Đặc biệt, với môn Ngữ văn, số học sinh có năng khiếu và thực sự yêu thích môn học không nhiều nên việc khơi dậy hứng thú ở người học lại càng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả ôn tập.
Thầy Trần Xuân Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) - cho rằng: Tùy thuộc vào sở trường, sở đoản và kinh nghiệm riêng của mỗi người, cũng như tình hình thực tế của lớp mình phụ trách mà mỗi thầy cô giáo có những cách khác nhau trong việc khơi dậy hứng thú ở người học.
Nhưng có lẽ, quan trọng hơn cả trong việc khơi dậy hứng thú ở người học chính là cách thức hướng dẫn học sinh ôn tập của người dạy.
Với nội dung trên, theo thầy Trần Xuân Trà, việc đầu tiên cần giúp người học nắm chắc nội dung, chương trình ôn tập, cũng như những yêu cầu cơ bản cần đạt; cùng với đó, lựa chọn phương pháp ôn tập hợp lý, khoa học.
Người dạy phải phân loại được đối tượng học sinh. Trên cơ sở đó, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của lớp học, người dạy xây dựng kế hoạch và lựa chọn phương pháp ôn tập một cách hợp lý, khoa học.
Để làm tốt điều này, theo thầy Trần Xuân Trà, người dạy cần quan, chú ý tâm tới những vấn đề cơ bản: Kiểm tra, sát hạch chất lượng học sinh; xây dựng kế hoạch ôn tập; lựa chọn phương pháp ôn tập phù hợp, hiệu quả.
Ví dụ, với kiểu bài nghị luận xã hội, người dạy vừa phải củng cố, ôn tập lại kiến thức, vừa rèn luyện những kỹ năng cơ bản cho học sinh thông qua những đề bài cụ thể. Do vậy, người dạy phải hệ thống hóa những đề bài liên quan tới các tác phẩm văn học trong chương trình ôn tập; phối hợp hướng dẫn học sinh ôn tập trên lớp với tự học, tự ôn tập ở nhà, biết lựa chọn đi sâu vào những đề bài mới và khó đối với học sinh, biết giới thiệu và hướng dẫn học sinh đọc các tài liệu tham khảo, tự học, tự tích lũy, bổ sung kiến thức.
"Lưu ý, mỗi giáo viên có những phương pháp hướng dẫn học sinh ôn tập khác nhau. Song, dù lựa chọn phương pháp ôn tập nào, người dạy cũng phải bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp; quan tâm tới đặc điểm, tình hình cụ thể của lớp học, cũng như kế hoạch ôn tập đã xác lập, nhất là chất lượng và hiệu quả ôn tập.
Đặc biệt, trong quá trình hướng dẫn học sinh ôn tập, người dạy phải chú ý tới mọi đối tượng học sinh, sao cho từ những học sinh yếu đến những học sinh khá - giỏi đều nắm chắc những kiến thức, kỹ năng cơ bản, đều không cảm thấy mình bị “bỏ rơi”, hay những kiến thức, kỹ năng ấy đã quá nhàm chán với các em. Có như vậy, các em mới tự tin, hứng thú trong quá trình ôn luyện” - thầy Trần Xuân Trà cho hay.