Mỗi trường chỉ có một bộ sách giáo khoa bản in để đọc thẩm định. Thời gian tiếp cận sách bản in ngắn, giáo viên chia nhau đọc bên cạnh công việc chuyên môn… Tất cả tạo nên những áp lực cho hội đồng lựa chọn sách ở cấp cơ sở và tỉnh/thành.
Để chọn sách hiệu quả
Cô Đoàn Thị Kiều Hạnh, chủ nhiệm lớp 3/8, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sẽ tham gia cùng những thầy cô dự kiến đứng lớp khối 4 năm học tới để lựa chọn sách cấp trường. Trước đó, Hè năm 2022, cô Kiều Hạnh cũng nằm trong Hội đồng thẩm định lựa chọn sách giáo khoa lớp 3.
“Sách về muộn, giáo viên thẩm định ở cấp trường chỉ có khoảng 2 tuần trong khi mỗi bộ chỉ có 1 bản. Giáo viên phải đổi chéo nhau để đọc, so sánh giữa các bộ sách và đối chiếu với cả sách giáo khoa hiện hành để tìm ra ưu điểm của từng bộ…”, cô Hạnh thông tin.
Từ thực tế của lần tham gia chọn sách giáo khoa trước, cô Kiều Hạnh mong muốn các nhà xuất bản gửi sách cho các trường đầy đủ và sớm. Mỗi nhà trường cần nhiều hơn một bản in để thuận lợi cho Hội đồng thẩm định lựa chọn.
Mong muốn của cô Kiều Hạnh cũng là nguyện vọng chung của nhiều giáo viên tham gia thẩm định, lựa chọn sách ở cả cấp trường và cấp tỉnh/thành phố. Cô Lê Thị Kim Bông - Tổ trưởng Tổ Hóa, Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) - cho biết, giáo viên chỉ có khoảng 10 ngày để nghiên cứu sách ở tất cả các bộ. Dù có nhiều, nhưng bộ sách được lựa chọn vẫn là tài liệu chính thống nhất, giáo viên sẽ dựa vào đó để tổ chức dạy học là chủ yếu.
“Trong khi đó, ở bậc THPT, các kiến thức đã đi vào chuyên sâu, hàm lượng thông tin khoa học nhiều. Giáo viên phải đọc, ghi chú lại, thậm chí tham khảo thêm nhiều tài liệu khoa học khác hay trao đổi với chuyên gia để có sự lựa chọn chính xác. Với khoảng thời gian 10 ngày, mà vẫn phải kiêm những công việc chuyên môn khác của trường, giáo viên sẽ khó “thẩm thấu” hết các bộ sách để có sự lựa chọn hợp lý…”, cô Lê Thị Kim Bông - đã tham gia lựa chọn sách ở cấp trường và nằm trong Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa môn Hóa học lớp 10 cấp tỉnh - trao đổi.
Chính vì thời gian tiếp cận sách ngắn, nên thầy Lê Tuấn Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho rằng, ở cấp trường, chỉ cần một số giáo viên chủ chốt thay vì toàn bộ giáo viên trong tổ chuyên môn tham gia thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa như hiện nay. “Mỗi giáo viên trong tổ chuyên môn sẽ nhận xét trước, sau đó tổ thống nhất. Tuy nhiên thời gian gấp, lại chỉ có một bản sách/bộ nên không đủ cho từng người đọc kỹ. Vì vậy, đa phần tổ trưởng là người đọc và đưa ra ý kiến chủ yếu…”.
Với cách làm này, theo nhận xét của thầy Tuấn Anh, nhiều giáo viên sẽ có cảm giác nhà trường giao thêm việc, dẫn đến tâm lý làm cho xong chứ không dành nhiều thời gian, tâm huyết để đọc, nghiên cứu, đối sánh. Khi thành lập một nhóm giáo viên lựa chọn sách, Ban giám hiệu sẽ bố trí nhân lực để giảm bớt tiết dạy cho họ nhằm đảm bảo hiệu quả công việc.
Từ góc độ chuyên môn, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cũng chỉ ra, sự tham gia của một số giáo viên lớp dưới vào Hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ giúp giáo viên lớp trên nắm bắt kiến thức, mức độ yêu cầu… đảm bảo liền mạch.
“Ví như ở lớp 4, môn Tiếng Việt thì luyện từ và câu, tập làm văn riêng nhưng ở lớp 1, 2, 3 lại chung, trong đó có các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Hoặc với lớp 2, 3 của Chương trình GDPT 2018 có mục đọc báo. Đây là những điểm mới của chương trình, sách giáo khoa. Giáo viên toàn trường đã được tập huấn Chương trình tổng thể nhưng cụ thể từng đơn vị khối lượng kiến thức, mức độ yêu cầu mỗi lớp thì khi tiếp cận sách mới nắm được. Vì vậy, giáo viên tham gia chọn sách cần sự kế thừa, khối dưới truyền đạt lại khối trên…”, cô Thu Nguyệt nêu ý kiến.
Phụ huynh Đà Nẵng tiếp cận sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018 để tham gia lựa chọn sách. Ảnh: TG |
Cần phản hồi từ nhà xuất bản
Tham gia từ khâu góp ý đến lựa chọn sách, qua gần một năm dạy học chương trình - SGK lớp 10, cô Lê Thị Kim Bông cho rằng, các nhà xuất bản cần phản hồi cho giáo viên sau những góp ý về sách giáo khoa. “So sánh bản mẫu và sách giáo khoa chính thức thì gần như những góp ý chỉ được nhóm biên soạn và nhà xuất bản điều chỉnh chủ yếu lỗi chính tả và kỹ thuật…”, cô Kim Bông nhận xét.
Những giáo viên tham gia góp ý từ sách giáo khoa bản mẫu đều mong muốn các nhà xuất bản gửi bản tổng hợp phản hồi để giáo viên nắm bắt. “Chúng tôi không biết những góp ý của mình đi đến đâu, nhóm tác giả có đọc hay không. Dù việc góp ý không có thù lao nhưng giáo viên đảm nhận công việc đều làm hết sức tâm huyết với mong muốn có bộ sách đạt chuẩn, không có “sạn” nhưng lại không hề nhận được phản hồi hay một lời cảm ơn…”, cô Bông thẳng thắn bày tỏ.
Đây cũng là mong muốn của thầy Nguyễn Văn Tuấn – Tổ trưởng Tổ chuyên môn Sử - Địa, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng): “So sánh giữa sách giáo khoa lớp 6 qua 2 năm học thì gần như những thay đổi, điều chỉnh không đáng kể so với lượng ý kiến góp ý mà giáo viên từ cơ sở gửi về nhà xuất bản. Chúng tôi có cảm giác những góp ý của mình trôi vào im lặng...”.
Trong khi đó, cô Nguyễn Quỳnh Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho rằng, mỗi giáo viên có mức độ “thẩm thấu” dụng ý nhóm tác giả biên soạn trên mỗi bài học khác nhau. Nếu các nhà xuất bản xây dựng những kênh trao đổi giữa nhóm tác giả viết sách và giáo viên trực tiếp đứng lớp thì sẽ thuận tiện hơn trong hoạt động dạy học.
“Kênh trao đổi có thể mở diễn đàn bằng cách sử dụng các trang mạng xã hội, group... Sự tương tác giữa nhà xuất bản, nhóm chủ biên và giáo viên sẽ giúp tháo gỡ những thắc mắc nảy sinh trong quá trình dạy – học và cũng giúp những lần tái bản có sự điều chỉnh phù hợp hơn…”, cô Vân bày tỏ.
Cô Lưu Thị Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) - chia sẻ: “Trường có 11 điểm lẻ, giáo viên đứng lớp tại các điểm lẻ luân phiên nhau. Một số giáo viên năm nay đứng điểm lẻ nhưng năm tới đảm nhận dạy lớp 4, tham gia việc lựa chọn sách. Vì vậy, giáo viên phải trao đổi, thảo luận qua nhóm chat, chủ yếu tiếp cận sách với bản PDF. Đây là khó khăn lớn khi chất lượng đường truyền thấp, thậm chí có điểm lẻ không có sóng Internet. Do đó, giáo viên phải tập trung về điểm trường chính làm việc vào những ngày nghỉ cuối tuần để đảm bảo hiệu quả, chất lượng việc lựa chọn sách...”.