Tuyển sinh vào 10: Hoãn thi nhưng không dừng học

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương thông báo lùi thời gian kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập.

HS tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Báo Bắc Ninh
HS tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Theo đó, một trong những mối quan tâm của phụ huynh, học sinh là làm thế nào để không bị “rơi rụng” kiến thức và làm sao để “giữ lửa” ôn tập từ nay cho đến ngày thi.

Giữ lửa ôn tập

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh Bắc Giang quyết định lùi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Hiện chưa có lịch thi chính thức nên không ít học sinh lo lắng bị rơi rụng kiến thức. Để “giữ lửa” ôn tập, cô Trần Thị Chinh – giáo viên Ngữ văn Trường THCS thị trấn Nham Biền số 1 (Yên Dũng, Bắc Giang) “bật mí”: Ngoài lịch học trực tuyến, học sinh nên duy trì thói quen ôn tập ở nhà. Theo đó, cần sắp xếp thời khoá biểu tự học hợp lý.

“Nếu buổi sáng học trực tuyến, buổi chiều các em nên dành khoảng 2 tiếng để ôn lại bài của buổi sáng. Đến buổi tối, thời điểm thích hợp nhất là học từ 20 giờ - 22 giờ. Trong khoảng thời gian này, các em phân bổ hợp lý để ôn tập các môn thi. Nên luyện các đề thi để vừa rèn kỹ năng làm bài, vừa củng cố kiến thức đã học. Đặc biệt, các em tuyệt đối không nên có tâm lý “còn lâu mới tới ngày thi” hoặc “nước tới chân mới nhảy”. Chính tâm lý này sẽ khiến các em lơ là, chủ quan trong việc học. Và việc rơi rụng kiến thức là điều khó tránh khỏi” – cô Chinh nhấn mạnh.

Để học sinh không bị mất nhịp học, cô Chinh thường xuyên tương tác với học trò, động viên tinh thần và giao bài tập để các em tự học. “Thời điểm này, tôi chú trọng rèn kỹ năng cho các em bằng việc làm dạng bài đọc hiểu, kỹ năng viết văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học” – cô Chinh chia sẻ, đồng thời lưu ý: Đây là thời điểm để củng cố lại kiến thức đã học. Tuy nhiên, các em không nên học dàn trải, mà tập trung vào các chủ đề trọng tâm. Với môn Ngữ văn, các em cần học thuộc văn bản thơ, tóm tắt văn bản truyện, nắm được hoàn cảnh sáng tác, thể loại các văn bản.... “Thời gian này, rất cần phụ huynh hỗ trợ, đồng hành cùng các con để duy trì nền nếp học tập, tránh “mất lửa” trong quá trình ôn tập” – cô Chinh khuyến nghị.

Trường THCS Yên Phong (Bắc Ninh) vẫn duy trì dạy học trực tuyến để “giữ lửa” ôn tập cho học trò. Ảnh: NTCC
Trường THCS Yên Phong (Bắc Ninh) vẫn duy trì dạy học trực tuyến để “giữ lửa” ôn tập cho học trò. Ảnh: NTCC

Cần đồng hành của nhà trường và phụ huynh

Đồng quan điểm cô Trần Thị Yến – Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ, Hưng Yên) – chia sẻ, để “giữ lửa” học tập cho học sinh cần sự phối hợp chặt chẽ 3 bên: Nhà trường, gia đình và học sinh. Về phía nhà trường, tiếp tục duy trì lịch dạy – học trực tuyến. Hàng ngày, giao bài tập để các em tự học, tự ôn luyện ở nhà.

“Chúng tôi yêu cầu giáo viên liên lạc với học sinh và tích cực tương tác với phụ huynh, vừa nắm bắt tình hình học tập của các con ở nhà, vừa phản ánh kết quả ôn tập của các em. Qua đó, cùng nhau tháo gỡ  khó khăn, vướng mắc; đồng thời động viên, khích lệ tinh thần học tập cho các em. Ngoài ra, nhà trường chỉ đạo các bộ môn xây dựng ngân hàng câu hỏi, sau đó tổng hợp thành đề thi, hướng dẫn học sinh luyện tập bằng hình thức trực tuyến. Có như vậy mới không lo học sinh bị rơi rụng kiến thức” – cô Yến trao đổi.

Cô Yến lưu ý, thời gian này phụ huynh không nên gây áp lực cho con. Thay vào đó, thường xuyên nói chuyện và chủ động tương tác với giáo viên về học tập để cùng đồng hành, tiếp sức cho con vượt vũ môn thành công. Về phía học sinh, cô Yến nhắn nhủ: Vì chưa có lịch thi cụ thể, các em không nên sao nhãng học hành. Thời gian này, các em chia nhỏ khung thời gian học tập, không nên học dồn, học ép. Nói cách khác, các em nên có kế hoạch tự học, càng chi tiết càng tốt.

Theo thầy Lê Văn Quynh – Hiệu trưởng Trường THCS Yên Phong (Bắc Ninh), việc quan trọng nhất lúc này, các em cần giữ gìn sức khoẻ thật tốt, ổn định tâm lý và không nên lo lắng. Nếu tâm lý bất ổn, cộng với sự hoang mang, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến kết quả  ôn tập và thi, thậm chí chi phối 50% chất lượng bài thi của các em. “Lạc quan nhưng không có nghĩa là lơ là, chủ quan trong ôn tập; đặc biệt tuyệt đối không được chủ quan với sức khoẻ, với dịch bệnh Covid-19” – thầy Quynh nhấn mạnh.

Theo thầy Quynh, thay vì lo lắng, các em nên tạo cho mình những suy nghĩ và năng lượng tích cực. Việc lùi lại kỳ thi cũng giúp thí sinh có thêm thời gian và điều kiện để ôn tập, chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, thời gian này đòi hỏi các em phải có ý thức tự học. “Chẳng hạn với môn Toán, mỗi ngày các em dành khoảng 1 tiếng để học, luyện đề hoặc hệ thống lại kiến thức. Với các môn khác cũng vậy, sĩ tử nên bố trí thời lượng ôn tập hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất, mạnh dạn trao đổi với giáo viên nếu gặp khó khăn trong quá trình ôn tập và không nên giấu dốt” – thầy Quynh tư vấn.

Để đồng hành cùng học trò, thầy Quynh cùng ban giám hiệu và các giáo viên bộ môn vẫn duy trì dạy học trực tuyến. Qua đó vừa củng cố kiến thức vừa động viên các em trong học tập. Vì thế, những buổi dạy học online sẽ không nặng nề, nhồi nhét kiến thức. Quan trọng là để các em duy trì tiến độ ôn tập, không lơ là ngắt quãng.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ