Món quà yêu thương

GD&TĐ - Ngoài những tác phẩm kinh điển như: “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”… Nguyễn Huy Tưởng còn có những truyện nhỏ xinh dành riêng cho thiếu nhi.

Bài học về cách sống thiện cũng được nhắc đến rất nhiều trong cuốn 'Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Nguyễn Huy Tưởng'. Ảnh: Anh Sơn
Bài học về cách sống thiện cũng được nhắc đến rất nhiều trong cuốn 'Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Nguyễn Huy Tưởng'. Ảnh: Anh Sơn

Không chỉ được biết đến với những tác phẩm kinh điển như: “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”, “Bắc Sơn”… tác giả Nguyễn Huy Tưởng còn có những truyện nhỏ xinh dành riêng cho thiếu nhi. Đây là món quà ý nghĩa giúp các bạn trẻ học được nhiều điều về tình yêu thương cũng như cách sống đẹp.

Tác phẩm của tình yêu

“Nguyễn Huy Tưởng viết cho các em ít. Nhưng những tác phẩm của anh để lại thật đã giá trị” hay “Trong văn học cho thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, cho đến bây giờ, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng”.

Đây là những lời nhận xét của nhà văn Tô Hoài dành cho truyện thiếu nhi của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Những nhận định của một nhà văn chuyên viết cho trẻ em như Tô Hoài thêm một lần nữa được nhấn mạnh trong lời mở đầu cuốn “Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Nguyễn Huy Tưởng”: “Niềm tin yêu qua những trang viết thấm đẫm tình yêu thương con người, trân trọng cuộc đời mà Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm vào từng truyện thiếu nhi của mình”.

Cuốn sách này nằm trong bộ sách cùng tên do NXB Kim Đồng ấn hành, nơi mà những tác phẩm dành riêng cho thế hệ độc giả trẻ của rất nhiều tác giả, trong đó có cả Nguyễn Huy Tưởng được tổng hợp, giới thiệu với người đọc. Mỗi cuốn sách trong bộ sách này tuy đều có màu sắc, phong cách hành văn riêng của từng tác giả, nhưng đều hướng đến trẻ em và ẩn chứa trong từng dòng chữ là tình yêu thương cũng như sự trìu mến ấm áp, đong đầy.

“Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Nguyễn Huy Tưởng” “mặc” tấm áo bên ngoài giản dị nhưng lại thu hút được ánh nhìn của độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó là hình ảnh chú chim đại bàng tốt bụng, đưa hai anh em Nhà và Gạo, vượt qua núi sông để đi tìm mẹ mà ai hồi bé cũng đã từng được gặp qua lời kể của mẹ hay bà (truyện “Tìm mẹ”). Ngoài ra, người đọc cũng sẽ gặp thêm 10 truyện thiếu nhi đặc sắc nữa ngay khi lật bìa sách và cùng đắm mình vào thế giới thiếu nhi “đôn hậu vô cùng và cũng rất nghiêm khắc” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Xuyên suốt 11 tác phẩm trong cuốn sách, người đọc không khó để nhận thấy tình cảm mà tác giả gửi gắm vào câu chuyện. Đó có thể là câu chuyện cổ tích được Nguyễn Huy Tưởng kể lại như: “An Dương Vương xây thành ốc”, “Tìm mẹ”, “Con cóc là cậu ông giời”, “Tấm Cám”… Hay câu chuyện lịch sử về vua Quang Trung, về lá cờ thêu sáu chữ vàng của Trần Quốc Toản hay là cả về đôi tay của người chiến sĩ kiên trung của cách mạng, kháng chiến.

Các nhân vật như cô bé dũng cảm ở câu chuyện đầu tiên như “Cô bé gan dạ”, hai anh em trong “Tìm mẹ”, hay là thằng Quấy trong tác phẩm cùng tên đều là những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, buộc phải tự mình vươn lên trong cuộc sống.

Anh em Nhà, Gạo thì mồ côi cha, lạc mất người mẹ yêu dấu, cô bé Thứ bị bắt làm vật hiến tế cho vị hung thần hay như thằng Quấy: “Nó ở đâu đến, ai sinh ra nó, nó cũng không hay. Nó chỉ biết một điều là nó đi ở cho chúa làng”. Khi thể hiện các nhân vật có hoàn cảnh đáng thương có tuổi đời còn rất nhỏ như vậy, Nguyễn Huy Tưởng luôn sử dụng một giọng văn ấm áp, thân thuộc, gần gũi cũng như xây dựng cho họ những vẻ đẹp trong tâm hồn.

Điển hình như, một cô gái nhỏ bé như cô Thứ, sắp phải đi vào cõi chết nhưng vẫn cứng cỏi “nhìn bố mẹ, mắt sáng lên, mặt quả quyết” và “ấp ủ cái ý tưởng là giết hung thần, để báo thù cho những chị em xấu số đã đi trước nàng, và nhất là để trừ hẳn một cái ách cho dân”.

Hơn nữa, cách kể chuyện của Nguyễn Huy Tưởng cũng thật cuốn hút, như đối thoại trực tiếp với người đọc vậy: “Tôi kể cho các em nghe chuyện một chiến sĩ”. 238 trang sách cùng 11 câu chuyện đã phần nào cô đọng được tình cảm mà tác giả luôn dành cho biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Tập truyện có nhiều minh họa sinh động. Ảnh: Anh Sơn

Tập truyện có nhiều minh họa sinh động. Ảnh: Anh Sơn

Bài học bổ ích

Không chỉ gây ấn tượng với người đọc về cảm xúc ẩn chứa trong từng dòng chữ, Nguyễn Huy Tưởng còn viết truyện thiếu nhi như là một cách giáo dục thế hệ trẻ những bài học bổ ích trong cuộc đời.

Qua ngòi bút của nhà văn, lịch sử không còn khô khan nữa mà tràn đầy sinh khí, hào hùng như cách nhà vua Quang Trung hành quân, đánh tan quân Thanh. Hay thật xúc động, chạm đến trái tim độc giả từ hình ảnh đôi bàn tay bùng cháy của người chiến sĩ Bẩm kiên trung.

Khi bị giặc tra tấn, đánh đập và thậm chí dọa đốt đi đôi bàn tay lành lặn, Bẩm vẫn kiên quyết không khai về đồng chí bí thư, dẫu biết rằng muốn trở lại với cuộc sống bình thường với đôi bàn tay tàn tật thì chẳng dễ dàng gì.

Khi ngọn lửa bùng lên cũng là lúc anh thi gan với quân thù và thể hiện tấm lòng trung thành của mình với kháng chiến, Tổ quốc. Chính đôi bàn tay tàn tật tưởng chừng không thể làm được việc gì ấy đã đào hầm, tiếp tục đánh giặc: “Anh tự hào nhìn đôi bàn tay sứt mẻ. Với đôi bàn tay ấy anh vẫn còn phục vụ được nhiều…”.

Lịch sử dân tộc được tái hiện qua ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng trở nên thật gần gũi, dạy cho độc giả trẻ về lòng yêu quê hương, đất nước và trân trọng những gì cha ông đã gây dựng để có được ngày hôm nay.

Bài học về cách sống thiện cũng được nhắc đến rất nhiều, xuyên suốt cả cuốn sách. Những tên cường hào, ác bá bóc lột dân lành như chúa làng trong hai truyện “Thằng Quấy” và “Tìm mẹ” hay mụ dì ghẻ độc ác trong “Tấm Cám”… dù có xảo quyệt đến đâu cũng không thể thoát khỏi sự trừng trị.

Tình yêu được hòa quyện cùng những bài học vô giá đã khiến các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng ngày càng được các bạn thiếu nhi tìm đọc và yêu mến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Tượng cóc thiềm thừ mạ vàngGiá Macallan Thương hiệu Quà Tặng Mạ Vàng Golden GiftThiết bị bếp nhà hàng Quang Huy Plaza Quà tết giá rẻ set quà tết Nut Corner KATA Tech Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩu