Món quà vô giá

GD&TĐ - Với các thầy cô giáo dạy học ở vùng khó khăn tỉnh Tuyên Quang, kỷ niệm ngày 20/11 là những bông hoa mào gà đỏ rực, hoa tóc tiên còn đọng sương hái ven đường đi học, là bó mía vừa chặt ở vườn nhà… học sinh dân tộc thiểu số trân trọng mang tặng thầy cô.

Cô giáo Nguyễn Thị Quyên hiện đang công tác tại Trường THCS Tân Yên (Hàm Yên, Tuyên Quang)
Cô giáo Nguyễn Thị Quyên hiện đang công tác tại Trường THCS Tân Yên (Hàm Yên, Tuyên Quang)

Không lời chúc tụng văn hoa, có khi chỉ đẩy nhẹ lưng cô, dúi vội đóa hoa, hay vòng tay ôm thầy cười vang rồi chạy biến… Thế mà nhớ lại, các thầy cô vẫn cứ cay cay khóe mắt, ấm áp trong tim…

Học trò ngày xưa tặng cô tấm bằng đại học
 
Tháng 3/1997, cô Nguyễn Thị Quyên được phân công về công tác tại trường THCS Minh Khương (Tuyên Quang). Cô Quyên là giáo viên chủ nhiệm lớp 8 với 16 học sinh, trong đó có nữ sinh tên Vũ Thị Huyền, nhà chỉ có hai mẹ con quấn túm qua ngày.

Ngoài các hoạt động trên lớp, buổi chiều, cô Quyên thường cùng cả lớp đi nhận dãy cỏ vườn cam. Tiền thu được một phần dành mua bóng đá, cầu lông, cờ vua cả lớp chơi tập thể, một phần hỗ trợ các HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình em Huyền hay nhận được sự giúp đỡ nhất vì gia đình chỉ có hai mẹ con mà mẹ em thường xuyên ốm đau. Cô Quyên và cả lớp thường đến giúp gia đình những việc vừa sức tuổi học trò.

Năm 1998, sau 3 tháng nghỉ hè, đến trường cô Quyên không thấy Huyền đi học. Hỏi ra mới biết mẹ Huyền phải mổ tim nên em nghỉ học đi chăm mẹ. Ngày mẹ Huyền ra viện, kinh tế gia đình suy sụp, Huyền định nghỉ học để đi làm thuê nuôi mẹ.

Cô Quyên thương học sinh lắm, vừa động viên Huyền gắng đi học, vừa tính cách làm thêm để có tiền giúp học trò. Thế là ngoài giờ dạy ban ngày, cô Quyên và Huyền đi gặt thuê, dãy cỏ thuê.  Tối đến, cô Quyên lại dạy bù kiến thức khi Huyền nghỉ học trông mẹ ốm.

Sáng 20/11 năm đó, Huyền đến phòng cô giáo tặng cô 3 quả cam và hai bông hoa mào gà, ngập ngừng  nói lời cảm ơn cô. Cô Quyên xúc động lắm. Đây là món quà đầu tiên cô nhận được trong ngày 20/11, món quà với những bông hoa đặc biệt! Cô Quyên ôm Huyền vào lòng, động viên học trò bé bỏng vững tinh thần vượt qua khó khăn… 

8 năm sau, đúng ngày 20/11/2006, cô Quyên vừa về phòng thì bất ngờ có một vòng tay ôm chặt từ phía sau cùng tiếng cười con gái. Nhìn lại đúng là Huyền rồi, em xinh xắn, cười rạng rỡ cầm tấm bằng Đại học sư phạm và bó hoa hồng đỏ tặng cô: Em xin tặng cô tất cả! 

Cả cô và trò đều bật khóc…

NGƯT Nguyễn Thị Thuần Yên và các học trò hiện tại
NGƯT Nguyễn Thị Thuần Yên và các học trò hiện tại 

Cuộc điện thoại quốc tế trước ngày 20/11

Đã gần 30 năm gắn bó với nghề, NGƯT Nguyễn Thị Thuần Yên – giáo viên Trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang vẫn nhớ mãi cuộc điện thoại quốc tế gọi đến cô vào ngày 19/11. Hôm đó, cô Yên nhận được cuộc điện thoại từ Nhật Bản của học trò cũ Nguyễn Năng Tỉnh. 

Cậu học trò tình cảm bày tỏ: “Em hỏi mãi mới biết được số điện thoại của gia đình cô. Em gọi điện về chúc mừng cô nhân ngày 20 /11. Kính chúc cô mạnh khỏe và công tác tốt. Cô ơi! Dù đi đến phương trời nào em vẫn nhớ tới công lao của cô đối với em. Sau khi đỗ đại học em đã hết sức cố gắng để học thật tốt và được đi du học với học bổng toàn phần sau đó đã được giữ lại làm việc tại Nhật Bản cô ạ. Cô giữ gin sức khỏe nhé! Khi nào về nước em sẽ ghé thăm cô…”

Cúp máy xong mà cô Yên cứ thấy bâng khuâng, bao kỉ niệm chợt ùa về. Hình ảnh một cậu bé gầy gò nhà rất nghèo ở vùng sâu, mẹ bị bệnh tâm thần , bố mất sớm. đi học mà không có tiền ăn. May mà ngày ấy trường chuyên còn kí túc xá. Ngày nào cậu bé ấy cũng đi rửa bát thuê hay giặt quần áo để lấy mua cơm.

Biết chuyện các thầy cô trong trường đã thay nhau giúp đỡ em. Ngày ấy ai cũng khó khăn nhưng với tấm lòng của thầy cô giáo và bạn học, cậu học trò đã vượt qua khó khăn để học hành và thành đạt. Mặc dù chẳng có điều kiện về thăm nhưng em đã không phụ sự kì vọng của tôi và đồng nghiệp. 

Với cô Nguyễn Thị Thuần Yên, cuộc điện thoại bất ngờ từ nước Nhật là món quà tuyệt vời nhất cô được nhận trong ngày 20/11. Với những người chèo đò qua dòng sông chữ nghĩa, hạnh phúc nhất là thấy được sự trưởng thành, lòng biết ơn của các học trò dành cho mình. 

Thầy Lâm Quang Bình bên các học sinh Trường Tiểu học – THCS Thanh Phát
Thầy Lâm Quang Bình bên các học sinh Trường Tiểu học – THCS Thanh Phát

Thầy trò nắm tay nhau  “vồ ếch”

Trong suốt 20 năm công tác tại Trường TH –THCS Thanh Phát, thầy Lâm Quang Bình đã chứng kiến bao kỷ niệm vui buồn cùng các em học sinh thuộc vùng dân tộc thiểu số ít người. Điểm trường Cầu Khoai cách Trường trung tâm 12km, đường rừng núi hiểm trở gập ghềnh, các em học sinh tới trường phải trèo đèo, lội suối rất nguy hiểm. Thế nhưng thương quý thầy cô, học sinh vẫn ngày ngày lên lớp đầy đủ.

Nhớ lần kỷ niệm ngày 20/11 tại trường trung tâm, mặc đường rừng mưa gió trơn trượt, thầy Bình cùng một học sinh đại diện vẫn hồ hởi đi bộ 12km đến dự buổi lễ. Trên đường hai thầy thi nhau ngã. Thầy Bình hỏi học sinh: Em có mệt không? Học sinh trả lời làm thầy Bình rớt nước mắt: Em không mệt thầy à. Em rất vui được đi cùng thầy ra dự lễ kỷ niệm lớn của trường mình.

Thương học sinh, thầy Bình ghé lưng cõng em tới trường, đến nơi hai thầy trò quần áo lấm lem hết cả, nhưng cảm thấy ấm áp vì những yêu thương, chia sẻ của các thầy cô giáo và học sinh ở trường trung tâm. 

Dự lễ xong, buổi chiều, thầy Bình và học trò quay về điểm trường. Về đến nơi, chân thì run, mắt thì hoa lên vì mệt, nhưng trước mắt thầy Bình là các học sinh bé nhỏ xếp hai hàng trước cổng trường, tay cầm hoa chuối rừng, hoa mào gà, hoa tóc tiên, có trò còn cấm một cái bánh… chạy ùa đến ôm thầy, ríu rít nói: Em tặng thầy bó hoa nhân ngày nhà giáoViệt Nam! Em chúc thầy mạnh khỏe!…Cái mệt như tan biến, thầy Bình ngồi xuống, cười tươi giang tay ôm các học sinh vào lòng, thấy cay cay khóe mắt…

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trường thầy Bình công tác giờ đã được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ các phòng chức năng phục vụ cho việc dạy và học. Mỗi lần đi trên con đường trải nhựa hôm nay, thầy Bình vẫn nhớ những đoạn đường lầy lội năm xưa, khi hai thầy trò nắm tay nhau “vồ ếch” nhưng vẫn vang nụ cười…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.
Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.