Hai thầy cô nên duyên nhờ cắm bản

Họ học chung với nhau suốt 3 năm nhưng lúc đó không nảy sinh tình cảm. Chính những ngày cắm bản gieo chữ trên non, thấu hiểu nỗi vất vả, chứng kiến sự tận tụy yêu nghề của “đối phương” mà tình yêu của họ nảy nở. Cô giáo đồng bằng quyết lên non dạy chữ cùng với người yêu.

Hai thầy cô nên duyên nhờ cắm bản
Bản Phà Khốm - nơi thầy Vi Văn Mùi cắm bản dạy chữ cho học trò người Mông Trường Tiểu học Tri Lễ 2 (xã Quế Phong, Nghệ An).
Bản Phà Khốm - nơi thầy Vi Văn Mùi cắm bản dạy chữ cho học trò người Mông Trường Tiểu học Tri Lễ 2 (xã Quế Phong, Nghệ An).

Theo nhau lên núi

Tôi gặp thầy giáo Vi Văn Mùi (SN 1991, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An) năm 2017, khi đó Mùi đang là giáo viên cắm bản Huồi Xái 2. Đây là một trong những điểm bản xa nhất của ngôi trường khó khăn bậc nhất Nghệ An. Hồi đó, Mùi vừa cưới vợ. Vợ Mùi là cô giáo Đinh Thị Hiền (SN 1992), từ quê lúa Yên Thành "ngược non" đi cắm bản.

Mùi và Hiền vốn là bạn học cùng lớp tại Trường CĐ Sư phạm Nghệ An. Ra trường, thầy giáo Mùi xin về công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2 (Quế Phong) - nơi cách nhà mình hơn 30km. Cô giáo Hiền sau một thời gian cũng quyết định rời quê nhà, lên huyện biên giới Quế Phong để tìm cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn và được bố trí công tác tại Trường Tiểu học Quế Sơn.

Thầy Vi Văn Mùi (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp đi hái măng rừng cải thiện bữa ăn sau giờ lên lớp (ảnh FBNV).
Thầy Vi Văn Mùi (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp đi hái măng rừng cải thiện bữa ăn sau giờ lên lớp.

"Thời điểm đó cũng chỉ gọi điện, nói chuyện phiếm với nhau như kiểu bạn học cũ thôi, cũng chưa nảy sinh tình cảm gì. Hồi đó tôi được phân công dạy tại điểm Phà Khốm - một trong những điểm trường xa và khó khăn bậc nhất của Tri Lễ 2. Có lần tôi rủ cô ấy lên điểm trường mình dạy chơi cho biết, ai ngờ cô ấy lên thật và… ở lại Tri Lễ 2 luôn", thầy giáo Mùi hài hước kể.

Thực ra cô giáo Hiền được chuyển công tác từ Quế Sơn lên Tri Lễ 2, đảm nhận nhiệm vụ cắm bản ở Huồi Luống. Từ điểm trường chính đến Phà Khốm phải đi qua Huồi Luống nên thầy Mùi phụ trách luôn việc đưa đón cô Hiền từ trường chính lên điểm bản vào sáng thứ 2 và "về trả" vào chiều thứ 6.

Chính cung đường rừng hiểm trở, những khó khăn vất vả trên con đường đến lớp đã rút ngắn khoảng cách giữa hai người đồng nghiệp khác giới. Họ bắt đầu quan tâm đến nhau nhiều hơn, vui niềm vui của nhau, buồn nỗi buồn của những giáo viên cắm bản thiếu thốn đủ bề. Tình yêu đến với họ nhẹ nhàng như thế nhưng cả hai ngại ngần không dám nói…

Từ hai người bạn cùng lớp, Vi Văn Mùi và Đinh Thị Hiền trở thành đồng nghiệp trước khi quyết định gắn bó cuộc đời với công tác dạy học ở biên giới Việt - Lào này.
Từ hai người bạn cùng lớp, Vi Văn Mùi và Đinh Thị Hiền trở thành đồng nghiệp trước khi quyết định gắn bó cuộc đời với công tác dạy học ở biên giới Việt - Lào này.

Thông qua một người dân từ Phà Khốm xuống trung tâm xã, cô Hiền biết thầy Mùi nên bị ốm mua sữa, bánh cùng một đồng nghiệp ở điểm trường mầm non trong bản quyết định lên thăm. Từ chỗ của cô giáo Hiền đến điểm trường của thầy Mùi chỉ gần 4km nhưng phải đi đến gần 2 tiếng đồng hồ, chưa kể thêm gần 1 tiếng trèo dốc cao mới đến nơi.

Hay tin thầy Mùi vào rừng lấy măng chưa về, cô giáo trẻ ngồi bệt xuống trước cổng, bật khóc tức tưởi vì nghĩ mình bị… lừa.

"Sau 4 ngày ốm thì tôi đỡ hơn. Ở điểm trường thiếu thốn, anh em phải tự vào rừng cải thiện thêm. Thế nên khi cô ấy đến nơi thì tôi đi lấy măng chưa về. Cô ấy nghĩ mình bị lừa, ức quá, làm một hơi hết… 4 hộp sữa và cả gói bánh. Đi thăm người ốm mà uống cả sữa thăm người ốm luôn", thầy Mùi cười lớn khi kể lại câu chuyện đã trở thành giai thoại trong tình yêu của mình.

Niềm vui của thầy giáo cắm bản là những bó hoa rừng học trò tặng vào những dịp lễ (ảnh FBNV)
Niềm vui của thầy giáo cắm bản là những bó hoa rừng học trò tặng vào những dịp lễ.

"Làm gì uống đến 4 hộp sữa, chỉ uống có một hộp thôi", cô Hiền phản bác nhưng tủm tỉm cười. "Thực ra hồi ấy đã có gì chính thức đâu nhưng cảm thấy ấm ức ghê lắm, thế là giận nhau luôn. Căng đến nỗi thầy điểm trưởng phải đứng ra "giảng hòa" mới êm" - cô Hiền nói thêm.

Giữa nơi núi cao hiểm trở, thông tin gián đoạn, việc liên lạc không phải dễ dàng gì. Tối, thầy Mùi trèo lên đỉnh núi cao hứng sóng rớt để gọi điện trò chuyện với nữ đồng nghiệp. Tình cảm để chín muồi nhưng không dễ gì mở lời được. "Không dưới 3 lần tôi lấy hết can đảm gọi điện để tỏ tình nhưng cứ khi vào việc chính là… mất sóng. Đợt đó trời lại mưa suốt, đành phải ở lại bản, không thể về được", thầy Mùi kể.

"Em có ở lại "cắm bản" với anh không?"

Đầu năm học 2015-2016, thầy Mùi có quyết định chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4, khoảng cách hai người càng xa hơn. Nếu như trước đây, 1 vài tuần, lâu thì 1 tháng có thể gặp nhau thì nay, hai người đi hai cung đường ngược nhau, gặp nhau lại càng khó. Thứ duy nhất kết nối họ là những cú điện thoại phập phù bởi ở Huồi Xái 2 vào thời điểm đó vẫn là bản "nhiều không".

Cuối năm 2017, họ về chung một nhà bằng đám cưới theo phong tục của đồng bào Thái.
Cuối năm 2017, họ về chung một nhà bằng đám cưới theo phong tục của đồng bào Thái.

"Xa xôi cách trở mới biết cần nhau, yêu nhau đến nhường nào. Một phần thời điểm đó xung quanh Hiền cũng có nhiều "vệ tinh", nếu mình không rõ ràng, dứt khoát sợ đánh mất cơ hội. Cuối tuần đó tôi quyết định về, hẹn Hiền ra quán cà phê và… nói thẳng. Cô ấy không nói gì, chỉ cười. Thôi, thế là mình quyết luôn, chả cần đợi người ta đồng ý", thầy Mùi vui vẻ kể.

Từ huyện Yên Thành lên vùng biên dạy học, lúc đầu cô giáo Hiền cũng nghĩ đi một thời gian rồi về, ở quê còn bố mẹ. Những ngày bám bản Huồi Luống gieo chữ, nơi thiếu thốn đủ bề, giao thông, liên lạc cách trở, không ít khi cô giáo trẻ chông chênh. Chính tình yêu với người đồng nghiệp cắm bản đã "níu" cô lại, gắn bó với những em nhỏ nơi biên giới heo hút nghèo khó này.

Tình yêu đủ chín, cô giáo miền xuôi quyết định ở lại làm dâu bản Thái, học cách làm vợ, làm mẹ và làm quen phong tục tập quán của đồng bào. Ngày 29/10/2017, một đám cưới ấm cúng, giản dị theo đúng phong tục của đồng bào Thái và đám cưới hiện đại được tổ chức cùng với sự chúc phúc của gia đình hai bên và toàn thể giáo viên hai trường.

Vợ chồng thầy giáo cắm bản Vi Văn Mùi đón đứa con đầu lòng chào đời vào tháng 8 vừa qua.
Vợ chồng thầy giáo cắm bản Vi Văn Mùi đón đứa con đầu lòng chào đời vào tháng 8 vừa qua.

Chốn đi về của đôi vợ chồng trẻ là gian nhà tập thể nhỏ bé ở Trường Tiểu học Tri Lễ 2. Khi cô Hiền mang bầu, nhà trường tạo điều kiện để cô chuyển về dạy ở điểm chính, thầy Mùi vẫn miệt mài cắm bản Huồi Xái.

Tháng 8/2018, cô Hiền về quê để tiện sinh con, thầy Mùi được chuyển công tác về điểm chính của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 ở bản Mường Lống, phụ trách công tác Đội.

"Năm học này, đường từ Trường Tiểu học Tri Lễ 4 ra quốc lộ 48 đã tốt hơn. Hiện cơ quan chức năng đang huy động máy móc để mở đường ô tô vào bản Mường Lống. Giao thông thuận tiện hơn nên cuối tuần tôi có thể tranh thủ về thăm, ngủ với con 1 đêm rồi lên trường cho kịp giờ dạy. Chỉ thương vợ, lấy chồng, ở quê chồng lạ nước lạ cái, lạ phong tục, chồng lại công tác xa nên không mấy khi được đỡ đần", thầy Mùi tâm sự.

Sau Tết nguyên đán sắp tới, cảnh mỗi người một quê mới kết thúc khi cô Hiền hết thời gian nghỉ thai sản, quay trở lại trường nhưng vì công tác, họ cũng sẽ không được ở gần nhau.

"Đó cũng là cái khó chung của những cặp vợ chồng cắm bản chị ạ. Khó khăn rồi cũng sẽ qua bởi xung quanh chúng em có gia đình, có đồng nghiệp, có học trò", cô giáo Đinh Thị Hiền chia sẻ.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ