Mỗi tỉnh phải có ít nhất 1 hợp đồng đào tạo theo nhu cầu

Mỗi tỉnh phải có ít nhất 1 hợp đồng đào tạo theo nhu cầu
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã tiến hành báo cáo các kết quả sau 7 tháng triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTG, với mục tiêu tiếp tục đào tạo nghề cho 400.000 lao động nông thôn, thí điểm dạy nghề cho khoảng 18.000 người, với 50 nghề đào tạo và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 12.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt tối thiểu 80%.

Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo trung ương và các bộ ngành liên quan, các địa phương đã tổ chức triển khai đề án,  nhiều địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo. Qua đó 15 tỉnh, thành  đã lựa chọn mô hình, sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp, 12 tỉnh, thành đã phê duyệt mức chi phí đào tạo nghề. Một số tỉnh thí điểm đã hoàn thành công việc theo tiến độ.

Tuy vậy triển khai đề án vẫn còn một số bất cập, thiếu giáo viên dạy nghề, chương trình còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Các đại biểu tại Hội nghị
Các đại biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo khẳng định ý nghĩa của chương trình đào tạo nghề nông thôn trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chương trình này có quy mô lớn, bình quân 1 triệu lao động nông thôn đào tạo 1 năm, liên tục trong 10 năm, vì vậy phải tổ chức hết sức tập trung và  khoa học, cơ hội để  tạo chuyển biến, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn, cung cấp nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phó Thủ tướng đánh giá: Sau 7 tháng thực hiện đề án, ở cấp quốc gia các bộ, ngành đã triển khai tốt, hoàn thành hầu hết việc đặt ra. Ở địa phương, 63 tỉnh thành đã khởi động đề án, đánh giá công việc ở mức tốt hoặc trung bình tùy mỗi địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tồn tại một số điểm như: Chương trình hành động ở địa phương thì hạn chế, đang làm; 50% chưa triển khai kịp thời một số chính sách của Quyết định 1956 /QĐ-TTG, nếu có cũng chưa đều. Hiện tại, các địa phương đã đầy đủ cở sở để trong tháng 7, 8 hoàn thành các phần việc tổ chức địa phương.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Qua hội nghị, trên 20 hợp đồng đào tạo giữa các tổ chức dạy nghề và các doanh nghiệp sử dụng lao động, dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước là Tổng cục Dạy nghề cũng được ký kết. Đây là một việc làm ý nghĩa gắn với yêu cầu từ đây cho đến cuối năm tất cả các tỉnh đều phải ký kết ít nhất 1 hợp đồng lao động đào tạo theo nhu cầu.

Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương hoàn thành 8 nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thành dứt điểm việc ban hành các văn bản pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều tra, khảo sát, xây dựng đề án đến năm 2020; xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện đề án; hoàn thành xây dựng giáo trình, học liệu, danh mục dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng giáo viên… Còn ở các địa phương phải hoàn thành 10 việc làm trọng tâm từ đây cho đến  đến cuối năm như: Hoàn thành việc ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện đề án, tổ chức hội nghị quán triệt đề án ở các địa phương cơ sở; hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn…

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ