Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm trên phía Tây của biển Đông, có bờ biển dài trên 3.260km, diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, gấp 3 lần lãnh thổ, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Sự ưu đãi của thiên nhiên đã khiến cho người Việt có một nguồn tài nguyên biển phong phú và đa dạng.
Phó Tổng Biên tập Vũ Văn Hà (Tạp chí Cộng sản) tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh” đã chỉ ra rằng: “Điển hình những thành tựu trong phát triển kinh tế biển phải nhắc đến đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển”.
Du lịch và dịch vụ biển phát triển mạnh, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của ngành du lịch. Năm trước, du lịch Việt Nam đón 95,5 triệu du khách (trong đó có 15,5 triệu du khách quốc tế) với tổng doanh thu toàn ngành du lịch vượt 620.000 tỉ đồng (khoảng 27 tỉ USD), tăng khoảng 11% so với năm trước và đưa tổng doanh thu của ngành này tăng gấp hơn 10 lần kể từ 2008.
Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác từng bước khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao gần 20%/năm. Nộp ngân sách chiếm trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm.
Nuôi trồng và khai thác hải sản biển của nước ta hiện cũng phát triển mạnh mẽ, bên cạnh đóng góp quan trọng vào xuất khẩu của cả nước còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Theo thống kê, sản lượng thủy sản khai thác biển năm ngoái ước tính đạt 3.392,6 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2.560 nghìn tấn, tăng 6,8%, tôm đạt 146,4 nghìn tấn, tăng 1,7%, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt gần 9 tỷ USD.