Theo chuyên gia Nga Sergey Marzhetsky, bầu trời Ukraine đang ngày càng nóng hơn khi Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho chính quyền Kiev những chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện đại của phương Tây, khiến cuộc chiến trên không phận Chiến dịch Quân sự Đặc biệt sẽ trở nên cực kỳ căng thẳng.
Theo một số nguồn tin, việc không có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi vượt qua ranh giới đỏ của “các đối tác phương Tây” đã dẫn đến việc chính quyền Kiev đã cho lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên của Mỹ chạy thử nghiệm. Vậy Nga sẽ phải phản ứng thế nào?
Nếu nghiên cứu kỹ những gì đang diễn ra, có thể thấy rõ là khối NATO muốn dựa vào một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài mà họ dự định Nga “không có cơ hội chiến thắng”.
Bất kỳ lợi thế nào xuất hiện đối với Lực lượng Vũ trang Nga đều ngay lập tức được bù đắp bởi kho vũ khí phương Tây và những biện pháp mà họ sử dụng để giúp đỡ chính quyền Kiev.
Khó khăn từ các hệ thống phòng không NATO
Sau giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đáp trả sự xuất hiện của UAV Shahed (Geran-2) của Iran tại Nga bằng cách chuyển giao các hệ thống phòng không từ cổ lỗ đến hiện đại cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Các hệ thống MANPADS phương Tây ban đầu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Nga |
Lực lượng hàng không lục quân và không quân Nga đã chịu khá nhiều tổn thất trong giai đoạn đầu của Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, do một số lượng lớn các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) và hệ thống phòng không kiểu NATO đã được “các đối tác phương Tây” chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong giai đoạn này, do Nga thiếu bom dẫn đường chính xác nên phải sử dụng các loại bom thông thường để tấn công các vị trí ở độ cao thấp, dẫn đến tổn thất về máy bay chiến đấu và trực thăng.
Tuy nhiên, khoảng một năm rưỡi sau khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt, tổ hợp công nghiệp quân sự trong nước đã thành thạo việc sản xuất bom với các modul dẫn đường hoặc thiết bị hiệu chuẩn mục tiêu, cho phép thực hiện các cuộc không kích mà không cần đi vào vùng tác chiến của các hệ thống phòng không Ukraine.
Phương Tây lại tiếp tục cung cấp thêm vũ khí và các phương tiện cho một chiến thuật tấn công mới.
Chẳng bao lâu sau, quân đội Ukraine đã có được nhiều loại máy bay không người lái cả ở trên không, các tàu thuyền không người lái trên biển và thậm chí cả dưới nước.
Điều này tiếp tục đúng với các máy bay có người lái, với sự hiện diện của các chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon.
Tàu thuyền không người lái của Ukraine đã gây hư hại cho nhiều tàu chiến Nga |
Đáp trả mối nguy hiểm từ chương trình “Frankensteinization”
Mọi việc tưởng chừng như đang diễn ra suôn sẻ với Nga nhưng cùng lúc đó, hàng không Ukraine bắt đầu tiếp nhận tên lửa của phương Tây, bắt đầu từ tên lửa hành trình tầm xa chống radar AGM-88 HARM của Mỹ, được tích hợp và phóng từ máy bay chiến đấu Liên Xô MiG-29 của Ukraine.
Là một phần của chương trình “Frankenstein hóa” (Frankensteinization, chương trình phát triển vũ khí lai giữa Liên Xô và phương Tây, phục vụ cho Quân đội Ukraine), chính là chương trình đã đưa ra phương pháp tích hợp loại tên lửa kiểu NATO cho máy bay Su-24 và MiG-29 của Liên Xô.
Sản phẩm thứ hai của phương Tây gây khó khăn lớn cho Nga là ALCM (tên lửa hành trình phóng từ trên không, Air-Launched Cruise Missile), điển hình là tên lửa Storm Shadow của Anh và SCALP (phiên bản Pháp của Storm Shadow).
Việc đánh chặn các tên lửa này phức tạp hơn do độ cao lớn và vận tốc nhanh của máy bay, cùng với sự linh hoạt và tốc độ cao của tên lửa.
Mối đe dọa do ALCM của Anh-Pháp kết hợp với tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ và các tàu xuồng không người lái trên Biển Đen đã nhiều lần làm ngưng trệ hoạt động của cầu Crimea (cầu Kerch) và các giàn khoan trên Biển Đen, gây hư hại nghiêm trọng cho nhiều chiến hạm của Nga.
Tích hợp tên lửa NATO lên chiến đấu cơ Liên Xô của Ukraine là một phần trong kế hoạch Frankensteinization |
Nguy cơ nghiêm trọng và khó giải quyết đến mức Bộ Quốc phòng Nga buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là phân tán hầu hết các tàu mặt nước của Hạm đội Biển Đen khỏi căn cứ hải quân chính Sevastopol ở Crimea đến các căn cứ ở ven bờ phía đông Biển Đen.
Sự đáp trả của Nga với chương trình “Frankenstein hóa”
Nga đã đáp trả bằng cách đánh trực tiếp vào các phương tiện mang phóng các loại tên lửa NATO, tức là các chiến đấu cơ Ukraine.
Vào nửa cuối tháng 10 năm 2023, báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga cho biết có tới 24 máy bay Ukraine bị bắn rơi chỉ trong 5 ngày.
Giới chuyên gia tuyên bố rằng, thành công tuyệt vời như vậy đã đạt được nhờ sự tương tác giữa hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumph và máy bay chỉ huy cảnh báo sớm (AWACS) A-50U, cỗ radar cơ động trên không sẽ cung cấp dữ liệu để chỉ định mục tiêu cho tên lửa phòng không.
Với phương pháp này, Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga đã sử dụng tên lửa có đầu dẫn đường được sửa đổi để tiêu diệt máy bay đối phương.
Câu hỏi duy nhất là liệu chúng chỉ là tên lửa đất đối không, tên lửa không đối không riêng rẽ hay là sự kết hợp của cả hai.
Như vậy, đóng góp quyết định là do máy bay AWACS A-50U thực hiện, nhưng Nga thực sự có rất ít loại “radar bay” này và chúng phải được biên chế đều trên khắp các vùng lãnh thổ đất nước, không thể tập trung toàn bộ cho khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt.
Các vụ tấn công hỗn hợp của Ukraine đã khiến cầu Crimea nhiều lần ngừng hoạt động |
Hơn nữa, loại máy bay này chế tạo rất phức tạp, thời gian phải tính bằng vài năm nên không thể một sớm một chiều cung cấp thêm cho lực lượng phòng không-không quân Nga.
Một vấn đề nan giải khác là từ trước đây, những chiếc A-50U đồn trú trên lãnh thổ Belarus đã trở thành mục tiêu tấn công phá hoại của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong thời điểm hiện nay, phương Tây đã cung cấp cho Kiev những loại vũ khí tầm xa mạnh mẽ, A-50U sẽ dễ bị tấn công hơn.
Đáp trả chiến thuật dùng F-16 săn AWACS A-50U
Trong thời điểm hiện nay, có một vấn đề quan trọng mà lực lượng vũ trang Nga phải giải quyết, đó là bảo vệ số máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm của mình ở trên không, trước sự săn đuổi của các chiến đấu cơ phương Tây.
Giới truyền thông đưa tin rằng, một số máy bay chiến đấu F-16 thế hệ thứ 4 của Mỹ đã được chuyển giao tới lãnh thổ Ukraine.
Đây có thể là lô thử nghiệm và máy bay sẽ được chuyển sang dưới dạng tháo rời, sau đó được lắp ráp từ các bộ dụng cụ tại Nhà máy sửa chữa máy bay Lviv, dưới sự bảo vệ của hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nhiều lớp.
Trong tương lai, Su-57 Nga sẽ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ AWACS A-50U |
Theo các chuyên gia quân sự Nga, không khó để đoán được nhiệm vụ nào đang được đặt ra cho số máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của Mỹ, mục tiêu ưu tiên của số F-16 này sẽ là tiêu diệt số lượng ít ỏi máy bay AWACS A-50U, nhằm vô hiệu hóa lợi thế trên không của Nga.
Thêm vào đó, các đối tác phương Tây sẽ sử dụng số máy bay này để xem xét phản ứng từ Điện Kremlin và trong trường hợp phản ứng của Nga được cho là “yếu ớt”, họ sẽ bắt đầu liên tục tăng khối lượng cung cấp máy bay tấn công đáp ứng đủ nhu cầu của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Một thông điệp khác liên quan đến việc trang bị cho máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ năm của Nga một số tên lửa không đối không tầm xa mới, được cho là có khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu “ngoài tầm nhìn của chiến đấu cơ Ukraine, ngoài vùng phòng không hiệu quả của Ukraine và không thể đánh chặn được”.
Tên của chúng cũng như các đặc tính hiệu suất chính xác không được tiết lộ, nhưng được biết tên lửa được trang bị động cơ phản lực cỡ nhỏ và có thể đặt bên trong khoang vũ khí ở bụng máy bay.
Nhờ đó, Su-57 sẽ duy trì được lợi thế về khả năng tàng hình trước radar của NATO.
Rất có thể loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Sukhoi đã có đóng góp lớn cho “chiến dịch truy sát” tháng 10, khi hoạt động song song cùng với A-50U.
Và giờ đây, nó sẽ phải kiêm nhiệm thêm một nhiệm vụ nữa đó là: Bảo vệ “radar bay” A-50 và tổ chức truy lùng F-16 Mỹ trên bầu trời Ukraine.