Các chuyên gia môi trường chỉ ra rằng, chính tốc độ đô thị hóa nhanh cũng như sự phát triển của nông thôn đã khiến cho Việt Nam đối mặt với bài toán xử lý lượng rác thải rắn ngày càng gia tăng.
Báo cáo cảu Bộ Xây dựng cho biết, nếu như năm 2018, cả nước có 819 đô thị thì đến ngày 9/9/2019, cả nước có gần 840 đô thị các loại.
Cụ thể, có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố TP Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V.
Tỉ lệ đô thị hóa của nước ta hiện nay đạt 38,5%.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ phát triển đô thị là nguyên nhân khiến lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khu vực này gấp hơn 1,5 lần so với khu vực nông thôn. Bởi nếu rác thải rắn ở đô thị hiện ước khoảng hơn 37.000 tấn/ngày thì ở nông thôn trong cả nước chỉ hơn 24.000 tấn/ngày.
Như vậy, mỗi ngày cà nước có hơn 60.000 tấn chất thải rắn.
Lượng rác thải rắn nhiều các biện pháp thu gom cũng như xử lý còn hạn chế. Tại thành phố, đô thị tỷ lệ thu gom đạt 85% nhưng nông thôn thu gom mới đạt khoảng 40% - 55%.
Đặc biệt, 71% lượng chất thải rắn sinh hoạt mới dừng ở việc chôn lấp, trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.