Mỗi nơi một kiểu 'boa'

GD&TĐ - Trên truyền thông và mạng xã hội toàn cầu đang 'sốt' cuộc chiến 'boa hay không boa'.

Chỉ các nhà nghỉ truyền thống ở Nhật Bản mới nhận 'boa'. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com
Chỉ các nhà nghỉ truyền thống ở Nhật Bản mới nhận 'boa'. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com

Những cụm từ mới như “mệt vì boa”, “thẹn vì boa”, “lạm phát boa”… xuất hiện khắp các ngả, cho thấy thái độ bức xúc của không ít người. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ về văn hóa “boa” các nơi, có thể bạn sẽ thấy khá thú vị nữa.

Nhật Bản: Từ chối nhận

Trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản, các du khách nước ngoài thường được nhắc nhở đừng “boa”. Với quốc gia xem trọng wabi-sabi (khổ hạnh) này, “boa” là hành vi xúc phạm.

Từ nhân viên khách sạn cho đến người bán hàng rong ở Nhật Bản đều nỗ lực hướng tới sự hoàn thiện và chỉ mưu cầu được công nhận. Thay vì tiền “boa”, nếu hài lòng với dịch vụ của họ, bạn chỉ cần buông tiếng khen hoặc nói lời cảm ơn. Hai câu thông dụng được người Nhật Bản làm nghề dịch vụ yêu thích nhất là oishikatta (ngon quá) và gochiso sama (cảm ơn vì đã mời).

Bất chấp sự nhắc nhở từ các công ty du lịch, một số du khách vẫn để lại tiền “boa”. Thỉnh thoảng, trên đường phố Nhật Bản lại xuất hiện nhân viên ngành dịch vụ đuổi theo khách để trả lại tiền và đây không phải cảnh cảm động mà chỉ đầy khó xử. Nếu đến Nhật Bản chơi, bạn nhớ đừng phạm phải lỗi này!

Mặc dù ghét “bị boa”, ở Nhật Bản vẫn có một nơi chấp nhận được “boa” là các ryokan (nhà nghỉ kiểu truyền thống). Tuy nhiên, nhân viên ryokan - các nakai san (người phục vụ mặc kimono, chuẩn bị thức ăn và nệm cho khách) chỉ nhận “boa” khi được cho một cách kín đáo, tế nhị là bỏ tiền vào trong phong bì, dán lại và ghi chú bên ngoài.

Ai Cập: Nhất định phải “boa”

'Boa' là chuyện đương nhiên ở Ai Cập. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com

'Boa' là chuyện đương nhiên ở Ai Cập. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com

Các khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á có chung tục lệ là baksheesh (bố thí) và Ai Cập là quốc gia yêu thích tinh thần baksheesh nhất. Tại đây, các nhân viên dịch vụ không chỉ vô tư nhận “boa”, mà còn gợi ý du khách hãy “boa”.

Xin đừng vội tức giận! Đạo Hồi, tôn giáo phổ biến ở Ai Cập cũng như khu vực Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á, có 5 nguyên lý lớn và baksheesh là một trong số này.

Với người Ai Cập, bố thí là hành động hảo tâm và người có lòng hảo tâm là người hành thiện tích đức, sẽ được báo đáp. Tiền baksheesh cũng không cần phải lớn, chỉ 1 - 2 USD là đủ. Đổi lại, bạn sẽ được chào đón niềm nở và phục vụ tận tình.

Trung Quốc: Bước đầu chấp nhận

Người Trung Quốc đang dần thả lỏng trước 'boa'. Ảnh: Thomas Winz,

Người Trung Quốc đang dần thả lỏng trước 'boa'. Ảnh: Thomas Winz,

Nguyên tắc số một của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bình đẳng nhân quyền, người Trung Quốc mang tinh thần tự tôn cực cao và thậm ghét sự kẻ cả. Vì thế, “boa” từng bị cho là hành vi xem thường người khác và cấm đoán.

Đất nước Trung Quốc đang phát triển nhanh và mạnh, đô thị hóa xảy ra khắp chốn. Mặc dù say sưa chạy theo công nghệ, nỗ lực đột phá trên mọi lĩnh vực, đời sống Trung Quốc vẫn còn nặng tinh thần tự tôn cực đoan. Ngay cả ở các siêu đô thị hiện đại nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, “boa” vẫn là hành vi khiếm nhã, thậm chí là hối lộ.

Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch và ảnh hưởng từ giao lưu văn hóa đã dẫn đến sự thay đổi thái độ đối với tiền “boa”. Tại những nơi đông du khách nước ngoài, “boa” bắt đầu được chấp nhận.

“Nếu đến thăm Trung Quốc và muốn “boa”, bạn đừng ngại ngần “boa” cho những phu khuân vác, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên pha chế… Không như tinh thần tự tôn cực đoan truyền thống, người lao động khá hoan nghênh “boa””, Maggie Tian (Úc), Tổng Giám đốc Công ty du lịch Intrepid Travel khuyên.

Mỹ: Lạm phát “boa”

'Boa' đang là gánh nặng với cả du khách lẫn người dân ở Mỹ. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com

'Boa' đang là gánh nặng với cả du khách lẫn người dân ở Mỹ. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com

Trên toàn cầu, Mỹ là đất nước xem trọng “boa” nhất. Trong khi ở khắp các nơi, “boa” là tùy tâm thì ở đây, “boa” giống như luật. Hiện, tiền “boa” đang là 20 – 25% hóa đơn và, với cả người dân địa phương lẫn du khách, “boa” thật sự là gánh nặng.

“Mới đây, khi tới New York, tôi chỉ đi mua có một chai nước khoáng ở tiệm tạp hóa thôi mà khi trả tiền, tôi bị đòi phải thêm “boa””, Peter Anderson (Anh), Giám đốc điều hành của dịch vụ hỗ trợ du lịch Knightsbridge Circle than phiền.

Tranh cãi “boa hay không boa” đang sốt trên truyền thông và các mạng xã hội đã xuất phát từ Mỹ. Người Mỹ hiện dẫn đầu trào lưu “không boa” và thay thế “boa” bằng cách trả lương công bằng hơn cho nhân viên. Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Chỉ nội việc dừng lạm phát “boa” đã rất khó, tính gì đến không “boa” và chuyển đổi cơ chế tiền lương.

Đan Mạch: Không cần

Người Đan Mạch có thói quen làm tròn hóa đơn và đây cũng là một kiểu 'boa'. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com

Người Đan Mạch có thói quen làm tròn hóa đơn và đây cũng là một kiểu 'boa'. Ảnh: Thomas Winz, Gettyimages.com

Trong khi toàn cầu cãi vã kịch liệt về “boa hay không boa”, Đan Mạch đứng ngoài luồng. Nhờ đất nước giàu có, người dân Đan Mạch được hưởng lợi lớn từ GDP bình quân cao và hệ thống phúc lợi tốt nhất thế giới. Nhân viên thuộc ngành nghề dịch vụ ở đây không phụ thuộc vào tiền “boa” nên, dù khách có “boa” hay không “boa” cũng không thành vấn đề.

Tuy không bắt buộc, “boa” vẫn là thông lệ ở Đan Mạch cũng như trên khắp vùng Scandinavia. Cách thức “boa” thường thấy là làm tròn hóa đơn. Với ngân sách dư dả, người dân Đan Mạch không bị áp lực khi trả thêm một chút tiền này. Có lẽ chính vì vậy, cuộc sống ở đây rất thoải mái. Hiện, Đan Mạch đang là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ