Tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý
Trong năm 2019, đồng thời với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, trong đó quy định cụ thể về cơ chế tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong trường phổ thông, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy tinh thần tự chủ, đổi mới và sáng tạo trong dạy và học.
Điểm đáng chú ý, Chương trình GDPT mới sẽ giao quyền tự chủ sắp xếp chương trình dạy học cho các trường. Vì vậy, cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực đổi mới chương trình giáo dục.
Chia sẻ về vai trò của hiệu trưởng trong quá trình đổi mới, cô giáo Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) cho biết: Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT nêu rõ hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí. Như vậy Chuẩn hiệu trưởng là thước đo đánh giá và cũng tạo cơ hội cho CBQL tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng yêu cầu mới.
Cô Xuân cho rằng, hiệu trưởng cần bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng chống bạo lực học đường; Tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường; bồi dưỡng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường.
Đổi mới quản lý hoạt động dạy - học là nhiệm vụ đòi hỏi người “thủ lĩnh” phải có con mắt nhìn xa trông rộng được hiện thực hóa bằng việc chú trọng giáo dục toàn diện học sinh, đào tạo nên thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hiệu trưởng phải là người truyền lửa đối với đội ngũ các nhà giáo. Ảnh minh họa |
Đi đầu trong đổi mới
Tại hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành về chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, kết quả Chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc vào việc triển khai thực tiễn. Trong đó cần sự đồng hành, phối hợp của đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý. Chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế, thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, muốn có đội ngũ giáo viên chất lượng thì hiệu trưởng phải là người đi đầu trong đổi mới. Thực tế minh chứng, khoảng cách giữa ngôi trường hàng đầu và ngôi trường bình thường thể hiện năng lực của người hiệu trưởng. Họ biết chỉ ra những điểm trọng tâm cần làm, kiên định với các quyết sách tạo sự khác biệt, bền bỉ xây dựng các giá trị văn hóa cốt lõi, khích lệ những nỗ lực dù nhỏ nhất của giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú (Thanh Hóa) nhận định: Ở bất cứ lĩnh vực nào, người quản lý cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong các nhà trường, hiệu trưởng chính là đầu tàu để khởi động cả cỗ máy cùng vận hành về phía trước. Trước yêu cầu đổi mới, đầu tàu ấy phải có những bước đột phá tự biết làm mới mình mới có thể dẫn dắt các đồng nghiệp cùng thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Chúng ta đang trong nhịp bước của quá trình đổi mới, vì thế người hiệu trưởng phải luôn đi đầu trong phong trào đổi mới đó, để luôn là người truyền lửa đối với đội ngũ các nhà giáo.
Từ thực tiễn mạnh dạn đổi mới công tác quản lý giáo dục, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: Muốn đổi mới quản lý, người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động quyết tâm cao, tìm tòi giải pháp thực sự phù hợp. Hơn nữa, phải khơi dậy tinh thần cùng đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả các thành viên. “Vẽ” lên chân dung của hiệu trưởng thời kỳ đổi mới là cần trang bị kỹ năng mềm để đủ tự tin điều hành nhà trường như một doanh nghiệp nhưng không làm mất bản sắc nhà trường phổ thông.
Vì thế, người đứng đầu trong các nhà trường không chỉ giỏi về năng lực chuyên môn mà cần vững vàng trong công tác quản lý; Biết đánh giá đúng năng lực từng cá nhân, công tâm trong phê phán cũng như khen thưởng. Người hiệu trưởng giỏi còn là người dám đột phá xây dựng những mô hình mới bắt kịp với các xu hướng tiên tiến trên thế giới.
Thực tế, trong môi trường giáo dục, hiệu trưởng biết điều hành, quản lý giỏi, chất lượng giáo dục được khẳng định và ngược lại. Đó là điều khiến những người đứng đầu cơ sở giáo dục được trao quyền lái con thuyền giáo dục ra biển lớn tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới phải suy ngẫm.