Mục tiêu của việc dạy học Ngữ văn trong tương lai

GD&TĐ - Bộ môn Ngữ văn có vai trò quan trọng hàng đầu trong chương trình đào tạo xưa nay. Tuy nhiên, mục tiêu dạy học bộ môn này không giống nhau ở các quốc gia và mỗi thời đại.

Mục tiêu của việc dạy học Ngữ văn trong tương lai

TS Phạm Ngọc Hiển - Khoa Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn - cho rằng, việc xác định đúng đắn mục tiêu dạy học Ngữ văn của Việt Nam trong thế kỷ XXI là rất quan trọng. 

Nó giúp cho các nhà giáo dục tháo gỡ được những khó khăn trước mắt, nhất là vấn đề học sinh không hứng thú học Văn. Và giúp bộ môn Ngữ văn bước kịp thời đại, hòa nhập vào công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu của dạy học Ngữ văn phải được thấm nhuần trong các khâu của quá trình giáo dục

Nhận định chương trình sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành đã tạo ra bước đột phá lớn, rút ngắn đáng kể khoảng cách tụt hậu của ta so với thế giới, TS Phạm Ngọc Hiển cho rằng, nhiều thành tựu dạy học Ngữ văn ở các nước tiên tiến đã được áp dụng tại Việt Nam.

 TS Phạm Ngọc Hiển

Tuy nhiên, không phải thành tựu nào của thế giới ta cũng vận dụng được trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do có nhiều sự khác biệt về thể chế chính trị, trình độ tiếng Anh của người biên soạn sách, tâm lý tiếp nhận của giáo viên và học sinh, giao lưu cách trở về địa lý.

Và ngay cả ở những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất, người vẫn đang thay đổi, điều chỉnh chương trình từng giờ. Bởi vậy, ta vẫn phải không ngừng cập nhật những thành tựu mới của thế giới để xây dựng chương trình dạy học Ngữ văn trong tương lai.

Mục tiêu của việc dạy học Ngữ văn, theo TS Phạm Ngọc Hiển, phải được thấm nhuần trong các khâu của quá trình giáo dục như tên gọi môn học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá, sự vận dụng vào cuộc sống.

Trước hết, mục tiêu môn học được thể hiện ở tên gọi môn học. Ở Việt Nam, tên gọi môn Văn đã thay đổi nhiều lần và đến bây giờ được gọi là Ngữ văn, tức là ghép hai phân môn Ngôn ngữ và Văn học. Tuy nhiên, người ta vẫn quen gọi ngắn gọn là môn Văn, khoa Văn, bỏ mất chữ “ngữ” hoặc “tiếng”.

Việc coi trọng dạy học tác phẩm thơ văn cũng là một truyền thống ở Nga và Trung Quốc mà Việt Nam từng chịu ảnh hưởng rất sâu sắc hai nước này. Tuy nhiên, trong nhà trường phổ thông của phần lớn các nước trên thế giới hiện nay, người ta không gọi là môn Văn học mà gọi theo tên tiếng mẹ đẻ.

Chẳng hạn, học sinh các nước Anh, Mỹ, Canada, Úc học môn Tiếng Anh (English, English language art). Học sinh Thái Lan học môn Tiếng Thái, Nhật Bản học Tiếng Nhật, tức là tương đương với cách gọi môn Tiếng Việt ở Việt Nam.

Bởi vậy mà khoảng năm 1995, ở Việt Nam có ý kiến đề nghị gọi chung ba phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn là môn Tiếng Việt. Tuy nhiên, chủ trương bỏ từ “văn” bị nhiều người phản đối.

Dân tộc Việt Nam đã có truyền thống dạy học “Văn” từ ngàn năm phong kiến, đến thời Pháp thuộc, môn này được gọi là Quốc văn, và ở miền Nam trước 1975 gọi là Việt văn.

Thời phong kiến, Văn chương chiếm vị trí số một trong chương trình giáo dục lẫn trong làng nghệ thuật giải trí nhưng trong thời đại ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Người ta có nhiều môn để học, có nhiều loại hình nghệ thuật để giải trí nên việc dành ít thời gian cho môn Văn là chuyện bình thường.

Giáo viên cần hiểu điều này để khỏi than phiền học sinh thời nay ít đọc sách văn chương hơn thời xưa. Mục tiêu dạy học Văn phải thích ứng với thời đại, dạy môn Văn là để rèn năng lực cảm thụ, đánh giá và sáng tạo nghệ thuật nói chung.

TS Phạm Ngọc Hiển

Trong quan niệm truyền thống ở Việt Nam và Trung Quốc, khái niệm Văn đồng nghĩa với văn hóa, bao hàm cả văn chương và ngôn ngữ. Có khi người ta dùng “văn” để chỉ văn chương, có khi dùng “văn” để chỉ “tiếng” (Anh văn, Pháp văn, Nga văn, Việt văn, quốc văn.).

Gọi tên môn “Văn” không ổn, gọi môn “Tiếng” không xong, cách gọi tên môn học Ngữ văn là thích hợp. Nó nhắc nhở mục tiêu dạy học toàn diện, không chỉ dạy chữ (ngôn ngữ) mà còn dạy người (văn chương).

Về cấu trúc chương trình, trước đây, ta xây dựng theo hướng kết hợp (combination) với ba phân môn Văn học, Tiếng Việt, Làm văn, cho đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng lối dạy tách rời ba phân môn như vậy ở trường phổ thông.

Tuy nhiên, phần lớn các nước tiên tiến đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp (integration), tức là học chung một sách giáo khoa, lấy trục ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ làm nòng cốt. Nội dung học bao gồm các kiến thức nghe, nói, đọc, viết.

Ngôn ngữ nói và nghe nhìn hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng. Học sinh tham gia diễn kịch thảo luận, nắm được nghệ thuật diễn thuyết (hùng biện). Nói cách khác là học sinh được học cách ăn nói sao cho đạt hiệu quả giao tiếp.

Ngôn ngữ đọc hình thành thói quen đọc văn độc lập, biết đào sâu suy nghĩ về các lớp ý nghĩa và có thể tham gia sáng tạo văn bản. Không chỉ đọc, hiểu mà còn biết nhận xét đánh giá vấn đề và biết cách thực thi văn bản.

Ngôn ngữ viết hình thành cho học sinh kỹ năng viết đúng văn phạm, không chỉ diễn đạt đúng mà còn hay, mang tính nghệ thuật. Học sinh được thực hành viết nhiều loại văn bản, trong đó có văn bản văn chương.

Như vậy, môn Văn không làm thành trục chính nhưng tác phẩm thơ văn, với tư cách là ngữ liệu, vẫn có mặt trong suốt bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Xét về phương diện nội dung, có thể chia môn học Ngữ văn trong nhà trường trung học thành ba cụm kiến thức lớn: Ngôn ngữ, Văn chương và Văn hóa nghệ thuật.

Nhiệm vụ của ngôn ngữ là cung cấp cho học sinh những kiến thức về văn phạm, khả năng giao tiếp và biết viết các loại văn bản. Đây là môn học có tính thực dụng cao, được ứng dụng nhiều trong cuộc sống nên cần phải coi trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chỉ dạy ngôn ngữ theo kiểu lý thuyết hàn lâm chứ ít chú trọng thực hành nên nhiều học sinh Việt Nam thiếu hụt kỹ năng giao tiếp và rất rụt rè trong việc bày tỏ các ý kiến của mình.

Nhiệm vụ của môn Văn chương là cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử văn học, lý luận văn học nhưng quan trọng nhất là kỹ năng phân tích, đánh giá và sáng tạo tác phẩm.

Ở nhiều nước trên thế giới, học sinh không chỉ biết phân tích thơ văn mà còn biết phân tích một vở kịch, bộ phim, một bức tranh, bản nhạc. Trong khi học sinh Việt Nam rất mù mờ trong việc cảm nhận và thẩm bình tác phẩm nghệ thuật.

Ở nước ngoài, có hai cách để dạy cảm thụ tác phẩm văn chương, một là tác phẩm văn chương được đặt vào trong bộ môn Nghệ thuật để dạy chung với mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh. Hai là, văn bản thơ văn sẽ đặt nằm chung với các loại văn bản khác trong bộ môn tiếng mẹ đẻ.

Dù nằm trong môn nào, tác phẩm văn chương vẫn không xa rời các chức năng quan trọng của mình là bồi dưỡng các giá trị Chân - Thiện - Mỹ và hình thành các kiến thức, kỹ năng văn hóa nghệ thuật cho học sinh.

TS Phạm Ngọc Hiển

Mục tiêu dạy học phản chiếu trong phương pháp dạy học

Nhắc đến mục tiêu dạy học cũng phản chiếu trong phương pháp dạy học, TS Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, vấn đề quan trọng cần xác định ở đây là: trong quá trình dạy học Ngữ văn, ai là nhân tố trung tâm: thầy hay trò ?

Nếu quá trình dạy học nhằm hướng tới phục vụ lợi ích của người thầy thì người thầy sẽ không cần sử dụng các phương thức để lấy lòng học trò. Nghĩa là lên lớp thầy chỉ giảng thao thao bất tuyệt cho hết giờ và chờ tới tháng lãnh lương, còn việc trò có thích và có hiểu hay không là không quan trọng.

Nếu như lấy học trò làm trung tâm thì mọi hoạt động giảng dạy phải hướng tới nhu cầu và năng lực của học trò. Nghĩa là thầy phải giảng dạy nhiệt tình, quan tâm tới từng học sinh, biết tôn trọng và lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của học sinh. Những trường nào dạy tốt, học sinh đổ xô vào càng nhiều.

Trong tương lai, khi nền kinh tế thị trường phát triển, vai trò của người của người học sẽ được tăng cường, nhất là học sinh ở các trường tư. Phương pháp dạy học cũng sẽ hướng tới thị hiếu của người học.

Phương pháp nêu vấn đề, đối thoại và trực quan sinh động được đề cao, ý kiến của học sinh được coi trọng khiến cho giờ học sinh động, đầy hứng thú. Những kiến thức hàn lâm xa rời thực tế và lạc hậu sẽ bị gỡ bỏ dần, thay vào những bài học hấp dẫn, gắn bó tới lợi ích thiết thực của học sinh.

“Hiện nay, nhiều giáo viên luôn miệng than phiền học sinh ít đọc sách văn học. Nhưng không biết rằng nhiều học sinh tuy chán học các tác phẩm trong nhà trường nhưng lại thích sưu tầm thơ, đọc nghiến ngấu các tiểu thuyết và rất quan tâm theo dõi thời sự văn nghệ trên báo chí và mạng internet.

Nghĩa là việc dạy học Văn trong nhà trường hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu yêu văn chương của học sinh. Bởi vậy, trong nhà trường, bên cạnh sách giáo khoa Ngữ văn chính thức, còn phải có các chuyên đề tự chọn để học sinh chọn học theo nhu cầu của mình. Quá trình giáo dục phải hướng tới phục vụ các mục đích học tập đa dạng của học sinh” - TS Phạm Ngọc Hiển bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ