“Giảm tải” bằng dạy học phân hóa

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho HS được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Việc “trao quyền” đó không chỉ “giảm tải” cho tâm lý HS, mà còn giúp các em chủ động, tự tin với các môn học, từ đó sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.

HS Trường phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội) chủ động sáng tạo trong giờ khoa học
HS Trường phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội) chủ động sáng tạo trong giờ khoa học

Thay đổi cách dạy học phân hoá

Ở Việt Nam, dạy học phân hoá đã được chú trọng từ lâu. Tuy nhiên, do áp dụng các giải pháp chưa phù hợp nên dạy học phân hoá chưa đem lại hiệu quả.

Chia sẻ về dạy học phân hóa trong Chương trình GDPT mới, Tổng Chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Chương trình GDPT mới chú trọng cả hình thức phân hoá trong (phân hoá vi mô) và phân hoá ngoài (phân hoá vĩ mô).

Phân hoá vi mô thể hiện chủ yếu qua định hướng về phương pháp GD, nhấn mạnh tính tích cực hoá hoạt động của người học; khuyến khích HS tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân; qua định hướng về đánh giá kết quả GD, nhấn mạnh sự tiến bộ của từng HS.

Phân hoá vĩ mô thể hiện ở các môn học tự chọn, các chủ đề, chuyên đề học tập lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp. Ở giai đoạn GD cơ bản, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện GD toàn diện và tích hợp, Chương trình GDPT mới thiết kế một số môn học và hoạt động GD theo các chủ đề, tạo điều kiện cho HS lựa chọn những học phần hoặc chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.

Ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động GD bắt buộc (gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1; GD Thể chất, GD Quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung GD của địa phương), HS được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của mình.

Các môn học lựa chọn được chia thành 3 nhóm môn: Nhóm môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, GD kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Mỗi HS được chọn năm môn trong ba nhóm môn này, với điều kiện ở mỗi nhóm môn phải chọn ít nhất một môn.

Ngoài ra, trong mỗi năm học, HS chọn học chuyên đề học tập của ba môn bất kì, mỗi môn ba chuyên đề, với tổng số tiết chuyên đề/ môn là 35 tiết/năm học. Với hệ thống chuyên đề này, HS có được cơ hội học sâu một số nội dung chuyên môn nâng cao, phù hợp với những ngành nghề mà HS định theo đuổi trong tương lai.

Thay đổi cách dạy và học là yêu cầu căn bản trong nội dung Chương trình GDPT mới
Thay đổi cách dạy và học là yêu cầu căn bản trong nội dung Chương trình GDPT mới 

Những thách thức và giải pháp

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc dạy học phân hóa theo Chương trình GDPT mới có thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này là có thể khắc phục.

Đơn cử, việc cho HS được lựa năm trong số chín môn học, thay vì phải học tất cả các môn như quy định của chương trình hiện hành, tuy giảm bớt gánh nặng học hành cho các em, nhưng sẽ gây ra một số khó khăn ban đầu cho nhà trường trong việc triển khai kế hoạch GD. Cách thức sắp xếp lớp học có thể sẽ không theo lớp học cố định như lâu nay. Do việc lựa chọn môn học của HS có thể thay đổi hằng năm, nên nhu cầu giáo viên các môn học cũng có sự thay đổi tương ứng. Ngoài ra, hệ thống chuyên đề của ba môn cũng đòi hỏi nhà trường phải có những cách thức sắp xếp lớp học linh hoạt và hiệu quả.

Yêu cầu phân hoá vi mô đòi hỏi phải giảm sĩ số trong một lớp học, để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá phù hợp với các đối tượng HS khác nhau, từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng HS. Yêu cầu phân hoá vĩ mô đòi hỏi nhà trường phải tăng số phòng học để sắp xếp lớp học một cách linh hoạt cho các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập.

Dạy học phân hoá đòi hỏi giáo viên có trình độ chuyên môn và sư phạm cao, thực sự hiểu HS để có sự hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp đối với mỗi HS. Đây là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay.

Nói về giải pháp, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc sắp xếp lớp học linh hoạt theo cách thức mới chỉ là khó khăn ngắn hạn. Sau một thời gian triển khai Chương trình GDPT mới, các trường sẽ quen dần với việc này. Theo quy định của Chương trình GDPT tổng thể, việc đáp ứng nhu cầu lựa chọn môn học của HS còn phụ thuộc vào điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Để đáp ứng nhu cầu lựa chọn môn học của HS trong điều kiện còn hạn chế của các trường phổ thông công lập hiện nay, các trường phổ thông, trường văn hoá, nghệ thuật và các CLB thể thao trên cùng một địa bàn có thể liên kết trong việc trao đổi giáo viên hoặc tiếp nhận HS để thực hiện kế hoạch GD.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp hành động đẩy mạnh thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Chỉ thị yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới.

Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý GD theo chuẩn; phát triển các khoá, tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GD để thực hiện Chương trình GDPT mới; ứng dụng CNTT trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lí giáo viên và cán bộ quản lý GD trong cả nước;

Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GD để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động phối hợp với địa phương để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý GD.

“Việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới” -GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.