Tính miễn dịch với virus không dài
Những tuần vừa qua, các nhà khoa học ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Anh và Nam Phi. Mới đây, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo, nước này phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có cấu trúc khác với chủng ở Anh và Nam Phi.
Mặc dù có cấu trúc gần tương tự với biến thể đã phát hiện tại Anh và Nam Phi, song có một số điểm khác trong biến thể này.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, giải thích: “Biến thể 501.V2 của Nam Phi mang ba đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene - nơi tạo ra protein gai dùng để gắn vào tế bào người.
Đột biến N501Y xuất hiện trong biến thể B.1.1.7 ở Anh, song hai đột biến còn lại thì không. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus. Các virus biến thể này dễ bám vào tế bào người và xâm nhập vào nhanh hơn, gây lây lan nhanh hơn nhưng độc tính thì không mạnh hơn”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, lây lan nhanh làm số người mắc cùng một lúc nhiều hơn, đông người nặng nhập viện hơn và khả năng cứu chữa khó khăn hơn. Đồng thời, xảy ra tình trạng thiếu nhân lực và trang thiết bị. Đó là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 được dự báo sẽ cao hơn.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến ca mắc Covid-19 trên thế giới tăng mạnh, PGS Nga nhận định, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn. Vì vậy, số người mắc cùng thời điểm cao hơn, khiến dịch gia tăng nhanh ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, người dân các nước, đặc biệt là châu Âu và Mỹ có sự di chuyển, đi lại nhiều do kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Họ tập trung đông người tại các cuộc lễ hội, ăn uống, văn nghệ, đi lễ nhà thờ. Từ đó, khiến Covid-19 bùng phát.
“Vào mùa đông, thời tiết lạnh, ẩm, thiếu ánh nắng mặt trời tạo điều kiện cho các loại virus tồn tại lâu hơn. Sức đề kháng của con người kém hơn. Con người có xu hướng tập trung ở trong nhà kín để tránh lạnh, nên virus có điều kiện lây lan dễ hơn”, PGS Nga giải thích.
Trước sự xuất hiện của các biến thể mới, không ít người bày tỏ lo ngại về khả năng phòng bệnh của vắc-xin Covid-19. Theo PGS Nga, về nguyên tắc, các vắc-xin được thiết kế để tạo kháng thể phù hợp với chủng virus SARS-CoV-2. Do đó, chúng vẫn hiệu lực khi có đột biến gen ở virus này. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng đã dự báo những biến thể trong tương lai của virus. Vì vậy, các vắc-xin được chế tạo để bao phủ những biến đổi gen đó.
“Tuy vậy, cho đến nay, khoa học vẫn chưa khẳng định được chắc chắn vì hình như con virus này tỏ ra “khôn ngoan” hơn chúng ta tưởng. Nó tìm cách tránh sự phát hiện của kháng thể để tiếp tục lây lan cho con người. Cần có thời gian để theo dõi hiệu quả của vắc-xin. Có trường hợp nhiễm bệnh từ đầu năm 2020, nay lại bị tái nhiễm. Chứng tỏ, tính miễn dịch đối với virus không dài lâu”.
Chỉ cần cập nhật mã di truyền nhỏ ở vắc-xin?
PGS Nga cho biết, hai loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên được phép sử dụng tại Mỹ (do Pfizer và Moderna sản xuất) đều sử dụng mRNA để huấn luyện cơ thể nhận biết và chống lại các protein đột biến này.
Vắc-xin mRNA về cơ bản có hai thành phần quan trọng: mRNA, hoặc một đoạn nhỏ của mã di truyền của virus; Một “con tàu” gồm muối, chất béo và đường cung cấp mRNA đến các tế bào của cơ thể.
“Nếu cấu trúc của protein đột biến này đủ thay đổi khiến hiệu quả của vắc-xin bị ảnh hưởng, có khả năng chỉ cần cập nhật một đoạn mã di truyền nhỏ. Điều này đơn giản hơn nhiều so với việc phát triển một loại vắc-xin hoàn toàn mới”, chuyên gia dự đoán.
Theo PGS Nga, trong cuộc chiến với Covid-19, “Phòng” quan trọng nhiều hơn “Chống”.
“Ngăn chặn không cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào lãnh thổ, cộng đồng và cơ thể các cá nhân là hữu hiệu nhất. Đấy là dự phòng chủ động, dự phòng cấp I. Còn tiêm vắc-xin là dự phòng thụ động, dự phòng cấp II”, PGS Nga nhấn mạnh.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần ngăn chặn Covid-19 bằng cách thực hiện tốt nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).
Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu, khiến hàng chục triệu người mắc, hàng triệu người tử vong.