Molnupiravir: Thuốc khiến virus bị “lỗi” khi sao chép

GD&TĐ - Thuốc Molnupiravir khiến virus khi sao chép sẽ thành virus lỗi. Từ đó, dẫn đến các bản sao chép sẽ không nguy hiểm như virus ban đầu vừa vào bên trong tế bào.

Molnupiravir có tác dụng giảm gần một nửa nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19.
Molnupiravir có tác dụng giảm gần một nửa nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19.

Uống ngay khi có triệu chứng

Molnupiravir là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Từ cuối tháng 8, Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care).

Hơn 26.000 F0 ở TPHCM đang điều trị tại nhà. Họ được phát 3 túi thuốc (A, B, C), tùy tình trạng bệnh lý. Trong đó, túi thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng.

Túi thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông. Đặc biệt, túi thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir.

Theo Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19” phiên bản lần thứ 7. Phiên bản mới này sẽ thay thế hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành vào tháng 7. So với hướng dẫn cũ, trong phiên bản này, Bộ Y tế đã bổ sung thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus... như thuốc Remdesivir, Molnupiravir.

PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho biết, Molnupiravir từng được nghiên cứu để chữa trị bệnh cúm. Thuốc uống vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành những hoạt chất ngăn cản chuỗi nhân đôi của virus SARS-CoV-2 theo 2 giai đoạn.

Ở giai đoạn đầu tiên, khi vào bên trong tế bào, thuốc sẽ chuyển hóa thành các khối “giả” tương tự như chuỗi xây dựng RNA. Virus SARS-CoV-2 khi đó sẽ dùng protein RNA polymerase đem các khối “giả” vào bên trong bộ gen của mình.

Ở giai đoạn 2, các khối RNA giả sẽ kết nối với bộ gen của virus SARS-CoV-2 để tiếp tục sao chép. Do những khối này là “giả”, nên khi virus sao chép sẽ không đồng nhất.

“Như vậy, thuốc này làm cho virus khi sao chép sẽ thành virus lỗi. Dẫn đến các bản copy sẽ không còn nguy hiểm như virus ban đầu vừa vào bên trong tế bào”, PGS Huỳnh giải thích.

Chuyên gia này chia sẻ, thuốc Molnupiravir chủ yếu dành cho bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Thuốc cần phải uống ngay khi bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hay vừa, hoặc vừa phơi nhiễm tiếp xúc với SARS-CoV-2.

“Thuốc này chủ yếu dành cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hay tại nhà. Một nghiên cứu trước đây dành cho bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị trong bệnh viện đã bị ngưng do không có tác dụng”, PGS Huỳnh dẫn chứng.

Hiệu quả giảm tử vong cao

Thuốc Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình.
Ngày 1/10, đại diện hãng Merck cho biết, thuốc viên Molnupiravir có tác dụng giảm gần một nửa nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19, sau khi phân tích thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ, để biết xác suất thuốc Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, cần sử dụng phương pháp Bayes.

Cụ thể, giả định rằng, thuốc không có hiệu quả. Sau đó, mô tả giả định này bằng luật phân bố beta với tham số alpha = beta = 1. Sau đó, dùng số ca quan sát được tích hợp với thông tin tiền định sẽ cho ra thông tin hậu định. Từ đó, có thể ước tính xác suất hiệu quả của thuốc.

“Chúng ta định nghĩa “hiệu quả” ở đây là giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong từ 50% trở lên. Do đó, chúng ta sẽ dùng phân bố hậu định để ước tính xác suất Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong ít nhất là 50%”, Giáo sư Tuấn giải thích.

Kết quả cho thấy, xác suất Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện là 42%. Trong khi đó, xác suất có hiệu quả giảm tử vong là 97,5%. Chuyên gia này nhận định, Molnupiravir có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện, nhưng ở mức độ khiêm tốn. Tuy nhiên, chứng cứ về khả năng giảm tử vong khá rõ ràng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.