Theo dự thảo, Tiếng Khmer là môn học cụ thể trong môn Tiếng dân tộc thiểu số, thuộc môn học tự chọn trong hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.
Môn tiếng Khmer đồng dạng với môn ngữ văn được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm có hai cấp độ (Cấp độ A1 và A2); giai đoạn giáo dục hướng nghiệp (Cấp độ B). Cấp độ A gồm: trình độ A1 chia làm 5 mức độ, mỗi mức độ 70 tiết; trình độ A2 chia làm 4 mức độ, mỗi mức độ 105 tiết. Cấp độ B có thời lượng 315 tiết.
Giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn Tiếng Khmer giúp học sinh sử dụng tiếng Khmer thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học và hoạt động giáo dục khác, hình thành và phát triển năng lực văn học, đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triẻn về tâm hồn và nhân cách. Đặc biệt bồi dưỡng cho học sinh tình yêu với tiếng mẹ đẻ, ý thức giữ gìn và phát triển tiếng mẹ đẻ, sử dụng tiếng mẹ đẻ trong gia đình và cộng đồng, trách nhiệm đối với sự phát triển ngôn ngữ dân tộc và giáo dục song ngữ ở địa phương.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: môn Tiếng Khmer củng cố các mạch nội dung của giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh nâng cao năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ và năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học truyền thống của địa phương; tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về nội dung nhằm mục tiêu để tiếng Khmer trở thành một phương tiện giao tiếp hữu hiệu trong cộng đồng người bản ngữ và được sử dụng làm công cụ lưu giữ và truyền bá những giá trị văn hóa tinh thần dân tộc Khmer.
Nội dung dạy học tiếng Khmer được xác định dựa trên các yêu cầu cần đạt của mỗi cấp độ, gồm: Hoạt động nghe, nói, đọc và viết; kiến thức (tiếng Khmer, văn học); ngữ liệu.
Chương trình môn Tiếng Khmer vận dụng các phương pháp giáo dục theo định hướng chung là phương pháp dạy học tiếng mẹ đẻ, phát triển năng lực giao tiếp của học sinh thông qua những tình huống giao tiếp có thực, gần gũi cuộc sống của các em;dạy học tập trung vào người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và vận dụng kiến thức, kĩ năng; đa dạng hóa các hình thức tổ chức, phương pháp và phương tiện dạy học; dạy học tích hợp, kết hợp dạy tiếng Khmer với dạy văn hóa và dạy văn học.
Giáo viên đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học và sự tiến bộ của học sinh thông qua các hoạt động nghe, nói, đọc, viết. Kết quả học tập môn tiếng Khmer của học sinh được đánh giá bằng hai cách: Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.
Theo dự thảo, chương trình này được áp dụng cho các trường học vùng dân tộc Khmer có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cơ sở giáo dục thực hiện chương trình cần có đủ cơ sở vật chất trường lớp, sách giáo khoa, sách giáo viên, thiết bị dạy học môn Tiếng Khmer theo quy định; có giáo viên Tiếng Khmer đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; cán bộ quản lí và giáo viên dạy tiếng Khmer được tham gia các khóa bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học Tiếng Khmer.
Học sinh hoàn thành chương trình Tiếng Khmer sau mỗi cấp độ có kết quả kiểm tra cuối cùng đạt điểm 5 trở lên được cấp chứng chỉ Tiếng dân tộc theo cấp độ.