Mới là điều kiện cần...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quy tắc ứng xử là một trong những giải pháp phòng ngừa xung đột lợi ích, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Dù được quy định trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng... nhưng thực tế, việc xây dựng và thực thi công cụ này vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Cũng bởi vậy mà khi thảo luận về Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.

Một trong số đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) khi cho rằng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn liêm chính.

Lý do, theo ông Huân là bởi tham nhũng có ở mọi nơi trên thế giới. Những nước dẫn đầu về chỉ số nhận thức tham nhũng như Đan Mạch, New Zealand cũng chỉ đạt 88 điểm. Nước ta hiện đạt 36 điểm và không có quốc gia nào đạt tuyệt đối 100.

Điều này cho thấy thực tế rằng, hầu hết các nước phải chấp nhận tham nhũng như một phần tất yếu trong quá trình phát triển và phải nỗ lực để phòng chống.

Do đó, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các nước phát triển, trong đó trước hết, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền, khối doanh nghiệp cũng như tổ chức xã hội nghề nghiệp. Bộ quy tắc này nếu làm tốt sẽ bảo vệ cán bộ chứ không phải để ngăn chặn hoặc gây ức chế trong quá trình công tác - ông Huân nhấn mạnh.

Hiện nay, phần lớn các cơ quan Trung ương cũng như địa phương đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với mục tiêu xây dựng nền công vụ liêm chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Tuy nhiên, thực tế áp dụng còn nhiều bất cập, hạn chế. Lý do trước hết là bởi việc xây dựng, ban hành các quy tắc chưa thực sự phổ biến và coi trọng ở các cấp, các ngành; một số địa phương chưa có quy tắc ứng xử. Đặc biệt, giá trị pháp lý chưa được đánh giá cao, nhất là ở khía cạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Các nội dung cũng còn chung chung, hình thức...

Vậy nên, cho dù quan điểm xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn liêm chính là đúng và thực tế một số cơ quan, địa phương đã thực hiện thì vấn đề vẫn là khắc phục tính hình thức. Đó là phải xây dựng và ban hành quy tắc ứng xử một cách rộng khắp, toàn diện ở tất cả các cấp, ngành, các địa phương trên toàn quốc, từng bước trở thành chuẩn mực pháp lý có giá trị bắt buộc tuân thủ đối với mọi người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, quy tắc phải thể hiện được các nội dung cốt lõi như quy tắc ứng xử tại cơ quan; trong thực thi công vụ, cách thức ứng xử và các bước hành động khi gặp tình huống rủi ro hay tham nhũng. Đặc biệt, khi đã có quy tắc, cần giám sát quá trình thực hiện một cách nghiêm minh, tuyệt đối tránh thực thi theo kiểu hình thức, hời hợt, theo kiểu cho có để thống kê thành tích.

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn liêm chính mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là cán bộ, công chức, viên chức, người lãnh đạo phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện, trở thành tấm gương về đạo đức, kỷ luật, liêm chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ