Hãy luôn nói “vâng ạ”
Khi mới về nhà chồng, hãy luôn ghi nhớ một câu thần chú: “mẹ chồng luôn đúng". Đừng bao giờ nghĩ rằng việc cãi sẽ làm bà nghĩ rằng bạn cứng cỏi, nể nang và sau này không dám đụng. Hành động này sẽ làm bạn mất điểm trầm trọng, khiến bạn khó sống hơn mà thôi.
Ông bà ta có câu: “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, đừng để cái mồm làm hại cái thân.” Mẹ chồng dù sao cũng lớn tuổi, hãy khôn ngoan chiều lòng và nhún nhường bà một chút. Bà sẽ cảm thấy được tôn trọng, mà xem bạn là nàng dâu khôn khéo, đủ khả năng thay bà gánh vác chuyện gia đình sau này.
Lâu dần, khi đã tạo được thiện cảm nhất định trong lòng mẹ chồng, bạn hãy từ tốn góp ý và chia sẻ với bà bằng thái độ tôn trọng.
Dành thời gian bên mẹ chồng sau bữa tối
Bữa tối chính là thời điểm gắn kết mọi người trong gia đình với nhau. Sau khi cơm nước xong xuôi, thay vì cùng ông xã lên phòng, bạn nên gần gũi với mẹ chồng. Bạn có thể cùng bà uống trà, xem chương trình bà thích, hoặc nhổ tóc sâu.
Đây là thời điểm lý tưởng để bạn tâm sự và gần gũi với mẹ chồng. Bạn có thể cùng bà bình luận, hoặc chia sẻ về những thăng trầm trong cuộc sống. Khi bạn chủ động mở lòng, mẹ chồng chắc chắn cũng sẽ đón nhận lại bạn.
Đừng tạo ra rào cản với mẹ chồng. Nên nhớ bà cũng từng trải qua cảnh làm dâu trăm họ, dù cách bạn cả một thế hệ. Nàng dâu khôn khéo sẽ tạo ra sự đồng cảm, đồng thời cũng thấu hiểu cho người mẹ thứ hai này.
Nắm rõ được sở thích của mẹ chồng
Tôn Tử có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng.” Bạn nên nhớ rằng, dù tặng một đôi giày đắt tiền đến đâu, nếu không hợp ý mẹ chồng, cũng trở thành công cốc.
Qua ông xã, hãy tìm hiểu xem mẹ chồng là người thế nào, phong cách sống ra sao. Đồng thời, trong cuộc sống thường nhật, bạn hãy tinh tế quan sát bà.
Vào mỗi dịp lễ, tết, sinh nhật, hãy mua tặng bà những món quà nho nhỏ, hợp sở thích. Mẹ chồng dù khó tính đến đâu cũng sẽ bị chinh phục bởi sự chân thành, khéo léo và tâm lý của bạn đấy.