Gần đây, sau khi được chia sẻ trên một Page học văn, một đề thi của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên đã nhận được nhiều phản hồi, hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận.
Trong đó có những quan điểm băn khoăn về hình thức của câu nghị luận xã hội có màu sắc của môn Vật lý. Đặc biệt, có rất nhiều quan điểm đồng tình với hướng ra đề, cảm nhận đề thi “hay, thú vị, rõ ràng về ý tưởng”.
Tác giả của đề thi, cô Trần Chinh Dương, giáo viên Ngữ văn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Điện Biên chia sẻ: Ra đề đề xuất góp vào ngân hàng đề thi chung của Trại hè Hùng Vương là công việc hằng năm chúng tôi vẫn làm, vừa là trách nhiệm, cũng vừa là tâm huyết nghề nghiệp.
Chúng tôi làm đề không dưới bất kì áp lực, xu hướng hay mưu cầu nào khác ngoài mong muốn được chia sẻ ý tưởng. Tôi nghĩ có những đề thi cần đáp ứng yêu cầu căn bản về kiến thức, kĩ năng, nhưng cũng cần có những đề thi kích thích trí tưởng tượng, sự sáng tạo của học trò.
Hơn nữa, lại cần thêm những đề thi phục vụ sự tương tác giữa giáo viên với giáo viên về chuyên môn. Đó là điều tôi thấy thích nhất ở Trại hè hằng năm, nơi chúng tôi được tự do sáng tạo.
Đề thi lần này vẫn nằm trên trục ý tưởng của tôi về dạy học: dạy học kích thích sự tưởng tượng sáng tạo. Đọc các bình luận trên Page học văn về câu nghị luận xã hội (câu 1), tôi thấy các kiến giải khá phong phú nhưng nhìn chung vẫn quy tụ về hướng nghĩ mà người ra đề đã dự kiến.
Về hình thức, câu nghị luận xã hội có màu sắc của môn Vật lý, nhưng thực ra đó chỉ là cái cớ, sau đó ẩn chứa những bài học nhân sinh về hành trình vươn tới mục tiêu của con người. Gợi dẫn trên đề cũng đã rất rõ ràng, với những thông tin đáng lưu ý.
Chú thích ảnh: Đề thi đề xuất được Ban tổ chức Trại hè Hùng Vương lần thứ XIII đánh giá là sáng tạo của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên. Đề thi được ra vào đầu tháng 6 năm 2017. |
Chia sẻ về thông điệp của câu nghị luận xã hội trong đề thi, cô Trần Chinh Dương cho biết:
Thứ nhất, cuộc đời con người chỉ có ý nghĩa khi chúng ta không ngừng tìm kiếm và chinh phục mục tiêu. Chúng ta cũng như một Bumerang vậy. Đạt mục tiêu hay không phụ thuộc vào “cái ném ban đầu”, “sự quay” và “sức cản của không khí”, những từ ngữ này gợi liên tưởng đến các yếu tố chúng ta có thể chủ động chuẩn bị cho mình và các yếu tố bên ngoài, thuộc về hoàn cảnh. Điều thú vị là, “sức cản của không khí” ở một mặt nào đó là bất lợi, nhưng mặt khác chính sức cản ấy làm Bumerang chạm đến mục tiêu.
Tôi nghĩ chúng ta nên hướng các bạn trẻ xác lập mục tiêu cho cuộc sống của mình bằng sự phân tích lý trí như thế này, đó là một cách nghĩ khỏe, tránh được những bao biện, đổ lỗi không đáng có cho những yếu tố thuộc về ngoại cảnh, may mắn...
Thứ hai, điều gì xảy ra khi Bumerang không trúng mục tiêu? Như đề bài đã gợi ý: Nó sẽ quay lại. Có bạn trẻ đùa vui, rằng, như thế là số 0 lại trở về với số 0 tròn trĩnh. Điều này đúng với những ai chưa bao giờ sống thật sự cho một mục tiêu. Khi bạn đã nghiêm túc cho một mục tiêu nào đó, kể cả không đạt được, bạn vẫn có cho mình rất nhiều giá trị (bài học, kinh nghiệm,...). Và như thế, còn ngần ngại gì không lấy đà cho một cú tung mới?
Thứ ba, đường đi đặc biệt của Bumerang có thể gợi đến một liên tưởng, đó là về giá trị của những thứ chúng ta bỏ ra, trao đi trong cuộc đời. Những lựa chọn, những hành động, những hi sinh,... một ngày nào đó sẽ quay trở lại với chúng ta, theo một cách nào đó đầy ngạc nhiên và bất ngờ. Những gì chúng ta đang làm trong hiện tại sẽ là cái “gốc” cho ngày mai. Vì thế, hãy chuẩn bị tốt nhất có thể, ngay cả khi bạn chưa nhìn thấy mục tiêu ở đâu.
Nhìn vào Bumerang, người trẻ hãy sống lạc quan hơn, mạnh mẽ hơn, giàu niềm tin và ý chí hơn. Hãy dám sống và dám lựa chọn, bởi vì mọi điều đều có thể.
“Những thông điệp nhân văn đều có thể tồn tại ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng... trong thế giới này. Bạn có thể phát hiện ra điều đó khi quan sát người đối diện, khi tự quan sát mình, hay đơn giản chỉ là nhìn một cơn mưa, một đám mây... Chúng ta học văn để làm gì? Chẳng phải là để sống tốt, sống chất lượng với cuộc đời này sao? Rồi cuộc đời sẽ trả cho chúng ta những đề thi và những câu trả lời. Tôi nghĩ vậy.
Tuy nhiên, ra đề là một việc không dễ, bởi để có một đề thi đúng với nghĩa “sáng tác”, người ra đề có lẽ phải trả những “học phí” đặc biệt. Đó là câu chuyện dài lắm, có khi phải sống 10 năm, 20 năm, ý tưởng mới bật ra vào một thời điểm nào đó thích hợp, cũng có khi mãi mãi nó không đến.
Tôi chỉ mong sao việc dạy học Ngữ văn được khuấy động lên một chút nhờ những tưởng tượng mới. Muốn được như vậy, đề bài cũng cần kích thích sự tưởng tượng!” – cô Trần Chinh Dương chia sẻ.