Kinh nghiệm dạy tốt văn bản kịch

GD&TĐ - Văn bản kịch là một kiểu loại văn bản mới được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông vài năm gần đây.

Kinh nghiệm dạy tốt văn bản kịch

Cô Vũ Thanh Huyền - Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - cho biết: Kiểu văn bản này có những nét đặc thù: Được sáng tác về cơ bản là để diễn, bởi đó là một môn nghệ thuật tổng hợp , gắn bó với sân khấu như các bộ phận kết nối chặt chẽ với nhau trên một cơ thể kịch bản.

Trong khi đó, việc giảng dạy thể loại này ở nhà trường lại không phải với tính chất một loại hình nghệ thuật, chỉ đơn giản xem xét ở góc độ văn học, cho nên để thưởng thức tác phẩm kịch đúng với tinh thần thể loại đã là một khó khăn, chưa nói đến tổ chức cho học sinh thâm nhập, nắm bắt các giá trị của văn bản kịch thì không phải là việc dễ dàng.

Sách giáo khoa THPT đưa vào chương trình ba văn bản kịch:Romeo và Juliet, Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trích Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

Đây đều là các văn bản có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao , nhưng không phải dễ tiếp cận. Do vậy, đọc hiểu một văn bản kịch rất cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để đọc đúng yêu cầu đặc trưng thể loại.

Nhiều hạn chế trong dạy văn bản kịch

Nói về thực trạng dạy và học kịch bản văn học hiện nay, theo cô Vũ Thanh Huyền, học sinh dù ở bậc THPT nhưng thói quen, nếp nghĩ đã ăn sâu tiềm thức khi đứng trước yêu cầu đọc hiểu một văn bản bao giờ cũng tư duy theo thói quen khi đọc một văn bản văn học.

Cho nên, học sinh thường khá lúng túng trong thao tác đọc hiểu văn bản kịch từ khâu xác định vấn đề cho đến cách đọc từng phần và quá trình làm bài tập vận dụng.

Về phía người dạy, nhiều giáo viên giảng dạy văn bản này sa đà vào tìm nội dung chính, nhân vật chính và chủ đề văn bản và nhanh chóng biến một giờ dạy đọc hiểu thành một giờ học văn bản truyện thông thường.

Nhiều giáo viên giảng dạy kịch chủ yếu dựa vào sách giáo viên. Dù đây là bộ sách có nhiều mặt mạnh, là tài liệu định hướng quan trọng cho mỗi bài giảng của giáo viên, tuy nhiên đó mới chỉ là những gợi ý rất chung chung, người thầy cần định lượng kiến thức để dạy cho phù hợp.

Một số chưa biết lựa chọn những kiến thức cơ bản, bài giảng chưa phù hợp với đối tượng học sinh, tham kiến thức mà chưa áp dụng lý thuyết loại thể, dẫn đến hứng thú học văn của học sinh chưa được phát huy.

Một số giáo viên tung hứng giảng dạy kịch mà quên mất các lời thoại nhân vật, dẫn tới dạy học thoát ly kiến thức của hành động kịch. Hầu như hoạt động liên môn để mở rộng kiến thức, đào sâu hiểu biết của học sinh với loại hình nghệ thuật tổng hợp này không có

Kết quả là học sinh học xong văn bản nhưng không hiểu gì về nghệ thuật tạo dựng tình huống, xây dựng xung đột kịch, về cách dẫn dắt mâu thuẫn của kịch, về hành động kịch như thế nào.

Kinh nghiệm dạy đọc hiểu và ôn tập văn bản kịch

Về nội dung hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài, cô Vũ Thanh Huyền cho biết, đây là khâu đặc biệt quan trọng để người học có được tâm thế chủ động, tự tin khi bước vào giờ học. 

Riêng đối với văn bản kịch, công việc này có đặc thù riêng. Giáo viên sẽ giao nhiệm vụ sao cho học sinh bước đầu thâm nhập được văn bản theo đúng đặc trưng thể loại.

Hình thức tốt nhất là giáo viên sẽ chia nhóm để giao việc. Để công việc không dàn trải , giáo viên đồng thời nêu câu hỏi để học sinh chủ động trong phần trình bày và chuẩn bị mang tính định hướng.

Lưu ý: Trước khi giờ học diễn ra, các nhóm có thể trao đổi kết quả làm việc để tham khảo ý kiến của nhóm khác , hoàn thiện nội dung của mình

Với hướng dẫn học sinh đọc văn bản kịch, theo cô Huyền, có nhiều cách đọc: Đọc to, đọc thầm, đọc nhanh, đọc lướt, đọc diễn cảm, đọc hiểu,... 

Khi đọc kịch phải chú ý kịch viết ra không phải là để đọc mà là để diễn, mặc dù chúng ta biết kịch được đưa vào trong nhà trường là kịch bản văn học chứ không xem xét nó như một bộ môn nghệ thuật.

Vì thế khi dạy học vở kịch này ta sử dụng nhiều cách đọc khác nhau. Đọc ở đây là đọc kịch bản có liên hệ với sân khấu. Có thể tổ chức cho học sinh đọc phân vai, kết hợp đọc diễn cảm. 

Đọc phân vai để học sinh thấy rõ được bản chất khái quát nhất của từng nhân vật. Đọc diễn cảm là để thấy những biểu hiện sâu sắc về nội tâm, tính cách của nhân vật kịch

Hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản kịch, cô Huyền cho rằng, cần sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để khai thác các yếu tố trọng tâm của vở kịch.

Với văn bản kịch, đối tượng phân tích nên hướng tới là phân tích xung đột kịch (có thể là xung đột bên ngoài hoặc xung đột bên trong nhân vật);

Phân tích nhân vật kịch (chính là tìm hiểu, cắt nghĩa, lí giải bi kịch của nhân vật đó, tức là quá trình dẫn dắt học sinh trả lời câu hỏi: Nhân vật đó có bi kịch gì? Tại sao anh ta lại rơi vào bi kịch đó? Bi kịch của nhân vật có ý nghĩa gì? 

Nhân vật bi kịch thường có kết thúc bi thảm, giáo viên hãy giúp học sinh phân tích thấy được ý nghĩa thức tỉnh hay dự báo về một điều gì đó tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong cuộc sống và trong mỗi người;

Phân tích hành động kịch: Hành động kịch có thể là hành động thuộc về các biến cố sự kiện, cũng có thể thuộc về tâm trạng bên trong của nhân vật kịch. 

Giáo viên có thể linh hoạt hướng dẫn học sinh phân tích. Về cơ bản, ý nghĩa của việc phân tích này là để tìm hiểu sâu hơn đặc điểm của nhân vật hoặc diễn biến của xung đột.

Phân tích ngôn ngữ kịch: Ngôn ngữ kịch có thể là những chỉ dẫn sân khấu, cũng có thể là lời thoại của nhân vật, chú ý đến lời thoại là đối thoại, độc thoại để tìm hiểu nhân vật

Kết hợp với quá trình phân tích, giáo viên hướng dẫn học sinh tổng hợp lại để đưa ra những kết luận về giá trị tư tưởng, nghệ thuật của vở kịch

"Tùy từng văn bản kịch, giáo viên nên lựa chọn vấn đề nổi trội nhất, thành công nghệ thuật đặc sắc nhất, có ảnh hưởng đến việc hiểu tư tưởng của vở kịch để hướng dẫn học sinh khai thác. Các yếu tố trên không tách biệt mà đan cài, thể hiện lẫn nhau" - Cô Huyền lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ