Mong ước “Trường học an toàn”

GD&TĐ - Hai vụ tai nạn trường học liên tiếp trong tuần qua với các em nhỏ làm đau lòng các bậc cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý giáo dục. Một năm học mới sắp bắt đầu, chỉ mong – mà không, phải chắc chắn để các em thật sự có một năm học an toàn, vui vẻ, bổ ích.

Mong ước “Trường học an toàn”

Vụ việc bé trai lớp một tử vong trên xe bus Trường Gateway thực sự là cú sốc lớn. Ngày đi học thứ hai của bé, nét sổ còn chưa kịp thẳng thớm, đã khép lại mãi những trang tập viết, khép lại nguyên một cuộc đời. Sự việc xảy ra với một trường học tự nhận là “quốc tế” ngay giữa Thủ đô Hà Nội, với học phí bằng thu nhập của cả một hộ gia đình công nhân mỗi năm, càng khiến dư luận phẫn nộ.

Còn ở một xã nhỏ thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tại một trường mầm non tư thục, cô giáo mầm non đổ cồn vào mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm đã khiến lửa tạt làm bỏng nặng 3 em bé từ 3 - 5 tuổi. Sự việc quá trớ trêu: Cô dạy trẻ kỹ năng sống nhưng các cô lại quá thiếu.

Dù học trường “xịn” hay trường làng, cuộc sống của mỗi đứa trẻ đều quý giá như nhau, sự xót xa của mỗi bậc cha mẹ khi chứng kiến thương tích, tính mạng của con mình bị đe dọa, tước đoạt là như nhau. Trường học, tưởng là nơi an toàn nhất, hóa ra lại quá nhiều nguy cơ với các em học sinh. Và trong mọi trường hợp, tai nạn với trẻ đều do sự cẩu thả, vô trách nhiệm, sai lầm của người lớn.

Thường thì “việc đã rồi”, chúng ta mới nhìn lại những sai lầm đó. Nếu trường “quốc tế” kia có quy định chặt chẽ về quy trình đưa đón trẻ, trách nhiệm của từng người liên quan. Nếu giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh được liên lạc trực tiếp với nhau mà không phải qua một phần mềm vô cảm nào đó. Nếu các cô giáo mầm non kia được đào tạo đến nơi đến chốn về kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Nếu trường mầm non quản lý chặt chẽ về chương trình, năng lực giáo viên… Hàng loạt chữ “nếu”, có điều tai nạn đã xảy ra rồi, chẳng có gì bù đắp nổi sự đau xót của các bậc cha mẹ có con gặp nạn.

Tai nạn trường học hầu như năm nào cũng xảy ra. Tháng 4/2019, một học sinh lớp 6 ở Hải Dương bị chiếc cột nhảy cao có đinh cắm vào đầu. Những năm trước đây là các vụ cổng trường đổ, tủ đựng chăn màn đổ đè lên người học sinh, học sinh ngã từ cầu thang hoặc lan can tầng cao xuống, rồi điện giật, rồi các vụ bỏng cồn khác trong lớp... Học sinh nhiều em hiếu động, chưa đủ nhận thức, chỉ có người lớn không thận trọng, không sâu sát nắm bắt tình hình, đề phòng nguy cơ từ các vật dụng trường sở, không thực hiện đầy đủ các quy định, quy tắc an toàn.

Nhìn rộng hơn, liệu chúng ta đã có những chương trình đào tạo thiết thực và hợp lý cho giáo viên, nhân viên trường học về an toàn trong nhà trường hay chưa? Đã có những quy định cụ thể và toàn diện về từng khâu, từng hạng mục, từng nhân sự trong nhà trường hay chưa, và có giám sát chặt chẽ việc thực thi? Không chỉ tai nạn trong trường học, mà nguy cơ với trẻ nhỏ xảy ra mọi nơi, trong nhà, đi ra đường, đi bơi, đi chơi…

Sau vụ trường “quốc tế”, báo chí cho thấy các nước có quy định rất chi tiết về xe bus trường học, từ màu sắc, cửa sổ, ghế bọc đệm mềm... dài hàng trang. Có những quy định tưởng như cẩn thận đến “lẩm cẩm” nhưng lại vô cùng cần thiết, còn người lớn, phải cư xử bằng tất cả trách nhiệm, bằng tất cả sự yêu thương, để chúng ta không bao giờ phải nói câu ân hận với trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.