Một đề Văn chuẩn về cấu trúc, hay về nội dung

GD&TĐ - “Có thể thấy, đề thi Ngữ văn năm nay có một cấu trúc đúng với quy định và khá hay về nội dung. Thoạt đọc thấy nhẹ nhàng, tưởng đơn giản nhưng thực ra trong đề lại đặt ra nhiều thang bậc rất khéo để có thể đánh giá, phân hóa trình độ thí sinh. Và, những tưởng ba phần của đề thi không liên quan nhưng kết nối lại thì thấy một mối gắn bó thú vị...” - cô giáo Nguyễn Kim Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đã đưa ra nhận xét về đề thi Ngữ văn Kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Thí sinh tại cụm thi Thái Nguyên hào hứng sau buổi thi Ngữ văn. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh tại cụm thi Thái Nguyên hào hứng sau buổi thi Ngữ văn. Ảnh: Thế Đại

Mang nhiều tầng nghĩa mở

- Nội dung của đề Ngữ văn năm nay đã được thể hiện trong phần thi đọc hiểu thế nào, thưa chị?

- Phần đọc hiểu đã trích dẫn 15 câu đầu tiên trong bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Đây là đoạn thơ mang nhiều tầng nghĩa mở. Bên cạnh viết về biển, đoạn thơ còn nhắc đến nhiều điều thiêng liêng trong những vần thơ giản dị mà sâu sắc. Và, hàm ẩn trong từng câu thơ còn có những ý thơ nói về sự mất mát, hy sinh, sự tiếp nối bao đời để gìn giữ và bảo vệ lãnh hải, chủ quyền của Tổ quốc.

Nếu học sinh hiểu được, viết được ý này thì bài viết của các em rất thành công. Còn nếu học sinh chưa hiểu được ý đó mà mới chỉ đề cập đến tầng nghĩa nói về sự tiếp nối thế hệ trong lao động, dựng xây để giữ gìn và xây dựng cuộc sống thì cũng đã đạt được yêu cầu.

Điều thú vị nữa là bài thơ được rút từ tập “Thơ Việt Nam 1945 - 1985” được NXB Văn học ấn hành năm 1985. Tập thơ này tập hợp thơ của giai đoạn cách đây gần nửa thế kỷ - ở thời điểm những vấn đề về hải đảo, biển Đông chưa như sau này. Thế nhưng cái nỗi niềm, sự lo lắng để bảo vệ đất nước toàn vẹn không chỉ lãnh thổ mà cả lãnh hải đã được các nhà thơ trăn trở từ rất lâu rồi. Là nhà thơ có đóng góp ý nghĩa cho văn học nước nhà, Vũ Quần Phương đã mang tâm nguyện của nhân dân vào trong sáng tác của mình. Tâm nguyện ấy đã được thể hiện trong văn học của dân tộc trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước. Lịch sử văn học của chúng ta đã có những vần thơ mang sứ mệnh thiêng liêng với Tổ quốc như thế. Đó còn là khả năng dự cảm tài tình của các nhà thơ.

Đề thi Ngữ văn Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được các chuyên gia đánh giá là hay, không đánh đố và có tính phân hóa cao. Các sĩ tử cũng cười rất tươi sau buổi thi vì để đạt được điểm 5 - 6 môn Ngữ văn không khó. Cộng đồng mạng cũng được phen sôi động với nhiều hình ảnh chế thú vị xoay quanh bài văn nghị luận được ra đề từ đoạn trích trong tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường…

 

Chính vì vậy, những người ra đề đã thành công khi chọn được một tác phẩm có nhiều tầng ý nghĩa cho phần thi đọc hiểu. Điều hay là đoạn trích trong bài thơ “Trước biển” có thể trở thành thang thước để đánh giá nhận thức của mỗi học trò khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Vì ngoài việc nghĩ về bản thân, về cuộc sống với những khó khăn thử thách cần vượt qua, thì các con còn thể hiện được mình đã nghĩ về Tổ quốc, về dân tộc. Có thể nói, đoạn trích có tính giáo dục ngay tại phòng thi, một mặt giúp thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình, một mặt khơi gợi với tính mở. Thông qua các câu thơ được trích, học trò thêm hiểu dân tộc mình, yêu đất nước mình thì mới có thể chủ động hội nhập quốc tế.

- Còn phần thi làm văn thì có những thú vị gì, thưa chị?

- Phần thi làm văn năm nay (phần bài văn nghị luận) đã sử dụng đoạn văn được trích từ tùy bút “Ai đã đặt tên dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thầy cô giáo chúng tôi - những người coi truyền đạt cái hay, cái đẹp của văn chương là sứ mệnh của mình thì đều thấy tùy bút này rất hay. Tuy nhiên, với học trò thì cái khó của tác phẩm này là không có nhân vật con người với tính cách và số phận như trong đời sống. Nhân vật chính ở đây là một dòng sông được nhân cách hóa, chứ không có con người như cô Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, anh Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt”… Tác phẩm kể về cuộc đời của dòng Hương Giang được nhân cách hóa thành cuộc đời một người con gái về với Huế là về với tình yêu.

Với đoạn văn được trích dẫn cho phần viết văn nghị luận, đây là đoạn văn sau khi nói về những dòng sông ở thượng nguồn, là “bản trường ca của rừng già” “rầm rộ và mãnh liệt”, “cuộn xoáy”, vặn mình trải qua thác ghềnh ở trong rừng Trường Sơn. Nghĩa là dòng sông ấy phải trải qua rất nhiều thử thách ở thượng nguồn thì mới về được đồng bằng, về được Huế để mà “như một mặt hồ”.

Nhiều người trong chúng ta chỉ biết sông Hương qua bộ mặt kinh thành của nó, nghĩa là sông Hương khi chảy thật êm đềm vào Huế. Như nhà thơ Hàn Mặc Tử từng viết: “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Thế nên không hiểu dòng sông đó đã từng trải qua bao nhiêu sóng gió của đời nó, trải qua bao nhiêu lần vặn mình uốn khúc qua ghềnh thác. Rồi, nó đã được rừng già hun đúc. Có thể nói một cách rất khéo léo là rừng già đã rèn luyện, giáo dục cho dòng sông và chính nó hoàn thiện mình. Nên trước khi rời rừng già để ra đến đồng bằng để về với Huế thì nó đẹp tuyệt vời. Hình tượng ẩn dụ này thật giống như mọi người khi còn trẻ đều phải tự rèn luyện, trải qua khó khăn để trưởng thành và thành công. Đó là cả một quá trình. Nếu hiểu được điều này nữa thì học sinh sẽ đạt được điểm rất cao cho bài thi của mình. Tuy không phải nhiều học sinh làm được như thế, nhưng đề thi phải có sự phân hóa thì mới tìm ra người giỏi, người khá và lại vẫn có thể cho học sinh trung bình không bị trượt, không bị buồn khổ mà vẫn đỗ xứng đáng ở các tầng mức khác nhau. Nhất là với những học sinh có khả năng cao về khoa học tự nhiên nhưng lại không mạnh về văn chương và các môn khoa học xã hội.

Cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)
  • Cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)

Cân đối và đẹp

- Vì sao chị lại đánh giá nhìn tổng thể thì đề thi Ngữ văn năm nay có những điểm thú vị?

- Tôi thấy, đề Văn năm nay rất cân và đẹp khi có một tác phẩm về biển được viết bằng thơ và một tác phẩm về sông được viết bằng văn xuôi. Và, một sự kết hợp, tôi cho rằng không phải là ngẫu nhiên, khi câu hỏi nghị luận xã hội ở giữa lại nói về con người - “viết đoạn văn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”. Rõ ràng, văn học dù diễn tả sông, biển nào cũng là hướng đến đối tượng tiếp nhận, cảm thụ và suy nghĩ là con người. Văn chương phục vụ cuộc sống của con người. Mà con người phải chủ động vượt khó khăn thì mới giành được thành tựu. Thậm chí, phải chấp nhận cả hy sinh âm thầm dài lâu thì mới có được. Thêm nữa, cả hai văn bản được trích dẫn nói về sông, về biển nhưng đều nói đến thác ghềnh, hy sinh mất mát chứ không phải chỉ nói đến sự êm đềm. Thế nên, con người phải có ý chí, phải có quyết tâm sức mạnh thì mới có thể sống có ý nghĩa.

Tôi cho rằng, với những học sinh sâu sắc và say mê văn chương thì các con sẽ hiểu được điều được gửi gắm của các thầy cô tham gia ra đề. Tức là các con sẽ thấu được trách nhiệm của mình với đất nước. Và với học sinh trung bình, các con cũng dễ dàng nhận thấy: Chẳng có vinh quang nào, thành công nào không trải qua những khó khăn.

Vậy nên, đề Văn năm nay tưởng là đơn giản, thoạt đọc thì thấy nhẹ nhàng nhưng thực ra rất hay khi đề đặt ra nhiều thang bậc rất khéo ngay ở trong đó. Và, những tưởng ba phần của đề thi không liên quan nhưng kết nối lại thì thấy một mối gắn bó khăng khít tuyệt vời giữa thiên nhiên qua hình tượng sông - biển và con người qua sự đối mặt gian lao và luôn có những khát vọng đẹp.

Tôi cho rằng, chắc chắn ở đây có sự bàn bạc và đầy gửi gắm của các thầy cô ra đề và xứng được cộng hưởng từ thiện chí, từ sự am hiểu theo hướng tích cực của người cảm nhận đề. Tất nhiên, cũng không thể loại trừ những ý kiến nào đó chưa ưng do quan điểm cá nhân. Hoặc còn đâu đó có sự cố tình phản đối để tạo dư luận. Thật đáng tiếc vì nếu như vậy, họ sẽ không nhìn thấy được cái đẹp, cái hay được gửi gắm trong đề Văn năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ