Mong chế độ đãi ngộ tương xứng với nhân viên nuôi dưỡng

GD&TĐ - Hiện nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non chưa có thêm bất cứ phụ cấp nào ngoài lương, thu nhập không đảm bảo để trang trải cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Hồng, nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non Hoa Sơn (Ứng Hòa, Hà Nội) hỗ trợ cho trẻ ăn trong giờ bán trú.
Cô Nguyễn Thị Hồng, nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non Hoa Sơn (Ứng Hòa, Hà Nội) hỗ trợ cho trẻ ăn trong giờ bán trú.

Những vất vả không nói thành tên

Nhiều nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đã bày tỏ đến các cấp lãnh đạo về những thiệt thòi, vất vả của mình và mong được lãnh đạo các cấp quan tâm một cách đúng mức, nhất là về thu nhập để mọi người có thể yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Vũ Thị Nhuận - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thịnh (Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay, hiện trường có hơn 400 trẻ đang theo học và có 11 nhân viên nuôi dưỡng. Công việc của các nhân viên bếp khá vất vả khi thời gian làm việc cũng tương đương với giáo viên mầm non mà chưa được thêm phụ cấp nào từ ngân sách Nhà nước.

Công việc của nhân viên nuôi dưỡng ở trường mầm non rất nhiều.

Công việc của nhân viên nuôi dưỡng ở trường mầm non rất nhiều.

Vào làm nhân viên bếp ở trường từ năm 2010, cô Trương Thị Thêu cho biết, mình được tuyển theo hợp đồng 68 khi đó, thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Đến nay sau 13 năm, trừ BHXH lương mỗi tháng của cô đang ở mức 4,4 triệu đồng. Phương châm là làm hết việc chứ không hết giờ, cô vẫn cố gắng làm thêm nghề phụ mây tre đan và cấy lúa để nuôi 2 con học đại học.

Tương tự, cô Đỗ Thị Đào - nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Trường Thịnh cũng tranh thủ bán hàng online để kiếm thêm thu nhập nuôi 3 con. "Nhiều khi tôi cảm thấy chạnh lòng khi lương thấp nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải cố gắng xoay xở. Dù vậy nhưng đến dịp 20/11, BGH nhà trường cũng có bó hoa động viên các chị em bếp nên cũng thấy được động viên", cô Đào nói.

Môi trường làm việc của nhân viên nuôi dưỡng thường xuyên phải tiếp xúc với hơi nóng, tiếng ồn.

Môi trường làm việc của nhân viên nuôi dưỡng thường xuyên phải tiếp xúc với hơi nóng, tiếng ồn.

Công tác tại Trường Mầm non Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) từ năm 2014 đến nay, nhưng mức lương hàng tháng sau khi trừ BHXH của cô Lan Anh chỉ là 3,5 triệu đồng.

Thời gian làm việc của cô từ 7h30 – 12h gồm giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, di chuyển thức ăn lên các lớp, hỗ trợ trẻ ăn trưa, rửa bát. Sau giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, các cô lại tiếp tục vào bếp để nấu ca chiều cho trẻ ăn sau khi ngủ dậy.

Các cô nuôi phải tiếp xúc thường xuyên với khí ga độc hại, hơi nóng nên hay bị bệnh viêm mũi, viêm xoang và chịu nhiều tiếng ồn do máy hút mùi kêu to. Công việc hay phải khiêng, nhấc nặng như nồi canh, nồi thức ăn to có nguy cơ gây đau lưng, tay làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mong chế độ đãi ngộ tương xứng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ mầm non.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ mầm non.

Thực tế cho thấy, nhân viên nuôi dưỡng thường phối hợp cùng BGH xây dựng các chế độ ăn cho trẻ béo phì, trẻ suy dinh dưỡng; tăng lượng Canxi, B1 trong bữa ăn của trẻ. Độ tuổi trẻ mầm non vô cùng nhạy cảm, để các con có thể học tập tốt, ăn ngủ ngoan thì chế độ ăn của trẻ cần được quan tâm.

Cô Nguyễn Thanh Loan, nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, hàng ngày mình phải có mặt tại bếp từ sớm để nhận thực phẩm rồi sơ chế, chế biến bữa chính cho trẻ. Trong đó có cả khâu sấy bát, thìa, hấp khăn; chia bát, thìa từng lớp; vận chuyển cơm canh lên từng lớp. Sau đó hỗ trợ trẻ ăn trưa, đi thu dọn bát, thìa, xoong nồi và rửa bát.

Nhân viên nuôi dưỡng tại trường mầm non hiện không có phụ cấp nào từ ngân sách nhà nước.

Nhân viên nuôi dưỡng tại trường mầm non hiện không có phụ cấp nào từ ngân sách nhà nước.

Vì điều kiện giáo viên mầm non chưa cao, nhân viên nuôi dưỡng hỗ trợ Công đoàn nấu cơm cho giáo viên, nhân viên ăn trưa tại trường. Sau đó lại chuẩn bị chế biến bữa chiều, bữa phụ cho trẻ. Lặp lại các khâu đến lúc thu dọn bát, thìa để rửa, vệ sinh đồ dùng nhà bếp, lau dọn khu vực bếp, thu gom rác cũng là lúc cuối chiều.

"Dù không trực tiếp với trẻ mọi lúc mọi nơi, nhân viên nuôi dưỡng vẫn âm thầm vượt qua mọi vất vả để tạo nên những niềm vui, hạnh phúc, an toàn cho trẻ khi đến trường. Ngoài công việc chuyên môn chúng tôi cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động, phòng trào của ngành, trường, địa phương phát động", cô Vũ Thị Oanh - nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Hoa Sơn (Ứng Hòa, Hà Nội) tâm sự.

Giờ ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non Hoa Sơn - Ứng Hòa, Hà Nội.

Giờ ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non Hoa Sơn - Ứng Hòa, Hà Nội.

Ngoài công việc trên trường, cô Nguyễn Thị Hồng - nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Hoa Sơn cũng tranh thủ đi buôn bán tôm cá từ 2h đêm hàng ngày. Đến giờ đi làm, cô vẫn đến trường đúng lịch và tiếp tục công việc của mình. Dù phải ngược xuôi bươn chải nhưng vì tình yêu nghề, cô vẫn kiên trì bám trụ.

Đồng cảm với những thiệt thòi, vất vả của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng nói chung, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, hiện các nhà trường đang rất khó khăn để giữ chân lực lượng này. Một phần do thu nhập thấp, lại chưa được phụ cấp từ Nhà nước. Bà mong lãnh đạo các cấp quan tâm để có chế độ đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.