Một ASEAN đoàn kết, hợp tác và phát triển

GD&TĐ - Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (12-1998), Chương trình Hành động Hà Nội đã được thông qua, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác Tầm nhìn 2020.

Vì một ASEAN đoàn kết
Vì một ASEAN đoàn kết

Những dấu ấn lớn

Một chặng đường dài đi qua. Việt Nam đa ghi nhận nhiều dấu ấn lớn. Với vai trò Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN (ASC) khoá 34 và ARF, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (AMM 34), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 8 (ARF 8), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước Đông Bắc Á (ASEAN +3), các hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các nước Đối thoại (PMC +10) và với từng nước Đối thoại (PMC +1) và Hội nghị sông Hằng - sông Mê kông vào cuối tháng 7/2001.

Theo nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu, những dấu ấn thời gian tiếp tục khẳng định sự đoàn kết trong cộng đồng, trong đó vai trò của Việt Nam luôn được thể hiện rõ. Điều này đã được thể hiện bằng các hành động và được cộng đồng ASEAN ghi nhận. Hai năm sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực, năm 2010, Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á, bằng cách thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á,  tổ chức lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).

Có thể nói, cùng sự đoàn kết và nhất trí cao của các quốc gia trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã thành công trong các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, EU, Ấn Độ. Hiện nay, Việt Nam đang điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018-2021. Việt Nam cùng với các nước tiếp tục triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN, ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Thái Lan và các nước thành viên nhằm đạt được các ưu tiên đề ra cho năm 2019.

Việt Nam đã và đang tiếp tục tập trung nguồn lực cho triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột (Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội); tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đoàn kết và trách nhiệm

Có thể nói, Việt Nam đã và đang tham gia và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thông qua Tài liệu “Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” giúp hình thành lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở phù hợp với trên cơ sở các giá trị, nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của ASEAN. Cùng với các nước ASEAN tham gia tích cực và xây dựng trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2020 Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này kể từ khi gia nhập. Năm nay Việt Nam cũng đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Những nỗ lực to lớn của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đóng góp không chỉ tiếng nói của mình mà còn đại diện cho cả Cộng động ASEAN ở một diễn đàn quốc tế quan trọng là Liên hiệp quốc.

Đó là một năm đặc biệt với cả ASEAN và Việt Nam. Sau sự thành thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN và ASEAN +3 về ứng phó với COVID-19. Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao vai trò dẫn dắt và sự năng động của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam phát huy tốt vai trò dẫn dắt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã một lần nữa ghi thêm những đóng góp kịp thời, thiết thực của Việt Nam. Những nỗ lực to lớn này đã khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của Việt Nam trong phát triển bền vững và bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2020, thêm một dấu ấn thành công của ASEAN. Với ưu tiên trải rộng trên toàn bộ các lĩnh vực trọng tâm của ASEAN, các hoạt động đã thể hiện rõ mục tiêu là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” và 5 ưu tiên: phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ