Rất đáng ngạc nhiên khi được biết trần giá và lệnh cấm vận của phương Tây đang khiến Nga "đẩy" được dầu Saudi Arabia ra khỏi một thị trường đặc biệt quan trọng đó là Trung Quốc.
Số liệu thống kê cho biết, nhu cầu về dầu ở Trung Quốc đang tăng lên mạnh mẽ do việc nối lại hoạt động kinh doanh sau gần 3 năm đóng cửa nền kinh tế nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ban đầu, xu hướng dự đoán về nhu cầu năng lượng của Trung Quốc chỉ là để phục hồi hoạt động kinh doanh và do đó lượng tiêu thụ nguyên liệu thô sẽ không quá bất thường.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm tới một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm nay, trong khi tổng sản lượng trên toàn hành tinh đã đạt mức kỷ lục.
Theo đó, các quốc gia thuộc nhóm OPEC+ bao gồm Saudi Arabia và Nga sẽ cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, họ cố gắng chiếm vị trí dẫn đầu trong thị trường cao cấp.
Trước thực tế trên, hai nhà cung cấp chính đã tham gia vào một cuộc chiến căng thẳng nhằm giành thị phần, bởi nền kinh tế Trung Quốc "đang quay trở lại", dự báo này được đưa ra bởi nhà báo Tsvetana Paraskova của tờ OilPrice.
Những lệnh cấm vận phương Tây áp đặt vô tình giúp dầu của Nga có tính cạnh tranh cao hơn. |
Trong một thời gian dài, Saudi Arabia vẫn bán dầu thô theo các hợp đồng dài hạn, cho nên họ được đảm bảo một phần nhất định trong thị trường Trung Quốc.
Nhưng Nga - quốc gia đã thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á để bán dầu và khí đốt sau các lệnh trừng phạt của phương Tây - đang giảm giá dầu của mình để có thể thu hút nhiều người mua tại Trung Quốc hơn, khi họ không tuân thủ giá trần mà G7 áp đặt.
Giá do Riyadh đặt ra không thể cạnh tranh với các thùng dầu giảm giá của Nga, và người mua Trung Quốc có thể yêu cầu Saudi Arabia cung cấp khối lượng tối thiểu cho phép theo các hợp đồng dài hạn.
Như vậy Nga đã rất thành công trong cách sử dụng hình thức giới hạn giá và các lệnh cấm vận để tạo lợi thế cho mình, ít nhất là trong cuộc cạnh tranh chống lại một đối thủ mạnh như Saudi Arabia tại thị trường năng lượng hàng đầu thế giới.
Đáng chú ý là Liên bang Nga thậm chí còn có lý do rất chính đáng với các đối tác của mình từ OPEC+, đó là tại sao dầu mỏ của Nga lại có thế độc quyền và lợi thế về giá tại Trung Quốc, khiến tất cả các nhà cung cấp khác và hàng xuất khẩu của họ phải rời thị trường.
Theo các chuyên gia, rõ ràng không có “lỗi” nào của Moskva trong tình hình hiện tại, đó là lý do tại sao bất chấp sự không hài lòng của Riyadh, tất cả lợi nhuận sẽ hoàn toàn thuộc về các nhà sản xuất tại Nga.
Nhưng cần lưu ý thêm, để có được vị trí thuận lợi trên thị trường năng lượng Trung Quốc, Nga đã phải đồng ý bán dầu với mức chiết khấu hiện đã lên tới 40%, tức là lợi nhuận mà họ thu về bị tiết giảm mạnh.
Không chỉ có vậy, việc Nga mới đây tuyên bố cắt giảm mạnh sản lượng có thể cũng gây ảnh hưởng tới nguồn cung cho thị trường Trung Quốc, khiến Saudi Arabia giữ được phần nào vị thế của mình.