Theo dự thảo chương trình môn học tiếng Mnông, cấu trúc chương trình tiếng Mnông được xây dựng theo hai bậc A và B, cơ cấu bằng 3 chương trình chuẩn đầu ra. Bậc A gồm 2 trình độ là trình độ A1 và trình độ A2.
Trình độ A1 áp dụng cho cấp tiểu học gồm 5 năm học với tổng số 350 tiết học, mỗi năm học 70 tiết, mỗi tuần học 2 tiết. Trình độ A2 áp dụng cho cấp trung học cơ sở gồm 4 năm học với tổng số 420 tiết học, mỗi năm học 105 tiết, mỗi tuần học 3 tiết. Trình độ B áp dụng cho cấp trung học phổ thông gồm 3 năm học với tổng số 315 tiết học, mỗi năm học 105 tiết, mỗi tuần 3 tiết.
Chương trình lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) làm trục chính xuyên suốt cả ba trình độ (A1, A2, và B) nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng phát triển năng lực.
Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản về tiếng Mnông, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng trình độ.
Căn cứ vào chương trình, giáo viên chủ động, linh hoạt xây dựng và tổ chức các bài học theo định hướng sau:
Thực hiện yêu cầu tích hợp nội môn (cả kiến thức và kĩ năng), tích hợp liên môn và tích hợp những nội dung giáo dục ưu tiên (xuyên môn); thực hiện dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh ở tất cả các cấp và phân hóa góp phần định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông.
Rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Mnông, văn học Mnông thông qua các hoạt động học bằng nhiều hình thức trong và ngoài lớp học; chú trọng sử dụng các phương tiện dạy học, phát triển tư duy, rèn luyện kĩ năng sử dụng các phương tiện cho học sinh.
Tăng cường, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh; dành nhiều thời gian cho học sinh nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu học tập, luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập để học sinh biết tự đọc, viết, nói và nghe theo những yêu cầu và mức độ khác nhau; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh.
Trong môn tiếng Mnông, giáo viên đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và sự tiến bộ của học sinh thông qua các hoạt động nghe, nói, đọc, viết.
Cũng theo dự thảo, môn Tiếng Mnông là môn học tự chọn. Vì thế, kết quả học tập của môn học này chưa phải là yếu tố được chọn để xếp học lực và xét lên lớp cho học sinh nên sẽ không sử dụng phương thức đánh giá định kì (sau mỗi năm học, sau mỗi trình độ, sau mỗi cấp học) để đánh giá kết quả học tập của học sinh ở môn học này mà chủ yếu bằng phương thức đánh giá thường xuyên.
Hình thức đánh giá được thực hiện liên tục trong suốt quá trình dạy học, do giáo viên môn học tổ chức; hình thức đánh giá gồm: giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh tự đánh giá.
Để đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể dựa trên quan sát và ghi chép hằng ngày về học sinh, việc học sinh trả lời câu hỏi hoặc thuyết trình làm bài kiểm tra, viết phân tích và phản hồi, viết thu hoạch,...
Chương trình môn Tiếng Mnông là chương trình khung, được thực hiện thống nhất trong các trường học trên toàn quốc có dạy học tiếng Mnông cho học sinh như là học ngôn ngữ mẹ đẻ.
Căn cứ vào chương trình khung này, có thể sẽ có nhiều nhóm tác giả biên soạn những bộ sách giáo khoa tiếng Mnông khác nhau. Điều này thể hiện chủ trương đa dạng hóa sách giáo khoa mà vẫn đảm bảo được sự thống nhất về chương trình giáo dục của Đảng và Nhà nước. Mỗi nhóm tác giả sách giáo khoa, tùy vào quan điểm của mình, có quyền chọn thiết kế các bộ sách có cấu trúc khác nhau.
Dù thiết kế cấu trúc của bộ sách theo cách nào thì các tác giả sách vẫn phải đảm bảo sách giáo khoa bao gồm đủ những nội dung học tập và định hướng về phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá đã nêu trong chương trình này.
Bên cạnh sách giáo khoa là các tài liệu học tập chính, bắt buộc, các nhóm tác giả có thể biên soạn các tài liệu bổ trợ để hỗ trợ học sinh học tập có chất lượng hơn như: Sách điện tử, Vở bài tập, Sách đọc thêm, các đoạn video, clip cung cấp tư liệu cho việc học tập của học sinh,…