Nhà xen đá
Monsanto thuộc giáo xứ Monsanto e Idanha-a-Velha, quận Castelo Branco (Bồ Đào Nha). Làng rộng gần 132 km2 và có khoảng 800 dân. Vị trí của Monsanto khá gần đường biên giới với Tây Ban Nha, chỉ cách tầm 25km.
Điểm cao nhất của Monsanto là ngọn đồi cùng tên, 758m. Nó được cấu thành bởi đá granit, bề mặt nổi đầy các tảng đá nhiều kích thước, đủ các hình thù.
Đá granit dễ tạo tác. Từ hàng ngàn năm về trước, cư dân Monsanto đã định cư trên đồi Monsanto. Họ khéo léo tận dụng các tảng đá tự nhiên trong lúc xây dựng nhà cửa (ví dụ như làm mái, tường…), dần dà biến Monsanto thành làng nhà xen đá.
Ngày nay, Monsanto là tập hợp của những kiến trúc xây trên, dưới, trong, giữa… các tảng đá. Lối vào làng là con đường lát đá cuội, dẫn lên đỉnh đồi nhấp nhô nhà hợp nhất với đá tảng khổng lồ, có tảng ước tính nặng 200 tấn.
Toàn bộ các ngôi nhà ở Monsanto đều lợp mái màu đỏ. Để phối hợp với đá granit, cư dân Monsanto trang trí tường đồng màu. Sự kết hợp giữa tự nhiên và nhân tạo ở đây “mịn” đến nỗi “tuy 2 mà 1”. Người Monsanto thường hỏi đùa du khách, đố biết ngôi nhà trước mặt là nhà trong đá hay đá trong nhà?
Thị trấn độc đáo nhất
Theo tư liệu từ Monsanto, các ngôi nhà xen đá cổ nhất có tuổi thọ lên tới 500 năm. Hiện, nó không khác bao nhiêu so với lúc mới được làm, trừ đồ đạc nội thất.
Từ năm 1938, Monsanto đã được bình chọn là “Di sản độc đáo nhất Bồ Đào Nha”. Yếu tố khiến nó giành danh hiệu này là dáng vẻ cổ kính kiêm lịch sử ấn tượng.
Trong Monsanto lưu giữ dấu vết sự hiện diện của con người từ thời kỳ đồ đá sớm (cách đây khoảng 3 triệu năm). Nhờ vị trí mang tính chiến lược, nó liên tục bị các dân tộc cổ - trung đại giành giật. Họ bao gồm người La Mã, Visigoth, Ả Rập…
Thế kỷ XII, Afonso Đệ nhất (? – 1185) của Bồ Đào Nha chiếm Monsanto từ tay người Moor và cải giáo, xây dựng pháo đài. Thế kỷ XIX, pháo đài Monsanto sụp đổ vì nổ kho đạn.
Sau năm 1938, Monsanto được xếp trong diện “di tích sống”, hạn chế xây dựng làm tác động đến cảnh quan. Nhờ vậy, diện mạo của nó được giữ gìn triệt để.
Lo ngại biến mất
Tuy cao gần 1.000m so với mực nước biển, địa hình Monsanto rất dốc và gập ghềnh. Các con đường liên tiếp bị đá tảng chặn, phải vòng vèo, khiến ô tô, xe máy không đi vào được.
Cư dân Monsanto khi di chuyển chỉ có duy nhất một giải pháp là đi bộ. Họ nổi tiếng có thói quen đi chậm, thường xuyên dừng chân nghỉ mệt ven đường. Khi cần vận chuyển đồ đạc nặng, người Monsanto nhờ vào sức động vật, chủ yếu là lừa, bò.
Sinh kế ở Monsanto phụ thuộc vào chăn nuôi. Trên các con đường dốc, chật hẹp của nó xuất hiện nhiều chuồng trại gia súc, gia cầm. Chúng được xây dựng cùng cách với nhà ở, tức là tận dụng và đục đẽo đá.
Truyền thuyết Monsanto lưu truyền, ngôi làng từng một lần thoát nạn nhờ gia súc. Nó xảy ra trong chiến tranh, khi Monsanto bị vây hãm suốt 1 năm. Cả làng chỉ còn đúng 1 con bò và 1 túi lúa mì. Mọi người quyết định nhịn ăn, dùng chỗ lương thực cuối cùng vỗ béo con bò.
Con bò ăn hết chỗ lúa mì thì béo phổng phao. Cư dân Monsanto quăng nó từ trên pháo đài xuống, nhắm rơi trúng chỗ kẻ thù đóng quân. Kẻ địch bao vây nhìn thấy xác con bò mỡ màng, căng sữa thì tưởng người dân Monsanto vẫn no đủ nên đành rút quân.
Kể từ sự kiện này, cứ tháng 5 hàng năm, người Monsanto lại tổ chức Lễ hội Festa da Divina Santa. Tất nhiên, họ không quăng bò mà đổi lại bằng nghi thức tung hoa.
Bắt đầu từ thế kỷ XX, cư dân Monsanto chuyển dần xuống chân đồi, nơi xe cộ có thể tiếp cận. “Chúng tôi muốn bảo vệ ngôi làng, nhưng cũng muốn tận hưởng các tiện ích hiện đại”, cư dân Maria Amélia Mendoça Fonseca chia sẻ. Một số cư dân Monsanto mở hàng quán, tiệm cà phê, nhà nghỉ… Họ kéo Internet, phủ nhịp sống số rộng khắp.
Hiện, trên đỉnh đồi Monsanto chỉ còn khoảng 100 dân. Nhiều người lo ngại, nửa trên cao sẽ dần bị bỏ hoang. Thiếu bàn tay con người chăm sóc, các kiến trúc sẽ mai một, thậm chí sớm sụp đổ.
Khoảng 20 năm trở lại đây, đa phần người leo lên đỉnh Monsanto là du khách. Bồ Đào Nha đặt hy vọng duy trì nửa trên cao của Monsanto vào số lượng người tham quan. Nếu họ ngày càng đông, các cư dân sẽ bị hút lên. Có điều nếu ngược lại, Monsanto không tránh khỏi số phận “chết một nửa”.