách khác, Bộ GD&ĐT đã mang các đơn vị khảo thí đến từng địa phương.

Năm nay quyết định mở rộng thêm các cụm, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các trường, địa phương để có phương án đáp ứng yêu cầu. Các cụm thi này có Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT của địa phương có học sinh thi, Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc các Sở liên quan. Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo các trường ĐH do Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ.

Như phân tích của vị Tư lệnh ngành Giáo dục: Kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những ưu việt của việc tổ chức thi tuyển sinh ĐH - phương thức mà được các chuyên gia trong ngành và cả xã hội tin tưởng. 

Việc thi theo cụm đã được triển khai từ 13 năm nay tại Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh (Nghệ An) và gần đây có thêm cụm thi Hải Phòng. Phương án này đã được thử thách, kiểm nghiệm và nhận được sự tin cậy của xã hội.

Chính bởi vậy, kỳ thi tới, các trường ĐH yên tâm tuyển được sinh viên với chất lượng mong muốn.

Thang điểm 20: Đánh giá đúng, tuyển sinh chuẩn

Thang điểm 20, chấm chi tiết đến 0,25 điểm và tổng điểm bài thi không làm tròn. Như thế thang điểm sẽ được chia dày hơn (nhiều mức điểm hơn) so với thang điểm 10 hiện nay (thang điểm 20 được chia thành 80 mức, còn thang điểm 10 là 40 mức). Do đó, những gì thí sinh làm được trong bài thi sẽ được tính và chấm điểm chi tiết hơn.

Mở rộng thang điểm hỗ trợ tốt hơn cho các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Với thang điểm 10, số lượng thí sinh cùng đạt một mức điểm là lớn. Việc dùng thang điểm 20 chia thành nhiều mức sẽ góp phần khắc phục tình trạng này. Do đó, tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh vừa đáp ứng chỉ tiêu, vừa bảo đảm chất lượng nguồn tuyển.

Một số khó khăn khi dùng thang điểm này thuộc về cán bộ chấm thi. Khó khăn này sẽ được khắc phục với tinh thần trách nhiệm cao nhất của ngành, với việc tập huấn trước khi chấm thi. Để dành thuận lợi, đảm bảo quyền lợi thí sinh, ngành Giáo dục sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn.

PGS Mai Văn Trinh

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ