Nhưng đáng chú ý hơn, theo giới chuyên gia, với những FTA thế hệ mới như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) - thì chúng ta đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu, với thuận lợi cũng như thách thức song hành.
Dẫn dắt cuộc chơi
Nếu như trước năm 2007 (năm Việt Nam gia nhập WTO), Việt Nam chỉ mới ký kết được 2 FTA, thì tiếp sau đó một số FTA khác, song phương và đa phương khác, được ký kết. Nhưng mạnh mẽ nhất phải kể đến thời điểm từ 2016 đến nay, khi liên tiếp chúng ta ký kết cũng như đàm phán với nhiều thị trường.
Trong đó nổi bật là việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA). Và cũng còn phải kể đến việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Với các FTA thế hệ mới, ngành được coi là có nhiều lợi thế nhất chính là dệt may. Nếu như khi tham gia WTO, thuế quan áp dụng với hàng may mặc thành phẩm trung bình là 25%, thì khi các FTA ký kết, mức thuế quan giảm chỉ còn 0 - 5%. Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp dệt may cần tận dụng những lợi thế này để nâng cao giá trị xuất khẩu sang các thị trường, từ đó đẩy mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, nói rộng ra, vẫn theo ông Khanh, chúng ta có thị trường hơn 90 triệu dân nhưng chưa tận dụng được. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chú trọng vào việc xuất khẩu mà cần có các giải pháp cạnh tranh để giành lại thị trường trong nước từ các đối thủ nước ngoài.
Điều này có thể được xem như một cảnh báo, vì rằng nếu “bỏ trống sân nhà” thì chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh khi hội nhập, thực hiện các FTA. Vì rằng, các đối thủ kinh tế đến từ bên ngoài cũng đang đợi mở cửa thực sự theo các điều khoản ký kết của FTA để tiến vào thị trường Việt Nam.
Nói cách khác, phải làm chủ được “sân nhà”, phải ở vị trí thống lĩnh thị trường dẫn dắt được “cuộc chơi” ngay tại sân nhà thì mới có đủ sức mạnh để gia nhập sân chơi toàn cầu.
Thực tế thì, với EVFTA và CPTPP, nhìn chung hầu hết các nền kinh tế can dự cuộc chơi này đều ở trình độ cao. Nên việc tạo được năng lực cạnh tranh cũng như xâm nhập thị trường mới là điều không dễ dàng.
Giới chuyên gia dẫn chứng, đối với ngành chăn nuôi, sản phẩm của ngành hàng này sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu dù lộ trình giảm thuế quan của nước ta là khá dài (thịt gà sau 11 - 12 năm, thịt heo tươi sau 10 năm, thịt heo đông lạnh sau 8 năm).
Thời gian qua, người ta đã thấy sức cạnh tranh của một số nông sản sản xuất trong nước không cao. Ví như loại thịt gà đông lạnh nhập khẩu, gà “3 không”: Không đầu, không cổ, không cánh - từng được bán tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, chỉ với 25.000 đồng/kg; có nghĩa là giá không bằng 1/2 giá sản phẩm cùng loại chăn nuôi trong nước.
Tương tự, giới chuyên gia cho rằng, với thế mạnh về sản phẩm dệt may, nếu không đổi mới tư duy, thay đổi cách tổ chức sản xuất, thì lợi thế giá nhân công rẻ sẽ không còn khi thực hiện các FTA thế hệ mới.
Ngồi trên “đống vàng” thì phải biết cách khai thác
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại khi nhận định về CPTPP đã cho rằng, phần lớn nội dung của Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vẫn giữ như TPP, có 22 điều được hoãn thực thi hoặc điều chỉnh.
Toàn bộ phần thương mại hàng hóa (bao gồm thuế quan, dệt may, quy tắc xuất xứ, hợp tác hải quan…) không thay đổi. CPTPP tuy không mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam như TPP nhưng vẫn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư. Đây được coi là một nhận định lạc quan.
Ngày 14/1/2019, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để hành động tận dụng cơ hội, hạn chế thấp nhất các rủi ro.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì việc chúng ta phải hành động là điều chắc chắn, bởi nếu doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức mà không hành động, hiệu quả của việc gia nhập CPTPP giống như ngồi trên “đống vàng” mà không biết cách khai thác.
Còn nói như TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì tham gia sân chơi mới với những đạo luật mới như CPTPP, cái mà chúng ta cần phải nắm vững chính là “luật chơi”. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng nhiều quy định khác, nhất là các quy định về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường. Ở một khía cạnh khác, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khi thực hiện các
FTA thế hệ mới thì doanh nghiệp không thể đứng một mình, mà cần phải liên kết để tạo sức mạnh. Đặc biệt, liên kết các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, đây chính lại là hạn chế “cố hữu” của các doanh nghiệp Việt Nam.
Kỳ vọng ở 2019
Năm nay, Việt Nam sẽ thực hiện những FTA thế hệ mới rất quan trọng. Vậy, có thể kỳ vọng gì ở ngắn hạn cũng như trung hạn?
Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, khi triển khai FTA thế hệ mới, Việt Nam cần cẩn trọng với những tác động từ bên ngoài, cho dù 3 năm qua tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (GDP) là rất ấn tượng.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn còn bị tác động do những ảnh hưởng của biến động kinh tế cả trong nước cũng như thế giới. Căng thẳng thương mại leo thang toàn cầu cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Đưa ra những dự báo cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019, nhiều tổ chức quốc tế đã có những nhận định khả quan. Trong Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á vừa phát hành, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) duy trì dự báo tăng trưởng cho khu vực ở mức 6% cho năm 2018 và 5,8% cho năm 2019. Song, riêng với dự báo cho Việt Nam, ADB đưa ra hai con số cao hơn mặt bằng chung của khu vực ở mức 6,9% cho năm 2018 và mức 6,8% cho năm 2019.
Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng cho thấy, các chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2019 có nhiều gam màu sáng.
Theo ông Sebastian Eckardt - Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, nền kinh tế vẫn đang duy trì tốt. Hoạt động tại tất cả ngành đều khởi sắc, kinh tế vĩ mô ổn định, nhu cầu nội địa cao, cán cân thương mại đang cải thiện và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn dồi dào. Các hiệp định thương mại gần đây, như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.
“Nhìn chung, triển vọng dành cho Việt Nam vẫn rất thuận lợi” - ông Eckardt kết luận và thêm rằng về sức ép từ khả năng tăng giá điện lên lạm phát Việt Nam, WB cho rằng tác động của việc này sẽ không nhiều, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Như vậy, có thể nói rằng, năm 2019 khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các FTA thế hệ mới, thì bức tranh kinh tế vẫn sáng sủa. Cho rằng, không có bất cứ con đường nào đều “trải hoa hồng”.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI)