Xây dựng cơ sở vật chất trường học chính là tạo ra môi trường sư phạm có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc, trang thiết bị, sân chơi,… Đó chính là tạo ra môi trường sư phạm có đủ diện tích cho học sinh hoạt động, có cảnh quan đẹp, hấp dẫn, mang tính giáo dục cao đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay.
"Đỡ đầu các trường học"
Tại hội thảo giáo dục năm 2017 "Về chất lượng giáo dục phổ thông" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức, Sở GD&ĐT Hậu Giang đã có báo cáo về giải pháp xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo này, ngày 1/1/2004, tỉnh Hậu Giang được chia tách từ tỉnh Cần Thơ. Khi mới thành lập, ngành GD&ĐT Hậu Giang gặp rất nhiều khó khăn, qui mô, hệ thống, mạng lưới trường lớp qui hoạch chưa đều khắp và chưa hoàn chỉnh; không có trường THPT chuyên, phổ thông dân tộc nội trú; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, rất nhiều phòng học tạm bợ, xuống cấp, phòng bán kiên cố; toàn bậc Trung học không có trường nào đạt chuẩn quốc gia.
Trải qua chặng đường gần 15 năm, ngành GD&ĐT Hậu Giang đã đạt nhiều thành tựu khả quan. Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 340 trường (tăng 19 trường so với năm 2010 với 5.666 phòng (67,74% đạt chuẩn). Trong đó phòng học đạt chuẩn 69,34%; phòng chức năng đạt chuẩn 62,58%; phòng thư viện đạt chuẩn75,61%; phòng thiết bị thực hành đạt chuẩn 63,89%.
Lãnh đạo các cấp đã vận động đầu tư xây dựng xóa phòng học tre lá, xóa xã trắng không có trường mầm non, mẫu giáo. Ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh chủ trương " Đỡ đầu các trường học”. Theo đó, hiện có 276/340 trường được các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhân nhận đỡ đầu. Hàng năm, hỗ trợ kinh phí sửa chữa trường lớp học, trao học tập sách, xe đạp, học bổng cho học sinh hàng tỉ đồng.
Sở GD&ĐT đồng thời tham mưu Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 18/2/2016 về việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020. Hiện trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đạt 52,4%.
Biện pháp xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu mới
Báo cáo của Sở GD&ĐT Hậu Giang đồng thời đề xuất một số biện pháp khắc phục những khó khăn, đồng thời thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục để tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đối với GD&ĐT, ý nghĩa tầm quan trọng của việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ 2: Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, điều hành có hiệu quả cao nhất trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và xây dựng trường chuẩn quốc gia đảm bảo đúng theo Đề án đề ra; rà soát, đối chiếu với danh mục các trường chuẩn bị đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện kịp thời.
Thứ 3: Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài; ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả…
Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của nhà nước.
Thứ 4: Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; trên cơ sở đó, xác định nhu cầu xây dựng mới, sữa chữa, cải tạo, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục công trình: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú và đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục.
Kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.
Để các trang thiết bị sử dụng được lâu bền, ngoài việc trang bị những thiết bị tốt, đúng quy chuẩn thì việc bảo quản và sử dụng của các nhà trường cũng hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, trường nào ban giám hiệu quan tâm, xây dựng quy chế bảo quản và sử dụng đúng quy trình thì nơi đó trang thiết bị sẽ tốt và bền.
Thứ 5: Ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất: Dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục;
Thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020), Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình đến năm 2020, Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 và các chương trình, dự án, đề án khác đã được phê duyệt.
Đồng thời, khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
Thứ 6: Tăng cường công tác quản lý, sử dụng, bảo quản hiệu quả trang thiết bị nhà trường. Thực hiện huy động tối đa điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tốt công tác dạy và học, gắn với trách nhiệm bảo quản sử dụng có hiệu quả cho từng cán bộ - nhân viên.
Phân công cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng khai thác, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đúng chức năng, đúng nhiệm vụ và có hồ sơ theo dõi đầy đủ theo quy định. Đồng thời khuyến khích nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học, vừa đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh.