Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 17 nghìn trẻ tử vong do sinh non

GD&TĐ - Ngày 17/11 đánh dấu là Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17 nghìn trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.

Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng ngay cả trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân nặng chỉ 500g. Ảnh minh họa của UNICEF Việt Nam.
Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng ngay cả trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân nặng chỉ 500g. Ảnh minh họa của UNICEF Việt Nam.

Sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi. Hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên thế giới, hay cứ 10 trẻ ra đời thì có 1 trẻ sinh non.

Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17 nghìn trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.

Chủ đề năm 2021 là “Không chia cách. Hãy hành động ngay! Hãy để cha mẹ được chăm sóc trẻ sinh non ngay từ lúc chào đời”. Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non năm nay là một cơ hội hành động để cha mẹ được tiếp xúc và chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện trong mọi điều kiện, không kể thời gian và địa điểm.

Ngay cả khi không có những rủi ro khác do đại dịch toàn cầu, trẻ sinh non là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, như các nghiên cứu liên tục chỉ ra, trẻ cần có cha mẹ ở bên mình.

Các cơ sở y tế được khuyến khích đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu và gia đình của trẻ. Đó là các yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch bệnh để bệnh viện tiếp tục hoạt động và các nhân viên y tế được an toàn trong bối cảnh đại dịch.

Tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để hỗ trợ và nhân rộng can thiệp nhằm duy trì sự sống còn cho trẻ sơ sinh trên cả nước. Chú trọng vào các tỉnh, thành, khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đây là những nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống và có tỉ lệ tử vong sơ sinh cao.

Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình vì Sự sống còn và Phát triển của Trẻ em của UNICEF Việt Nam, cho biết: “Một số biện pháp can thiệp có hiệu quả cao với chi phí thấp để cứu sống trẻ sơ sinh bao gồm tiếp xúc da kề da ngay sau sinh hoặc cho trẻ bú sớm. Việc tiếp xúc da kề da sớm sau khi sinh và liên tục có tác động tích cực và bảo vệ đối với trẻ.

Cụ thể như điều hòa nhịp tim và hô hấp, ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết (nhiễm khuẩn nặng), hạ thân nhiệt hay hạ đường huyết, cũng như giảm khả năng trẻ phải nhập viện lại. Đồng thời, việc cho trẻ bú sớm và hoàn toàn bằng sữa mẹ có tác động tích cực đến sự phát triển ngắn hạn và dài hạn về sinh lý và hệ thần kinh của trẻ.

Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo rằng trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu được đưa đến các cơ sở chăm sóc y tế có chuyên môn cao hơn một cách nhanh chóng và bình đẳng trong trường hợp cần thiết, bất kể trẻ được sinh ra ở đâu”.

UNICEF Việt Nam cho biết, những năm trước, rất nhiều cá nhân, tổ chức và nhóm cha mẹ tham gia vào các hoạt động nhân Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non tại khoảng 100 quốc gia. Theo đó, sẽ có một tuần lễ để nâng cao nhận thức và tăng cường hành động trong việc ngăn ngừa sinh non khi có thể, cải thiện hệ thống chăm sóc y tế và cứu sống trẻ sơ sinh.

Việt Nam là một trong các nước trên thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như các Mục tiêu phát triển bền vững. So với năm 2010, tỷ lệ tử vong mẹ giảm từ 69/100.000 xuống 46/100.000 (năm 2019). Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 24,1/1.000 xuống 21/1.000 năm 2019.

Với việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em này, trong vòng 10 năm (từ 2010 đến 2019), hàng trăm nghìn trẻ em dưới 5 tuổi đã được cứu sống. Chỉ cần giảm được 1% tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là chúng ta đã cứu sống thêm được 150 nghìn trẻ em mỗi năm.

Hiện tại, Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng ngay cả trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân nặng chỉ 500g cũng như tiếp tục chăm sóc để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.