Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV: Tập trung thảo luận Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

GD&TĐ - Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phiên thảo luận do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng điều hành. Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), các đại biểu tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến cho Dự án Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp Quốc hội sáng 21/5
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp Quốc hội sáng 21/5

Triết lý GD xuyên suốt trong các quy định của Luật

Là người bấm nút phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) tán thành với phần lớn nội dung của Dự thảo Luật GD (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp lần này. Nêu ý kiến về nội dung triết lý GD, đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với giải trình báo cáo của Chính phủ và giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc không quy định cụ thể triết lý GD trong điều khoản cụ thể của Luật, mà thể hiện thông qua những quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển GD Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển GD Việt Nam phải làm toát lên được một triết lý của nền GD Việt Nam hiện đại, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa toàn bộ quy định của Dự thảo Luật.

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, triết lý GD có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng phát triển GD của mỗi quốc gia. Trên thực tế, nền GD Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý GD được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển GD, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Tham khảo Luật GD một số nước trên thế giới cho thấy, hầu hết không quy định riêng về triết lý GD mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý GD.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như Dự thảo Luật, theo đó triết lý GD Việt Nam được thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển GD (các điều 2, 3, 4); đồng thời tinh thần triết lý GD cũng xuyên suốt trong các quy định của Luật này.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đóng góp ý kiến cho Dự án Luật GD (sửa đổi)
  • Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đóng góp ý kiến cho Dự án Luật GD (sửa đổi)

Để HS giỏi đua nhau vào sư phạm

Góp ý về chính sách đối với người học, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cần chính sách ưu tiên đối với SV học ĐH sư phạm giống như SV học ĐH khối ngành Công an, Quân sự. Nhưng với điều kiện “điểm sàn” và điểm thi đầu vào phải cao so với các ngành khác.

“Thầy giỏi mới có trò giỏi, ra trường được tuyển thẳng vào ngành. Nếu tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc sẽ được hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với các trường hợp khác. Như vậy mới có HS giỏi vào ngành sư phạm và SV an tâm khi ra trường vì sẽ có việc làm ổn định, với mức lương bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Nếu làm được như vậy, HS giỏi sẽ đua nhau vào ngành sư phạm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu vấn đề.

Bổ sung quan điểm trên, đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) nêu quan điểm: Về tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm cần có sơ tuyển, coi trọng tiêu chí hạnh kiểm, đạo đức và học lực. Chỉ tiêu tuyển sinh cần được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế, SV ra trường được bố trí công tác, được đãi ngộ xứng đáng, GV có mức sống cao từ đồng lương của mình, từ đó yên tâm công tác, cống hiến. Như vậy mới đủ sức thu hút người giỏi, nhân tài vào học các ngành sư phạm.

Cơ sở thực hiện phân luồng trong GD

Liên quan đến nội dung phân luồng, hướng nghiệp, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) góp ý: Hướng nghiệp cấp THCS và THPT là chủ trương đúng nên tiếp tục được quy định trong Dự thảo Luật lần này nhằm làm cơ sở thực hiện phân luồng trong GD. Từ đó tạo điều kiện để HS tiếp tục học trình độ cao hơn. Việc theo học nghề và tham gia lao động phù hợp với năng lực cá nhân và đáp ứng nhu cầu xã hội sẽ góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước.

Nếu chúng ta đọc kỹ trong Luật sẽ thấy: Nền GD Việt Nam là nền GD xã hội chủ nghĩa, có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.


Ông Phan Thanh Bình

Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tiễn việc triển khai hướng nghiệp cho HS THCS, THPT trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả mong muốn. HS đăng ký tham gia vẫn mang tính hình thức, chưa nhận thức đầy đủ mục đích hướng nghiệp. Đại biểu Thu Trang đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về thời điểm tổ chức hướng nghiệp ở từng cấp học. Cùng với đó, cần có thời lượng và phương pháp giảng dạy phù hợp, bảo đảm về địa điểm cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách liên quan nhằm phát triển khả năng sáng tạo, kích thích đam mê nghề nghiệp; từ đó giúp công tác phân luồng đạt hiệu quả.

Tán thành với quy định của Dự thảo Luật về việc bổ sung quy định khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, để tạo điều kiện cho quá trình liên thông giữa cấp đào tạo và hệ thống đào tạo trong hệ thống GD quốc dân, cần giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định; qua đó tạo sự linh hoạt trong triển khai thực hiện quy trình liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống GD quốc dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
  • Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

4 quan điểm lớn khi điều chỉnh Luật GD (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trao đổi về một số nội dung mà các đại biểu có ý kiến. Về vấn đề triết lý GD, ông Phan Thanh Bình cho hay: Từ khi thành lập nước đến nay, chúng ta đều hoạt động theo triết lý. Triết lý này thể hiện 4 tính chất: Nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Bốn tính chất này xuyên suốt, khống chế toàn bộ hệ thống GD của chúng ta.

“Tôi nghĩ nếu cần gom lại thì chúng ta lấy điều này để hình dung”, ông Bình nói, đồng thời chia sẻ 4 quan điểm lớn khi điều chỉnh Luật GD (sửa đổi). Quan điểm thứ nhất là mở và liên thông. Theo ông Bình, nội dung này có một số vấn đề cần quan tâm là GD bắt buộc. Theo đó, đối với GD tiểu học sẽ là bắt buộc. “Vậy trách nhiệm Nhà nước, gia đình và người học ở đâu? Chúng ta phải làm tốt vấn đề này để bảo đảm các em trong độ tuổi được đi học và học tốt”, ông Bình nêu vấn đề và cho biết: Dự thảo Luật ghi rất rõ nguyên tắc của liên thông là khung trình độ 8 bậc. Chúng ta đặt vấn đề không chỉ liên thông trong nước mà còn liên thông với quốc tế.

Quan điểm thứ hai là năng lực và phẩm chất. Theo đó GD cần hướng đến phát triển tiềm năng chuyên biệt của HS. Do đó, vấn đề đặt ra là, chương trình là pháp lệnh, SGK là cụ thể chương trình nên có thể có một hoặc nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, Luật quy định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chương trình phổ thông và SGK phổ thông. Chỉ Bộ trưởng ban hành thì bộ SGK đó mới được sử dụng.

Quan điểm thứ ba là dân chủ của phổ thông và tự chủ của ĐH, nghề nghiệp. Quan điểm thứ tư là bảo đảm được sự phát triển công tư một cách bình đẳng, góp sức vào phát triển hệ thống GD của Việt Nam. Theo đó, trường công lo GD đại trà và bảo đảm quyền được đi học của công dân theo những nguyên tắc cơ bản; còn trường tư sẽ bổ sung cho hệ thống GD quốc dân và có thêm nhiều hệ khác. Công - tư chất lượng phải như nhau, nhưng trường tư có thể có thêm các liên kết hoạt động GD khác và chúng ta cố gắng phát triển trường tư theo nguyên tắc của nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ