“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GD&TĐ - Đề kiểm tra hay đề thi chính là một "cú hích", một lực tác động hiệu quả đối với cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh. Quan điểm này vẫn được sự đồng tình của các chuyên gia giáo dục, thầy cô làm công tác giảng dạy nhiều năm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chia sẻ điều này, cô Ngô Minh Hà - giáo viên Trường THPT Dương Quảng Hàm ( đoạt giải nhất giáo viên dạy giỏi tỉnh Hưng Yên) - cho rằng: Nếu dạy học vẫn nằm trong quỹ đạo thông tin tiếp thụ thì đề văn chỉ yêu cầu học sinh sao chép tái hiện kiến thức.

Nếu giáo viên chủ trương phát huy tính năng động của học sinh thì đề văn sẽ gợi cảm hứng sáng tạo cho các em.

Giáo viên cần coi trọng đề kiểm tra đánh giá như một phần hữu cơ trong tổng hợp một loạt các khâu soạn giảng lên lớp của mình để thay đổi cách dạy và định hướng cách học cho học sinh của mình.

Trên cơ sở xác định mục tiêu kiểm tra đánh giá như vậy, theo cô Ngô Minh Hà, giáo viên có thể đưa ra mộ số hình thức kiểm tra đánh giá như sau:

Kiểm tra dưới hình thức giao nhiệm vụ

Với hình thức này, cô Ngô Minh Hà cho biết: Giáo viên ra hệ thống câu hỏi cho nhóm chuẩn bị bài ở nhà, nhóm có thể tham khảo tài liệu, hợp tác trao đổi và trình bày lại trên lớp sau đó giáo viên đánh giá cho điểm dựa trên phần kiến thức học sinh trình bày, một số năng lực và phẩm chất cần thiết được hình thành ở học sinh trong quá trình trình bày.

Hệ thống câu hỏi cần bám sát những mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng để học sinh chủ động tìm hiểu bài trước khi lên lớp.

Kiểm tra bằng hình thức nghe câu hỏi và trả lời nhanh

Chia sẻ về hình thức này, cô Hà lưu ý: Giáo viên đọc câu hỏi và học sinh trả lời nhanh vào giấy kiểm tra, mỗi câu trả lời được thực hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn (khoảng 15 giây đến 1 phút) thường là những câu hỏi nhận biết, thông hiểu đơn giản.

Giáo viên chuyển câu hỏi tiếp theo liên tục buộc học sinh phải phản xạ nhanh, không có thời gian xem tìm câu trả lời trong tài liệu. Nếu học sinh không trả lời được thì bỏ qua bởi phải làm tiếp câu khác vì giáo viên sẽ không đọc lại câu hỏi khi hết thời gian cho câu trả lời.

Để tiện giám sát giáo viên cho kiểm tra theo dãy, theo tổ và có thể sau một lượng câu nhất định gắn với nội dung kiến thức cần kiểm tra giáo viên để học sinh tự chấm hoặc hai học sinh ngồi cạnh trao đưa bài cho nhau chấm cho nhau.

Giáo viên ngay sau đó vừa giám sát vừa công khai thang điểm cho từng câu đề học sinh chấm (thanh điểm mỗi câu thường từ 0,25 - 1điểm dựa vào yêu cầu mức độ kiến thức trong câu hỏi).

Sau đó giáo viên sẽ thu bài và kiểm tra lại quá trình đánh giá của các em. Thông qua hình thức kiểm tra này giáo viên rèn được phẩm chất trung thực tự chủ của các em trong quá trình học và kiểm tra đánh giá bản thân.

Kiểm tra bằng hình thức lập ô chữ

Gợi ý của cô giáo Ngô Minh Hà: Giáo viên đưa ra đề bài kiểm tra yêu cầu học sinh lập ô chữ văn học. Ô chữ mà học sinh phải lập có các ô hàng ngang va hàng dọc liên quan đến kiên thức tác phẩm vừa học.

Cùng với ô chữ là các gợi ý cho ô hàng ngang mà học sinh phải tự nghĩ ra. Từ khóa ô hàng dọc có thể học sinh tự nghĩ, có thể là của giáo viên đưa ra.

Yêu cầu từ khóa của ô hàng dọc phải là một cụm từ nêu lên kiến thức khái quát tổng hợp. Bài kiểm tra đánh giá này học sinh cũng có thể về nhà thực hiện, mỗi ô chữ được thực hiện theo nhóm (từ 2-3 học sinh làm một nhóm hoặc nhóm theo bàn học).

Việc đánh giá và giải ô chữ sẽ được thực hiện trong giờ kiểm tra đầu giờ hoặc một số tiết tự chọn ôn tập. Ô chữ nào bám sát kiến thức tác phẩm có những gợi ý thú vị tạo được hứng thú cho người giải sẽ được đánh giá cao. Học sinh sẽ thiết kế trình bày ô chữ trên màn hình Powerpoint hoặc trên tranh vẽ.

Kiểm tra bằng hình thức lập sơ đồ tư duy hoặc lập trang Facebook Cô Ngô Minh Hà chia sẻ: Dựa vào nội dung của tác phẩm đã học, giáo viên yêu cầu học sinh lập sơ đồ tư duy hoặc trang Facebook cá nhân cho nhân vật trong tác phẩm, học sinh cũng có thể làm việc theo nhóm ở nhà và sau đó thuyết trình trên lớp.

Giáo viên đánh giá dựa trên độ chính xác đầy đủ về kiến thức và cả sự sáng tạo về mặt hình thức của các em.

Thông qua trang Facebook của nhân vật, giáo viên có thể cùng các em chia sẻ những suy nghĩ cảm nhận, cùng vào bình luận về nhân vật dưới những góc nhìn khác nhau.

Học sinh có thể dùng những Name Facebook tự đặt, không nhất thiết phải công khai cá nhân mình trong quá trình nhận xét trao đổi. Với hình thức này, giáo viên có thể dễ dàng hiểu được những suy nghĩ đánh giá của học trò về nhân vật.

Khi giáo viên nêu vấn đề trong quá trình giảng dạy, thông qua kết nối trao đổi thông tin qua trang Facebook tự tạo cho nhân vật, cho tác giả, giáo viên có thể nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho bài học cùng một lúc.

Những học sinh ngại trình bày trước các bạn, trước tập thể đều có thể chia sẻ cảm xúc suy nghĩ về bài học qua trang Facebook trực tuyến này. Hình thức này có thể đan xen trong giờ học khiến giờ học văn trở nên thú vị và bớt nhàm chán..

Kiểm tra bằng hình thức trả lời câu hỏi đọc hiểu kết hợp viết luận ngắn

Với hình thức này, theo cô Ngô Minh Hà, giáo viên sẽ ra đề viết luận với những đề mở không mang tính chất khuôn mẫu có đáp án sẵn trong một số tài liệu hoặc không sao chép lại quá trình thầy cô dạy trên lớp.

Giáo viên dựa vào cấu trúc đề thi THPT quốc gia đề ra đề cho học sinh ôn tập kiểm tra gắn với từng tác phẩm.

Học sinh phải tư duy lập luận trình bày chủ động trong quá trình viết, bài kiểm tra có thể yêu cầu từ một vấn đề văn học mà liên hệ thực tế hoặc theo hình thức nghi luận kết hợp với miêu tả, tự sự và biểu cảm...

"Kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng trong quá trình dạy học của giáo viên và học sinh.

Kiểm tra đánh giá có thể hiểu là thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập yêu cầu giáo viên giao cho học sinh thực hiện hoàn thành trước và sau khi học bài trên lớp giáo viên kiểm tra và đánh giá dưới hình thức điểm hoặc nhận xét đề nhận định về năng lực học sinh.

Hoạt động này có thể tồn tại dưới dạng nói, viết của học sinh dưới hình thức nhóm hay từng cá nhân thực hiện" - Cô giáo Ngô Minh Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...