Molnupiravir có thể gây ảnh hưởng lâu dài

GD&TĐ - Đặc điểm cơ chế của Molnupiravir là gây biến dị cho RNA của virus.

Molnupiravir kháng virus bằng cách đưa các lỗi vào quá trình sản xuất, nhân bản virus.
Molnupiravir kháng virus bằng cách đưa các lỗi vào quá trình sản xuất, nhân bản virus.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, thuốc có thể gây biến dị cho ADN của người, gây ung thư, đặc biệt các loại tế bào phân chia nhanh như tế bào máu, hay tinh trùng. Một lo ngại khác là thuốc có thể tạo ra các biến dị ở virus làm nó nguy hiểm hơn.

Lưu ý khi dùng thuốc

Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế khuyến cáo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, dưới 18 tuổi sẽ ảnh hưởng xương, nam giới ảnh hưởng tinh trùng. Quan điểm được Hội đồng đưa ra trong phiên họp ngày 8/1.

Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không được sử dụng để dự phòng tránh mắc Covid-19.

Thuốc không được dùng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, giới chức khuyến cáo người bệnh không cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều cuối cùng.

Ngoài ra, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều cuối cùng.

Để bảo đảm an toàn và hiệu quả, Bộ Y tế cảnh báo chỉ sử dụng Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định. Không tự ý mua, sử dụng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Thuốc Molnupiravir tại Việt Nam đang được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, diện cấp phát, không bán trên thị trường. Bộ Y tế đã phân bổ tổng cộng hơn 400.000 liều thuốc Molnupiravir cho chương trình này.

Chương trình được triển khai tại TPHCM từ giữa tháng 8 và hiện mở rộng tới 53 địa phương có dịch. Kết quả thử nghiệm Molnupiravir ghi nhận gần 100% bệnh nhân dùng thuốc có tải lượng virus thấp, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong.

Chiều 5/1, Hội đồng tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc đề xuất Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành có điều kiện 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Sau khi được cấp số đăng ký, các doanh nghiệp sẽ bắt tay sản xuất Molnupiravir trong nước.

Lo ngại về tính an toàn lâu dài

PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học California Northstate (Mỹ) chia sẻ, Molupiravir đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận để điều trị Covid-19. Thuốc này kháng virus bằng cách đưa các lỗi vào trong quá trình sản xuất, nhân bản virus, tạo ra thông tin mới. Khi đó, virus mới tạo ra sẽ không thể hoạt động.

Tuy nhiên, cách can thiệp này gây quan ngại vì thuốc có thể tương tác và ảnh hưởng tới gen tế bào. Bên cạnh đó, thuốc cũng không được dùng ở trẻ em dưới 18 tuổi.

“Tác dụng phụ sau khi dùng thuốc có thể bao gồm nhức mỏi, khó ngủ, cảm giác như cúm, tiêu chảy. Bệnh nhân có thai hoặc sắp có thai cần cẩn thận vì thuốc tác động tới gen tế bào. Nam giới cũng vậy, vì thuốc ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng”, PGS Trần Huỳnh khuyến cáo.

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) lý giải, khi Molnupiravir vào nhân của tế bào con người, nó được chuyển hoá thành molnupiravir triphosphate. Protein này gắn kết vào RNA của virus và gây đột biến để không tự sao chép được.

“Chính vì cơ chế này mà người ta quan tâm là thuốc Molnupiravir có thể can thiệp vào tế bào của con người. Trong thực tế, nghiên cứu trên dòng tế bào đã chỉ ra điều đó. Người ta quan tâm là vì thuốc có thể gây ung thư hay dị tật bẩm sinh cho thai nhi”, Giáo sư Tuấn dẫn chứng.

TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) cũng cho biết, Molnupiravir đi kèm với một loạt lo lắng về tính an toàn lâu dài.

“Do đặc điểm cơ chế của thuốc là gây biến dị cho RNA của virus, người ta lo ngại nó cũng có thể gây biến dị cho ADN của người, gây ung thư, đặc biệt các loại tế bào phân chia nhanh như tế bào máu, hay tinh trùng. Vì lý do này, thuốc có chống chỉ định cho phụ nữ mang thai, cho con bú.

Một lo ngại đáng kể khác là thuốc có thể tạo ra các biến dị ở virus làm nó nguy hiểm hơn (dễ lây hoặc kháng vắc-xin), đặc biệt ở những người không điều trị đủ liệu trình hoặc ở những người bị suy giảm miễn dịch”, TS Trung nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.