Cuộc đời anh gắn liền với nhiệt huyết, thăng trầm, hàn gắn, xây dựng và phát triển đầy ấn tượng, hấp dẫn, lý thú với tầm nhìn chiến lược và luôn học hỏi, hành động để cống hiến trọn vẹn cho đất nước.
Trưởng thành từ chiến trường khốc liệt
Chiến sĩ Lê Phương Thảo (bí danh của anh Lê Công Cơ) tham gia cách mạng từ năm 1954, năm ấy anh 13 tuổi, hoạt động hợp pháp, bất hợp pháp trong lòng địch với nhiều phương thức, việc làm để tham gia phong trào, xây dựng cơ sở cách mạng. Sống trong lòng địch, trước nhiều tư tưởng khác nhau, anh đã sớm được tiếp thu và lựa chọn con đường của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hơn 20 tuổi anh đã thao thức với những chồng chất khó khăn phải đương đầu, không một giây phút ngơi nghĩ làm thế nào để cách mạng miền Nam thắng lợi?
Quá trình hoạt động anh được giao rất nhiều nhiệm vụ để xây dựng phong trào cách mạng. Với trí nhớ tuyệt vời, tài hùng biện, tuyên truyền lôi cuốn, hấp dẫn, tài đối ứng, quản lý, biết sở trường của anh em để phát huy, anh đã thuyết phục và kết nối không chỉ thanh niên – sinh viên học sinh mà nhiều thành phần trong quần chúng nhân dân, phật giáo, công giáo… đi theo cách mạng và phát triển phong trào. Anh là chuyên gia xây dựng phong trào đô thị, kết nối chiến khu đến thành phố lúc bấy giờ.
Anh đã hoạt động, đấu tranh trong chiến trường khốc liệt với tần suất hoạt động rất lớn, đi lại như con thoi trên địa bàn vùng giáp ranh dày đặc quân thù, lúc ẩn – lúc hiện trước rừng tai mắt, đồn bốt địch khắp lối mà anh vẫn thoát được, vẫn không bị địch bắt. Nhiều lần thoát khỏi tay địch trong đường tơ kẻ tóc nhờ trực giác nhạy bén. Địch đã truy lùng anh khắp nơi, nhiều lần treo giá nếu bắt được anh.
Đồng đội đã ví anh “là một hạt gạo bám trên dàn lưới mắt cáo – quả là hy hữu”. Anh là một trong những thủ lĩnh hiếm hoi, trí thức xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thanh niên – sinh viên học sinh yêu nước tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên -Huế, Quy Nhơn, Quảng Ngãi… và kết nối với nhiều tỉnh, thành trong khu vực miền Trung và miền Nam. Quá trình hoạt động của anh cùng đồng đội, bạn bè được nhân dân cưu mang góp phần làm nên những trang sử sống động, chân thực, bi hùng, khốc liệt và nghiệt ngã trong chiến trường cách mạng miền Nam mà không bút mực nào có thể tả xiết.
Duyên phận với giáo dục
Từ một thư sinh nho nhã, anh đã trải qua nhiều nhiệm vụ lãnh đạo trong kháng chiến và hòa bình như Chủ tịch Liên hiệp Sinh viên học sinh, Bí thư Thành đoàn, Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Giám đốc Công ty Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa IV, V, đại biểu Quốc hội khóa VIII… Bất kỳ nhiệm vụ nào anh cũng vượt qua khó khăn, luôn học hỏi, sáng tạo, đổi mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng chính những sáng kiến, đổi mới trong thời kỳ bao cấp ấy, anh phải trả giá khá nhiều và để lại bao nhầm lẫn, hoài nghi, đố kỵ. Anh nghỉ hưu lúc mới 51 tuổi, cho dù anh có thể làm hơn thế nữa để cống hiến.
Cuộc đời anh bước sang một ngã rẽ bất ngờ, táo bạo. Khát vọng được học và phát triển GD luôn thường trực trong anh, từ đó anh đã xóa bỏ bao nỗi đau, rào cản, thoát ra khỏi những biến cố một cách kỳ diệu để thực hiện giấc mơ xây dựng một ngôi trường đại học mang đậm tính nhân văn và hiện đại. Từ một đề án xây dựng trường ĐH tư thục chưa được chấp nhận thời kỳ mới mở cửa nền kinh tế, Trung tâm Anh ngữ tư thục đầu tiên tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung, rồi Trung tâm Kỹ thuật – Điện tử Tin học ra đời hoạt động hiệu quả từ năm 1987 đến năm 1992, cũng là tiền thân của Trường ĐH Duy Tân ngày nay.
(Còn nữa)