Những biến thể này có thể gây ra nhiều ca mắc mới, nhập viện và tử vong do Covid-19.
Trước đó, Việt Nam cũng ghi nhận bệnh nhân 1435 nhiễm Covid-19. Đây là người đầu tiên tại nước ta mắc biến thể mới của Anh tên VOC 202012/01. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Lao bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh, hiện tại, bệnh nhân này đã 4 lần âm tính với Covid-19.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Trà Vinh, không có phác đồ điều trị đối với người nhiễm biến thể mới này. Bởi, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Covid-19. Các chuyên gia y tế đã dùng kháng sinh mạnh để điều trị bệnh viêm phổi cho bệnh nhân. Đồng thời theo dõi và điều trị những bệnh lý nền.
Chia sẻ về những biến thể của SARS-CoV-2, TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) cho rằng, việc virus biến đổi là chuyện hiển nhiên. Đặc biệt, với virus có tính lây lan mạnh như SARS-CoV-2, biến thể mới có thể xuất hiện… mỗi ngày.
Chuyên gia lý giải, biến thể mới ở Nam Phi là SARS-CoV-2 501Y.V2. Biến thể này có 9 thay đổi ở protein gai và có thể chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm đột biến ở vùng N của protein, có chứa 4 đột biến thay thế amino acid (L18F, D80A, D215G và R246I) và 1 đột biến xoá đoạn. Nhóm thứ 2 gồm 3 đột biến thay thế amino acid ở vùng gắn RBD (K417N, E484K, and N501Y).
“Một thử nghiệm gần đây của nhóm nghiên cứu Nam Phi cho thấy, ít nhất 6 loại kháng thể đơn dòng loại 1 và loại 2 (nhắm vào vùng gắn RBD) và cả kháng thể đa dòng từ huyết tương người vừa lành bệnh không trung hoà được biến thể Nam Phi. Điều đó làm nhiều người lo ngại, chủng virus này có thể thoát được hiệu quả vắc-xin của 2 nhóm Pfizer và Moderna, vốn dùng trình tự từ protein gai của virus”, TS Hùng dẫn chứng.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, tình hình không quá “tệ” sau khi giải thích dữ kiện cụ thể. Lý giải về vấn đề này, TS Hùng cho biết, kháng thể đa dòng không có tính đặc hiệu như kháng thể đơn dòng. Do đó, khả năng bám của chúng rất thấp.
“Thực tế, phương pháp dùng huyết tương người vừa lành bệnh chữa Covid-19 không được FDA chấp thuận để trị SARS-CoV-2 biến thể cũ. Việc chúng không trị được biến thể mới cũng không có gì bất ngờ. Và, cả kháng thể đơn dòng cũng chưa được FDA chấp thuận”, TS Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số kháng thể đơn dòng trung hoà được biến thể cũ, nhưng không trung hoà được biến thể Nam Phi. Đây được coi là một điều đáng lo ngại, có thể cản trở công cuộc chống đại dịch.
Trước bối cảnh này, không ít loại vắc-xin mới đang được phát triển tác động nhiều vị trí khác nhau, không chỉ trên vùng RBD của protein gai mà còn nhiều vùng khác.
“Ví dụ, vùng N và những vùng khác không chỉ tạo ra kháng thể mới, mà còn kích hoạt cả miễn dịch tế bào T. Đây vốn là một thành phần miễn dịch chống virus rất quan trọng, tương đương hoặc hơn cả kháng thể và dùng để chống lại biến thể mới”, TS Hùng giải thích.
Do đó, theo TS Hùng, mặc dù đáng lo ngại, nhưng người dân không nên hoang mang. Biện pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện tại là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống Covid-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, ít tụ tập...