Môn Tin học và Công nghệ: Chủ động bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ

GD&TĐ - CTGDPT 2018 thể hiện rõ tư tưởng coi trọng Tin học và Công nghệ trong trường phổ thông nhằm phát triển giáo dục STEM, hướng tới nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại VN.

Giáo viên Tin học và Công nghệ cần được bồi dưỡng kiến thức để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa
Giáo viên Tin học và Công nghệ cần được bồi dưỡng kiến thức để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa

Điều này đòi hỏi mỗi địa phương, nhà trường, giáo viên có cách nhìn nhận, đầu tư tương xứng.

Điệp khúc thiếu giáo viên

Theo yêu cầu của Chương trình mới, giáo viên dạy công nghệ cần phải có đủ năng lực theo chuẩn nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực chuyên môn về công nghệ. Tuy nhiên, hiện hầu hết địa phương đều thiếu giáo viên Tin học, nhiều nơi có tỉ lệ học môn Tin học còn rất thấp.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 98 giáo viên cấp tiểu học, trong đó 90 biên chế, 8 hợp đồng. Với số lượng như hiện nay, để dạy Tin học 3 tiết/tuần cho học sinh các khối 3, 4, 5 thì năm học 2022 - 2023, Hà Tĩnh sẽ thiếu 45 giáo viên Tin học.

Do đó, Hà Tĩnh đưa ra một số giải pháp để bố trí đủ giáo viên Tin học cấp tiểu học như chủ động nguồn tuyển dụng, biệt phái giáo viên THCS xuống dạy tiểu học; thực hiện lộ trình sáp nhập các trường tiểu học và THCS theo hình thức trường liên cấp.

Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, với đội ngũ hiện có, toàn tỉnh còn thiếu 107 giáo viên Tin học. Do đó, việc chuẩn bị nhân lực phải được thực hiện khẩn trương, ưu tiên cho bậc tiểu học, bởi việc tuyển được giáo viên đạt chuẩn trình độ đại học dạy các môn này ở cấp tiểu học rất khó khăn.

Để đủ giáo viên dạy Tin học cấp tiểu học, Quảng Ngãi sẽ tổ chức tuyển dụng giáo viên theo lộ trình. Trường hợp chưa tuyển dụng đủ số lượng sẽ cho phép ký hợp đồng đối với vị trí việc làm còn thiếu hoặc cho bố trí giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn có khoảng cách không xa. Với số giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo.

Ông Lê Xuân Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết: Toàn huyện có 16 trường tiểu học nhưng chỉ có 1 giáo viên dạy Tin học. Không có giáo viên, các trường vẫn quyết định dạy môn học này bằng cách phân công cán bộ quản lý, giáo viên có kỹ năng về  tin học để dạy cho học sinh.

Ðể giải quyết khó khăn, hàng năm, phòng GD&ÐT tham mưu UBND huyện Ngọc Hiển tuyển dụng thêm giáo viên. Tuy nhiên, số lượng giáo viên tuyển dụng vẫn không đủ do không có nguồn tuyển. Tháo gỡ khó khăn do thiếu giáo viên, phòng GD&ÐT chỉ đạo các trường chọn giáo viên có kỹ năng tin học tốt để dạy cho học sinh tiếp cận với môn học này.

“Huyện có kế hoạch tuyển dụng 15 giáo viên dạy Tin học trong năm học tới. Tuy nhiên, việc thu hút giáo viên về huyện Ngọc Hiển gặp nhiều khó khăn do địa bàn quá xa xôi. Giải pháp để giải quyết vấn đề mang tính chất lâu dài là tuyên truyền, vận động giáo viên người địa phương đăng ký đi học môn Tin học và Công nghệ, đồng thời có chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ” - ông Lê Xuân Hùng chia sẻ.

Tiết Tin học của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Tiết Tin học của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Giáo viên chờ được bồi dưỡng

Là địa phương có tỷ lệ học sinh học tin học cao nhưng các trường tại Hà Nội cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai môn Tin học và Công nghệ. Ngoài lý do số lượng giáo viên Tin học còn thiếu, còn nhiều giáo viên chưa có đủ năng lực theo chuẩn nghề nghiệp, năng lực sư phạm đặc thù.

Cô Ngô Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Nhà trường có 1 giáo viên Tin học trong biên chế. Với đội ngũ hiện tại, sẽ không đủ số lượng dạy môn học này trong năm học 2022 - 2023. Cùng với đó, giáo viên cũng không đủ năng lực để dạy do có nhiều thay đổi trong cả nội dung giáo dục tin học và công nghệ.

Là giáo viên dạy Tin học nhưng cô Nguyễn Thu Hiền - quận Hoàn Kiếm bày tỏ băn khoăn khi nội dung của hai phân môn Tin học và Công nghệ tương đối xa nhau. Nếu giáo viên Tin học như cô dạy đồng thời môn Công nghệ chắc chắn sẽ phải bồi dưỡng thêm kiến thức.

Cô Lê Thị Hòa - giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Để có thể triển khai môn Tin học và Công nghệ, giáo viên cơ bản vẫn có thể đảm nhận được. Tuy nhiên, thầy cô cần được bồi dưỡng thêm kiến thức, hình thành năng lực chuyên môn cơ bản, nền tảng về tin học và công nghệ.

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học. Chương trình sẽ trang bị cho học viên những kiến thức, nền tảng, năng lực, phẩm chất để có thể đáp ứng tốt việc dạy học theo trong chương trình.

Theo cô Hòa, việc xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ là cần thiết và có cơ sở khoa học, giải quyết được nhu cầu giáo viên trong giai đoạn tới. Chương trình bồi dưỡng được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy các môn học này ở cấp tiểu học.

Để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi đã dạy thử nghiệm sách Công nghệ lớp 3 và thấy Chương trình mới có nhiều điểm hay so với chương trình hiện hành. Tuy nhiên, Chương trình mới cũng có nội dung khó và giáo viên sẽ khó đảm nhiệm môn học nếu không được bồi dưỡng. - Cô Nguyễn Thùy Linh (Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.