Dù ca Huế có vang danh khắp trời Nam, đất Tây nhưng cách đối xử với Châu Hương Viên nơi cụ Ưng Bình sống trọn cuộc đời với thi ca, với những câu hò Huế sau khi rời quan trường là một nỗi buồn đáng trách. Đặc biệt là đối với những người làm công tác quản lý văn hóa xứ này.
Ký ức của cô gái xóm Giếng Chùa
Cũng như bao đứa trẻ ngày trước ở xóm Giếng Chùa, phường Thủy Xuân (TP Huế), thế hệ những người như chị Nguyễn Thị Thùy Trang chỉ biết cụ Ưng Bình qua những giai thoại. Dấu ấn ghi đậm trong ký ức của cô bé ở xóm Giếng Chùa là Khu lăng mộ của vợ chồng cụ nằm trên đồi cao, nơi lũ trẻ trong xóm thường đến chơi đùa, tinh nghịch.
Chị Trang nhớ lại: Trên tấm bia mộ của cụ Ưng Bình có khắc hai câu thơ thậm chí những trẻ xóm Giếng Chùa bây giờ đã khôn lớn, hoặc có người đã đi rất xa nhưng ai cũng thuộc nằm lòng “Rượu có mùi hương nên uống mãi. Thi là thuốc bổ cứ ngâm thơ”.
Khi lớn lên, bắt đầu biết đến những tác phẩm của cụ Ưng Bình cũng là lúc chị chứng kiến những điều xót xa, không tưởng. Nhớ lại buổi trưa mùa xuân năm 2016, chị Trang cùng nhóm bạn về thăm lại Châu Hương Viên - mái nhà lúc cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã từng sống ở kiệt 355 đường Nguyễn Sinh Cung, xã Phú Thượng.
Hình ảnh đầu tiên tiên đập vào mắt là căn nhà xưa hoang tàn, vắng chủ. Trong nhà cỏ mọc um tùm, chỉ có một bát nhang và cây đèn dầu khô cạn. Chị bật khóc bởi “Nhà của một thi nhân nổi danh văn đàn xứ Huế một thời đây ư. Ngôi nhà biết bao thi nhân, khách trà thơ đối ẩm giờ như thế này”.
Nhìn vào những chiếc cột to tròn dù mối mọt đã tàn phá đi nhiều nhưng vẫn toát lên một vẻ quý phái cao sang. Hướng tới án thờ là một chiếc bàn cao nhưng hương khói lạnh tanh tự lúc nào.
Thành kính thay hương hoa lễ cụ, chị Trang thầm cầu xin (mà hình như mỗi lần đến đây chị vẫn thầm khấn xin như thế): “Nếu có một phép màu, để nơi này được nhiều người quan tâm đến. Vì những ngôi nhà cổ xưa như Châu Hương Viên là cái hồn của xứ Thần Kinh. Nếu không bảo tồn thì có lẽ một ngày không xa chúng ta sẽ mất rất nhiều”, chị Trang ước nguyện.
Một cách tự nhiên, rồi chẳng ai bắt buộc, địa chỉ ngôi nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị từ đó trở thành thân thuộc với chị Trang. Không đợi đến ngày đơm, tháng kỵ, những lúc công việc gia đình, buôn bán được thu xếp xong, chị âm thầm lặng lẽ về dọn dẹp bài thờ, thắp nhang viếng cụ.
Lộc Minh đình, nhà riêng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị tọa lạc trong “Châu Hương Viên” giờ đổ nát, hoang tàn. Ảnh: T.G. |
Bao giờ mới hồi sinh?
Sau biết bao lần “giẫm đạp” lên những viên ngói bể nát, xót lòng trước cảnh hoang tàn của Châu Hương Viên, chị Trang đã giãi bày trên Facebook cá nhân. Chị nghĩ mình sức mọn, chẳng thể nào làm được gì nhưng vẫn luôn ao ước Châu Hương Viên được sống lại với nét văn hóa đậm hồn Huế ngày xưa.
Cũng thật may mắn khi nỗi lòng đau đáu về Châu Hương Viên qua Facebook của chị được nhà thơ Võ Quê (Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng - Nhà văn hóa Huế) đồng cảm. Thế là xắn tay áo, mỗi người một việc, chị Trang tự mình tìm lại di ảnh của cụ Ưng Bình rồi âm thầm bỏ bát nhang mới lên bàn thờ thắp hương.
Trong lúc đó, nhà thơ Võ Quê tất bật liên lạc với những người có trách nhiệm của ngành văn hóa cùng gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (con gái út cụ Ưng Bình) để trao đổi đưa ra ý tưởng hồi sinh Châu Hương Viên.
Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế chia sẻ: “Dịp Tết Kỷ Hợi vừa rồi tôi vào Sài Gòn gặp đại diện gia đình bà Tôn Nữ Hỷ Khương, mọi người đều nhất trí giao Châu Hương Viên lại cho tỉnh tu sửa thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa của Huế, nơi có thể tổ chức những buổi sinh hoạt thơ, chương trình biểu diễn ca Huế.
Chúng tôi sẽ đồng hành cùng gia đình trong nỗ lực kêu gọi sự chung tay của chính quyền, các ban, ngành liên quan để mong ước ấy trở thành hiện thực”. Nếu thực hiện tốt, đây không chỉ là địa chỉ văn hóa tổ chức các hoạt động biểu diễn của các CLB thơ, các CLB ca Huế… mà còn có thể khai thác thành tour phục vụ du khách
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế cho biết: Ngành văn hóa đã trao đổi với gia đình của bà Tôn Nữ Hỷ Khương về thủ tục bàn giao khuôn viên Châu Hương Viên để địa phương tiếp nhận.
Đồng thời, sở cũng tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá lại toàn bộ công trình để có kế hoạch tu sửa lâu dài. Trước mắt, có giải pháp chống mối mọt và chống đỡ ngôi nhà để không bị ảnh hưởng bởi mưa bão.
Từ câu hò mái nhì bên bến Văn Lâu đã lan tỏa, vọng nhân khắp mấy trời Âu Á, người ở nhà, kẻ ở phương xa, khách du lịch… Cũng chính nhờ những nội dung từ làn điệu hò ca Huế của cụ Ưng Bình mà sinh hoạt ca Huế của người dân Huế được duy trì, phát triển tới ngày nay.
Lời ca đã làm cho những vòng tay nối rộng nghĩa tình và niềm nhân ái giữa người với người tri kỷ. Sự sâu sắc, thâm trầm trong lời ca của thi nhân đã nâng tầm cho ca Huế, tiêu biểu là bài ca Huế nổi tiếng như Đêm Thất tịch (Tứ đại cảnh sáng tác 1923), Phong cảnh và nhân vật Vỹ Dạ (Cổ bản), Đầu lạ sau quen (Nam Bình).
Dù là một thi nhân nổi bật của xứ Huế nhưng đến nay việc hồi sinh Châu Hương Viên, nơi ông đã sống, vẫn là một câu chuyện đang còn “dở dang”.
Mới đây vào sáng ngày 12/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến thăm Châu Hương Viên.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có phương án trùng tu địa chỉ văn hóa Châu Hương Viên khi chứng kiến di tích này xuống cấp nghiêm trọng. Hy vọng, một ngày không xa, Châu Hương Viên sẽ thực sự hồi sinh.