Mỏi mòn đợi chờ nhà công vụ

Mỏi mòn đợi chờ nhà công vụ
j
Phòng ở đơn sơ của giáo viên vùng núi Nghệ An

(GD&TĐ) - Năm học đã đi qua một phần tư chặng đường,, nhưng hàng ngàn giáo viên nhiều trường học của Nghệ An vẫn canh cánh nỗi lo an cư , bởi điểm trường nơi họ giảng dạy ở cách nhà quá xa. Thiếu nhà công vụ, nhiều giáo viên đã phải ở trong các phòng học dư thừa, trong những ngôi nhà tranh dựng tạm, thậm chí là thuê mượn nhà dân.

Chưa an cư vẫn phải lạc nghiệp

Trường THCS Hương Tiến (xã Ngọc Lâm,Thanh Chương – Nghệ An) là một trong những trường có số lượng giáo viên có nhu cầu ở nội trú đông. Trường thuộc xã tái định cư thuỷ điện bản Vẽ nằm cách trung tâm huyện khoảng 20km.

Những giáo viên giảng dạy nơi đây hầu hết đều nằm ngoại huyện, bởi khi di dời dân về tái định cư ở huyện Thanh Chương, họ cũng nằm trong diện di chuyển. 

Ở cách trường quá xa nhưng phòng nội trú ít, nhiều giáo viên đã phải thuê mượn nhà dân để ở. Để giải quyết tình thế, nhà trường dựng tạm mấy gian nhà tranh trong khuôn viên trường làm nơi ở tạm. Thầy Bùi Thái Kỳ giảng dạy môn Ngữ văn quê ở huyện Diễn Châu được bầu vui làm trưởng phòng.

 Ba thầy giáo còn lại là Nguyễn Văn Tùng quê ở huyện Nam Đàn; Nguyễn Hữu Lợi quê ở huyện Tân Kỳ; Nguyễn Văn Tuế quê ở huyện Quỳnh Lưu. Vừa nhặt rau, thầy Kỳ vừa cho biết: “Lo nhất là khi mưa gió. Hai năm trước, gian nhà của chúng tôi đã bị tốc mái phải sửa lại hoàn toàn. Hầu như năm nào ngôi nhà này cũng phải sửa mấy lần”. 

Không thuộc diện ở nội trú trong trường, vợ chồng cô Mai Thị Hường là 1 trong 5 thầy cô của trường buộc phải thuê trọ nhà dân để ở. Cô Hường dạy môn Giáo dục công dân quê ở Thanh Hoá. Gia đình cô chuyển về công tác tại Trường THCS Hương Tiến đã 3 năm nay. Ba năm cũng là chừng ấy thời gian gia đình cô phải thuê trọ trong nhà dân. 

Cô Hường tâm sự: 2 năm trước, nhà tôi ở nơi khác, năm học này mới chuyển đến thuê ở gần trường vì con còn nhỏ. Nhiều gia đình lại ngại không muốn cho mình thuê vì mình có gia đình, có những cái tế nhị không tiện. Thuê trọ bất tiện lắm, ở không thoải mái. Giá như nhà trường có đủ phòng nội trú thì tốt hơn nhiều đỡ phải cứ năm này thuê chỗ này, năm sau thuê chỗ khác.

Tại Trường THCS Hiến Sơn (huyện Đô Lương) năm nay vẫn còn có 7 giáo viên nhà ở cách trường khoảng 15km. Tuy nhiên chỉ có 5 giáo viên được ưu tiên phòng ở nội trú vì thường xuyên phải đứng lớp tăng tiết. Cô Nguyễn Thị Loan giảng dạy bộ môn Ngữ văn quê ở xã Xuân Sơn huyện Đô Lương, nhà cách trường hơn 14 km cho biết: “Vì chính sách luân chuyển nên tôi được chuyển xuống đây.

Chồng là bộ đội, cháu đầu lớp 6, cháu thứ 2 lớp 1, mẹ phải đi làm xa nên cũng rất vất vả. Buổi sáng ai cũng phải dậy sớm để kịp giờ, buổi trưa cháu nhỏ ở bán trú, cháu lớn tự lo nấu ăn ở nhà còn tôi thì đã đùm cơm mang theo từ sớm nên ở lại trường để ăn.

Đi xa nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý của mình. Mấy phòng nội trú của trường xây dựng lâu nay xuống cấp ở không an toàn. 5 giáo viên nữ chúng tôi ai cũng thế cả, tự đùm cơm mang theo để ăn trưa rồi ngủ nhờ ở các phòng chức năng hay phòng kế toán. Cũng có giáo viên có nhu cầu ở lại nhưng do phòng không có nên đành phải chịu”.

Khó giải quyết

Hiện tại, Trường THCS Hương Tiến, xã Ngọc Lâm huyện Thanh Chương có 42 cán bộ giáo viên nhưng có đến 17 người có nhu cầu ở nội trú. Trong khi đó, nhà nội trú xây kèm theo trường từ dự án Tái định cư thuỷ điện bản Vẽ chỉ có 4 phòng nên không đủ, buộc số còn lại phải tự thuê mượn bên ngoài.

Thầy Đinh Văn Mão - hiệu trưởng nhà trường than thở: Năm nào vấn đề nhà nội trú cũng rất căng thẳng. Ai cũng đăng ký ở nội trú nên rất khó phân xử. Các thầy cô đã phải tự thương lượng với nhau.

Những giáo viên thuê trọ bên ngoài hết bao nhiêu tiền thì chia đều cho tổng số người có nhu cầu ở nội trú để họ chia sẻ và “gánh” bớt. Tôi chỉ mong sao các đồng nghiệp đều được ở nội trú để họ yên tâm công tác.

Theo cô Lê Thị Thuý Vân - Chủ tịch CĐGD huyện Thanh Chương, vấn đề nhà công vụ cho giáo viên những năm qua cũng đã giải quyết được một số lượng đáng kể từ các chương trình khác nhau, đáp ứng một phần nào nhu cầu.

Tuy nhiên có 1 nghịch lý là nhiều trường thừa phòng học lại thiếu nhà công vụ, thậm chí có nhà công vụ nhưng không ai có nhu cầu trong khi đó ở nhiều trường thì lại rất bức bách. 

Cô Vân dẫn chứng: Nhà nội trú ở các trường thuộc 2 xã Tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm nổi cộm hơn và cũng khó giải quyết hơn vì nó thuộc dự án thuỷ điện nên các chương trình khác áp dụng vào đây đều không được.

Hiện 2 xã này có gần 40 giáo viên có nhu cầu nội trú nhưng bằng những cách này cách khác họ đã tự lo được chỗ ở cho mình. Ngay như Trường mầm non Hương Tiến xã Ngọc Lâm có 4 giáo viên phải ở nhờ trong phòng học do phòng học thừa nhưng nhà nội trú lại thiếu, hay như ở Trường Tiểu học Kim Lâm xã Thanh Sơn có 3 giáo viên ở nhờ phòng học trường mầm non do trường này thừa phòng học... 

Cô Vân cho biết thêm: Năm  học này trở đi, vấn đề nhà ở nội trú cho giáo viên mầm non sẽ đáng quan tâm hơn bởi các trường mầm non chuyển đổi sang công lập thì giáo viên buộc phải thuyên chuyển và như vậy sẽ nảy sinh nhu cầu ở nội trú.

Tại huyện Đô Lương, Phòng GD&ĐT thì toàn huyện có gần 40 cán bộ giáo viên có nhu cầu ở nội trú ở 7 trường vùng sâu vùng xa. Thầy Lê Văn Lai - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Đô Lương cho biết: Việc giải quyết thực trạng này rất khó.

Phòng và công đoàn muốn vận động mỗi Đoàn viên công đoàn 1 năm đóng góp 10 - 20 ngàn đồng làm đòn bẩy cùng với địa phương để xây dựng nhà công vụ nhưng kinh phí địa phương lại eo hẹp. Ý là vận động nhưng cũng phải xin chủ trương cấp trên.

Thêm vào đó, Đoàn viên công đoàn đã đóng góp nhiều khoản rồi, giờ đóng thêm cũng khó. Công đoàn đang đề nghị nên có chủ trương vận động xây dựng nhà công vụ một cách cụ thể, có chủ trương giải quyết nội bộ. Nghĩa là của huyện nào vận động được bao nhiêu thì giải quyết luôn cho huyện đó.

Thầy Phạm Anh Tài - Trưởng phòng GD&ĐT Con Cuông chia sẻ: Toàn huyện có hơn 120 cán bộ, nhân viên thuộc 10 trường học có nhu cầu nhà nội trú với số phòng hơn 60 phòng.

Có 2 xã mà cả 3 cấp học đều thiếu nhà công vụ như Lục Dạ, Đôn Phục. Việc giải quyết rất khó khăn, điều này đã tác động lớn đến tư tưởng của cán bộ nhân viên. Phòng biết nhưng ngân sách không có, huy động xã hội hoá ở vùng sâu vùng xa càng khó khăn nên cơ bản đang chờ đợi các dự án.

Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An Lê Thị Hương Sen cho biết:

 “Toàn ngành có khoảng 4.480 cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhu cầu ở nhà công vụ. Tuy nhiên những năm qua, mới chỉ xây dựng được 180 phòng công vụ/2.373 phòng theo nhu cầu.

Thực tế này vượt quá khả năng đáp ứng của Công đoàn ngành vì chúng ta chỉ biết tập trung huy động nội lực; còn huy động ngoại lực gặp nhiều khó khăn”. 

“Lương thấp, lại phải thuê phòng trọ nhưng nhiều trường, giáo viên không có chỗ để thuê trọ như ở Trường THPT Đô Lương IV, khiến giáo viên ở xa hơn 15 km phải đi về trong ngày. Điều này khiến giáo viên tốn kém chi phí đi lại, mất an toàn khi tham gia giao thông, từ đó sức khỏe, tâm lý bị ảnh hưởng, điều này tác động đến chất lượng giảng dạy”.

Thanh Hải – Minh Thư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...