Một mối tình lãng mạn
Năm 1935, nhà bác học lỗi lạc Einstein đang công tác tại đại học Priceton của Hoa Kỳ. Chính tại đây ông đã bị tiếng sét ái tình làm cho mê mẩn.
Số là năm đó trường Priceton có nhã ý tạc một bức tượng Eintein để trưng bày. Họ đã mời nhà điêu khắc tài hoa người Liên Xô là Conencov thực hiện bức tượng này. Conencov có một người vợ không chính thức tên là Margarita rất xinh đẹp. Khi Einstein gặp Conencov để làm mẫu cho nhà điêu khắc thực hiện công việc đã trông thấy Margarita lần đầu tiên và ngay lập tức bị cuốn hút.
Margarita vốn sinh ra trong một gia đình quý tộc tỉnh lẻ và từng học Đại học Luật ở Moscow. Bà là một người có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành lại có trí thông minh bẩm sinh do vậy càng hấp dẫn. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Liên Xô đương thời đã phải xiêu lòng trước sắc đẹp của Margarita như nhà văn Ivan Bunin (người sau này được Nobel Văn học).
Sau đó Margarita lọt vào mắt xanh của nhà tạc tượng nổi tiếng Conencov. Mặc dù khi đó Conencov đã 42 tuổi trong khi Margarita mới độ tuổi 20 nhưng không gì ngăn cản được họ đến với nhau.
Mặc dù thế, gia đình Margarita thẳng thừng từ chối khi Conencov đến xin cưới. Điều này khiến Conencov đau khổ đóng kín cửa ở trong phòng luôn vài ngày. Nhưng chính Margarita ngay sau đó đã chủ động đến phòng Conencov tình nguyện chung sống với người nghệ sĩ này.
Họ đã chung sống với nhau nhiều năm ở Liên Xô. Năm 1923 hai người sang Mỹ dự một cuộc triển lãm quốc tế và quyết định ở lại Mỹ. Đó là quãng thời gian trước khi Margarita gặp Einstein để mang lại cho nhà bác học lừng danh những năm tháng hạnh phúc.
Cuốn sách Các điệp viên và điệp vụ lừng danh thế giới của Nxb Lao Động và Trung tâm Văn hóa Đông Tây ấn hành cho biết Margarita cũng ấn tượng sâu sắc về Einstein ngay trong lần gặp đầu tiên.
Bà cảm nhận về Einstein: “Ông ấy là người khiêm nhường, không thích các cuộc hội hè, thường hay nói đùa là mình nổi tiếng chỉ vì có mái tóc xù như sư tử. Trong lúc chồng tôi vẽ chân dung ông, ông kể rất sinh động và mê say về thuyết Tương đối của mình.
Tôi chăm chú lắng nghe nhưng còn rất nhiều điều không hiểu nổi. Sự chăm chú của tôi động viên được ông ấy, khiến ông vớ lấy tờ giấy vẽ sơ đồ và hình họa để thuyết minh cho tư tưởng của mình. Đôi khi những lời diễn giải bỗng thay đổi tính chất, chuyển thành chuyện đùa.
Chính trong thời điểm như vậy chúng tôi đã cùng vẽ một bức chân dung Einstein và ông ấy đã nghĩ ra cái tên tác giả là Almar (Albert + Margarita)”.
Mặc dù lúc này Einstein đã 56 tuổi còn Margarita 39 tuổi nhưng sự thể hiện tình yêu của họ vẫn rất cuồng nhiệt và lãng mạn. Einstein đã bạo gan viết một bài Sonat gửi cho Margarita với những lời lẽ lãng mạn như:
“Hãy tới Priston với anh trong đời thực
Để nghỉ ngơi để tĩnh tâm đôi chút
Ta sẽ cùng đọc Lev Tolstoi
Em sẽ ngước nhìn anh khi mệt mỏi
Đôi mắt dịu dàng êm ái bình yên
Và anh thấy ánh trời sáng bừng lên
Em vẫn nói em yêu anh có thể…”
Với sự bàng quan của nhà tạc tượng Conencow, nhiều năm sau đó, Einstein và Margarita thường xuyên gặp gỡ nhau, cùng nhau nghỉ hè…
Thậm chí để có điều kiện gần gũi tình nhân, Einstein còn viết một bức thư cho Conencow rằng, theo ý kiến của một bác sĩ bạn của ông, Margarita nên thường xuyên tới vùng Saranak Lake nghỉ vì ở đó có khí hậu thích hợp với những người mắc một căn bệnh bí hiểm như bà.
Ai cũng biết rằng tại khu vực đó, Einstein luôn duy trì du thuyền nổi tiếng của mình và ông cũng đã thuê tại đó ngôi nhà số 6.
Tình yêu và bom nguyên tử
Thực tế Margarita cũng có tình cảm với Einstein nhưng ngoài tình yêu, việc bà đến bên Einstein còn nằm trong một kế hoạch tình báo của Liên Xô nhằm moi bí mật công nghệ bom nguyên tử của Mỹ.
Từ khi sang Mỹ, Margarita đã trở thành một mắt xích trong lưới tình báo của Liên Xô ở Mỹ. Bà nhận chỉ thị trực tiếp từ Lisa Zarubina – vợ của trưởng cơ quan tình báo Liên Xô ở Mỹ.
Mặc dù các tài liệu không nói cụ thể là việc Margarita quen Einstein là vô tình hay hữu ý nhưng có nhiều khả năng cho thấy nó là sự sắp xếp của cơ quan tình báo Liên Xô.
|
Nhà bác học Einstein. Ảnh: Internet. |
Thông qua Einstein, Margarita đã thu nhận được những thông tin cần thiết về quá trình chế tạo bom nguyên tử của Mỹ đồng thời cũng “cấy” thêm được những điệp viên khác vào môi trường thân cận với nhà bác học đại tài này.
Cũng thông qua Einstein, Margarita đã biết ngày Mỹ thử quả bom nguyên tử đầu tiên (16/7/1945) tại bang New Mexico hai tuần trước khi sự kiện này xảy ra.
Tuy nhiên các tài liệu và thông tin lấy được vẫn chưa đủ để Liên Xô tự sản xuất bom nguyên tử. Do vậy nhiệm vụ nặng nề lại được giao cho Margarita.
Vào lúc này Margarita đã muốn trở lại Liên Xô vì đã xa quê hương hơn 20 năm. Tuy nhiên cơ quan tình báo Liên Xô ra điều kiện phải làm sao để Einstein cung cấp thêm thông tin về bom nguyên tử thì mới được trở về.
Nhiệm vụ thật khó khăn, Margarita không có cách gì khác hơn đành phải “đánh bài ngửa” nói thật với Einstein và cầu mong một sự giúp đỡ. Tất nhiên Einstein có những ngạc nhiên nhưng rồi cuối cùng vì tình yêu ông đã làm hết sức mình.
Riêng câu chuyện này, cuốn Lật lại những trang hồ sơ mật của Nxb Thông tấn lại có thêm một chi tiết nữa rằng việc Einstein cung cấp thông tin cũng không hoàn toàn chỉ vì tình yêu.
Tài liệu này viết: “Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Albert Einstein cũng như nhiều nhà khoa học tham gia dự án Manhattan (dự án chế tạo bom nguyên tử của Mỹ) luôn cảm thấy dằn vặt lương tâm.
Ông cũng muốn cung cấp cho Liên Xô những tin tức liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử để tạo thế cân bằng, không cho Mỹ độc quyền bom nguyên tử tác oai tác quái”.
Sau phi vụ này, Margarita được rút về Liên Xô. Ban đầu Einstein lưu luyến muốn giữ bà lại nhưng sau đó ông nhận ra rằng điều đó quá nguy hiểm cho tình nhân nếu Mỹ phát hiện ra bà là gián điệp. Bởi vậy hai người đã chia ly.
Người ta nói rằng đến cuối đời (Einstein mất năm 1955) ông vẫn giữ nguyên vẹn những tình cảm tốt đẹp nhất về Margarita – người đã làm ông hạnh phúc nhất trong đời. Còn Margarita trở về Liên Xô nhưng lúc nào cũng nhớ nhung Einstein.
Để xoa dịu nỗi đau tình cảm của bà, tình báo Xô Viết đã tạo điều kiện để bà và Einstein trao đổi thư từ gián tiếp qua một người khác. Chỉ đến khi Mỹ và Liên Xô xảy ra Chiến tranh Lạnh thì họ mới phải cắt đứt mọi liên lạc.
Cho đến khi chết, Margarita đã yêu cầu người nhà hủy hết giấy tờ tư liệu liên quan đến đời tư của bà nhưng vẫn giữ lại bên mình 9 bức thư tình và chiếc đồng hồ của Einstein tặng trước lúc chia ly.
Theo kienthuc.net.vn