Danh sĩ thời Đông Hán là Hứa Thiệu, một người có tài xem tướng và am hiểu thời cuộc khi gặp Tháo đã tiên đoán: “Tào Tháo là năng thần thời bình trị, là gian hùng thời loạn”. Còn lãnh tụ Mao Trạch Đông coi “Tào Tháo là vua của các vua, vua đứng đầu các bậc quân vương”.
Nuôi chí lớn từ thuở thiếu thời
Tào Tháo (155 - 220) tự Mạnh Đức, tiểu tự A Man, lại còn có tên là Cát Lợi, người ở quận Tiêu, nước Bái (nay là huyện Hào, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Vùng đất An Huy, Tứ Xuyên của Trung Quốc, được nhiều người ví như vùng Quảng Trị nắng gió của Việt Nam, có người thích ăn ớt và chẳng ngại bộc lộ quan điểm sống.
Cha là Hạ Hầu Tung, làm con nuôi của hoạn quan Trung thường thị, Phí đình hầu Tào Đằng thời Hán Hoàn đế, nên đổi làm họ Tào, dựa vào thế lực Đằng mà sau lên đến chức quan thái uý.
Tào Tháo do được Tào Đằng coi như cháu nội nên được ra vào cung cấm, qua lại với con em nhà quyền quý. Từ nhỏ Tháo đã thích đọc sách, săn bắn, ca vũ và sớm bộc lộ tính linh hoạt, đa mưu quyền biến, thích quyền lực, mỹ nhân.
Lúc nhỏ, ông rất nghịch ngợm, từng rủ bạn là Viên Thiệu (sau này là đối thủ) đi cướp dâu giấu vào rừng rồi thỏa thuận để Tháo giả làm anh hùng đánh Thiệu cứu cô dâu khiến hai họ nhà trai nhà gái đều cảm ơn Tháo.
Lại có lần Tháo nghe tin hoạn quan Trương Nhượng giàu có có nhiều bí mật, Tháo lẻn vào tư dinh quan sát bị lộ, gia đình nhà Nhượng truy sát, Tháo chống sào nhảy lên cành cây xoài sát tường rào rồi trốn thoát... Nhưng khi mẹ mất, Tháo đau khổ ngồi khóc cạnh mẹ mấy ngày rồi từ đấy không ngỗ ngược nữa. Lớn lên, Tháo chăm chỉ đọc sách, luyện cung, kiếm, cưỡi ngựa, đọc binh thư, nên trở thành người kiệt hiệt.
Năm 174 sau CN, đời Hán Linh đế, Tào Tháo mới 20 tuổi thông qua tín nhiệm của cư dân địa phương được đắc cử Hiếu liêm (danh hiệu chỉ Hiếu với cha mẹ tổ tiên, liêm khiết với chính quyền, xã hội), lại tinh thông cổ học nên được nhận chức quan lang (thời đó ai được bầu Hiếu liêm là đủ tư cách ra làm quan cũng như những người có bằng cấp, nhưng chức thấp hơn người đỗ cử nhân, tiến sĩ...).
Gặp thời lên hương
Thời Hán, triều đình thường chọn một số thanh niên con nhà có danh vọng, tư cách đạo đức tốt, ngoại hình đẹp làm quan lang. Lang có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là trẻ tuổi, nghĩa thứ hai là thị vệ. Nếu được làm Lang trong cung đình, có thể được tuyển làm thị vệ của nhà vua.
Lang có nhiều cơ hội gần gũi nhà vua, được rèn luyện, biết nhiều thông tin cung đình, có quan hệ xã hội rộng, nên sau khi làm quan lang thường được bổ nhiệm rất nhanh vào vị trí quan chức khác.
Phương thức đào tạo bồi dưỡng quan chức thời Hán kiểu bầu Hiếu liêm, trải qua chức Lang khắt khe như vậy chỉ tồn tại một giai đoạn, về sau thì không theo kiểu chính qui như vậy mà thay đổi: Quan lang không cứ phải là con cái nhà danh vọng, cũng không nhất thiết là thị vệ của vua, mà chỉ là một sự tập dượt những người được lựa chọn qua thi cử, tiến cử cho quen việc để chờ bổ nhiệm tiếp.
Theo qui định triều đình, người sau khi mãn nhiệm ngạch quan lang, có thể được bổ nhiệm làm nha lại cấp huyện hoặc do năng lực, quan hệ có thể vào ngay chức Huyện lệnh, Huyện thừa, Huyện úy.
Đến cuối đời Đông Hán thì mọi việc tuyển lựa đề bạt chỉ làm chiếu lệ, do triều đình mục ruỗng, khởi nghĩa nông dân khắp nơi, làm quan không phải là lựa chọn hấp dẫn.
Do có ông là Tào Đằng, cha là Tào Tung thế lực mạnh nên Tào Tháo chỉ làm quan lang một thời gian đã được trao chức Lạc Dương Bắc Bộ úy (võ quan cấp huyện - huyện úy).
Úy là chức quan võ nắm cả quân sự lẫn hình sự. Thời đó, võ quan từ cao nhất xuống dưới đều gọi úy, huyện có Huyện úy, quận có Quận úy, triều đình có Thái úy, Trung úy, Đình úy, Vệ úy.
Dưới Huyện lệnh có thừa, úy. Thừa phụ trách dân sự, úy phụ trách trị an (quân sự, hình sự). Lạc Dương là kinh đô Đông Hán, là huyện lớn nhất, nên Huyện úy không chỉ một người, mà là 4 người, phụ trách 4 khu vực Đông Tây Nam Bắc.
Tào Tháo là úy khu vực Bắc Lạc Dương (Lạc Dương Bắc bộ úy), cấp phó của Huyện lệnh, phụ trách an ninh, binh bị, hình sự khu Bắc Lạc Dương.
Từ vị trí đó, ông vươn dần lên cao, khi khởi nghĩa Hoàng Cân (Khăn Vàng) bùng nổ, ông giữ chức kỵ đô uý, đem binh trấn áp có chiến công. Sau khi quân Hoàng Cân bị bại dưới tay các tướng triều đình như Hoàng Phủ Tung, Tôn Kiên, Tào Tháo và các thế lực khác, chính Tháo thu nhận được hơn ba vạn quân nông dân khởi nghĩa làm quân riêng.
Tháo lại bán gia sản, tiếp nhận viện trợ của địa chủ theo Tháo cùng các tướng thân tín như Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân, Tào Hồng... dựng cờ “Trung Nghĩa” chiêu mộ thêm quân đội, từ đó quân lực hùng hậu dần lên và trở thành một trong những thủ lĩnh quân sự ôm mộng thống nhất Trung Nguyên.
(Còn nữa)...